Chiều ngày 5/6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của bộ trong tháng 5 năm 2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của bộ trong thời gian tới.
Dự họp báo có lãnh đạo Bộ TTTT, lãnh đạo Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử và một số đơn vị liên quan. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chủ trì cuộc họp.
Một số kết quả nổi bật trong tháng 5
Bộ TTTT thông tin, doanh thu toàn ngành ước đạt: 276.769 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với tháng trước. Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt: 7.564 tỷ đồng, tăng trưởng 1% so với tháng 4 và giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 5, nổi bật là công tác chuẩn hóa thông tin thuê bao. Theo đó, 2,85 triệu thuê bao đã thực hiện chuẩn hoá trên tổng số 3,84 triệu thuê bao thuộc tập có thông tin cần chuẩn hoá sau đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đã xử lý thu hồi hơn 985 nghìn thuê bao do không thực hiện chuẩn hoá theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ TTTT đã phối hợp với Tổ chức Viễn thông khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APT) tổ chức Hội nghị Nhóm thông tin vô tuyến của APT lần thứ 31 (AWG-31); tổ chức 82 đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất trên cả nước về. Mục tiêu của đợt thanh tra diện rộng lần này tập trung vào việc xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký SIM thuê bao; tình trạng cố tình đăng ký nhiều SIM thuê bao để lưu thông ra thị trường nhưng không thực hiện chuyển quyền sử dụng…
Về lĩnh vực An toàn thông tin Bộ TTTT đã tổ chức “Diễn tập thực chiến đảm bảo an toàn thông tin mạng 2023” trong 5 ngày liên tục vào các hệ thống thông tin do Sở TTTT TP HCM đang vận hành; tổ chức Hội nghị “Hướng dẫn triển khai và đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia” cho các Sở TTTT 3 miền Bắc, Trung, Nam; tổ chức làm việc với các Sở TTTT các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái về công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Trong lĩnh vực Công nghiệp ICT, ghi nhận số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký thành lập vẫn tăng ổn định, số doanh nghiệp công nghệ số đăng ký và đang hoạt động ước tính đến hết tháng 5/2023 ước đạt 71.500 doanh nghiệp, tăng 200 doanh nghiệp so với tháng 4/2023.
Đặc biệt trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, Bộ TTTT vẫn tiếp tục làm việc với Apple về việc gỡ bỏ các game và ứng dụng vi phạm tại Việt Nam; làm việc với Facebook về các vi phạm và việc hợp tác, triển khai đào tạo của Facebook tại Việt Nam để cùng đưa ra các giải pháp mới quản lý các nội dung trên môi trường Facebook hiệu quả hơn; tiếp tục yêu cầu Facebook gỡ bỏ các tài khoản cá nhân, fanpage vi phạm; làm việc với Google về việc các quảng cáo vi phạm trên Youtube và gỡ bỏ các kênh Youtube xấu độc tại Việt Nam; tổ chức đoàn, tiến hành kiểm tra toàn diện hoạt động của Tik Tok tại Việt Nam...
Công tác đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giớ từ 15/4/2023 đến 15/5/2023 ghi nhận: Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 399 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (tỷ lệ 91%); Google đã gỡ 1.901 video vi phạm trên Youtube (tỷ lệ 94%); TikTok đã chặn, gỡ bỏ: 51 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (tỷ lệ 98%).
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền
Gần đây, vấn nạn về quảng cáo cờ bạc trực tuyến, tình trạng livestream quảng cáo ứng dụng khiêu dâm trên nền tảng mạng xã hội ngày càng nở nộ và diễn ra một cách ngang nhiên. Bên cạnh đó, hiện tượng một số bộ phim ngắn với nội dung giang hồ mạng công chiếu trên nền tảng Youtube và tình trạng các xe dịch vụ dán decal quảng cáo công khai cho website cờ bạc cũng đã được báo chí phản ánh và ghi nhận.
Bộ TTTT đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, cảnh báo tới người dân. Đồng thời, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ cũng có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để có biện pháp xử lý nghiêm hiện tượng này.
Bên cạnh đó bộ sẽ đẩy mạnh công tác giám sát tỷ lệ thông tin tiêu cực và thông tin tích cực trên báo chí. Các cơ quan báo chí cần lưu ý, trong tháng 5/2023 tỷ lệ thông tin tiêu cực trên báo chí chiếm 22,8%, tăng 2,2% so với tháng trước; tỷ lệ thông tin tích cực trên báo chí chiếm 61,3%, giảm 1,4% so với tháng trước.
Cuộc họp báo cũng ra mắt Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí; giới thiệu Nền tảng truyền hình số quốc gia và công bố bộ chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí và giới thiệu cổng kết nối trực tuyến công cụ phần mềm đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí.
Trong tháng 6 Bộ TTTT sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 8/11/2013 của Chính phủ quy định về khu công nghệ thông tin tập trung; trình Chính phủ ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục triển khai kiểm tra toàn diện hoạt động của Tiktok tại Việt Nam…