Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật số liệu về tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 1/2024. Theo đó, tiền gửi của cả khách hàng doanh nghiệp và dân cư đều giảm mạnh trong tháng đầu năm.
Cụ thể, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng cuối tháng 1 đạt hơn 13,17 triệu tỷ đồng, giảm gần 200 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023. Trong đó, tiền gửi của dân cư gần 6,5 triệu tỷ đồng, giảm hơn 34.600 tỷ, tương đương giảm 0,53%.
Trước đó, từ cuối năm 2021, dòng tiền này liên tục tăng, bình quân trên 50.000 tỷ đồng mỗi tháng. Với dữ liệu mới từ nhà điều hành cho thấy, tiền gửi của dân cư lần đầu giảm trong hơn 2 năm qua.
Tương tự, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào cuối tháng 1/2024 là hơn 6,67 triệu tỷ đồng, giảm hơn 165.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tương đương giảm 2,41%. Trước đó, tiền gửi của nhóm khách hàng này đã tăng đột biến hơn 457.000 tỷ đồng trong tháng 12/2023 lên mức kỷ lục hơn 6,84 triệu tỷ đồng.
Trên thực tế, việc tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm mạnh trong những tháng đầu năm được cho là do yếu tố mùa vụ, không có gì bất thường. Nguyên nhân do đây là thời điểm cuối năm tài chính và cũng là dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp có xu hướng rút bớt tiền khỏi hệ thống ngân hàng để phục vụ cho các nhu cầu chi lớn như trả lương, thưởng cho người lao động…
Tuy nhiên, lượng tiền gửi dân cư sụt giảm thì có thể do yếu tố đặc thù của năm nay. Trái với mọi năm, các ngân hàng thường tăng lãi suất huy động, tung ra các chương trình khuyến mại để thu hút tiền gửi dịp Tết và đầu năm, thì năm nay, mặt bằng lãi suất lại giảm xuống vùng thấp kỷ lục, do tín dụng các ngân hàng vẫn tăng trưởng âm trong tháng đầu năm. Nhiều khoản tiền gửi trước đây có thể được hưởng lãi suất lên tới 10 – 11% thì nay chỉ còn được hưởng lãi khoảng một nửa con số nêu trên nếu gửi cùng kỳ hạn.