Chính trị

Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIV của Đảng làm việc tại vùng Tây Nguyên

Thanh Nga- Kim Ngân 02/08/2024 16:53

Ngày 2/8, tại TP Buôn Ma Thuột, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng làm việc tại vùng Tây Nguyên.

Tham dự còn có thành viên Tiểu ban Kinh tế- Xã hội, đại diện lãnh đạo Bộ, ban hành liên quan, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND 5 tỉnh Tây Nguyên. Tỉnh Đắk Lắk có ông Nguyễn Đình Trung – Bí thư Tỉnh ủy; bà Huỳnh Thị Chiến Hòa –Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở, ngành liên quan.

z5692303138509_16c8785228fb13f55a1f441f60c070e8.jpg
Ông Nguyễn Đình Trung – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các địa phương; chia sẻ những kinh nghiệm, bài học hay trong phát triển KTXH; nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển và đề xuất, kiến nghị với Trung ương. Các địa phương cũng đánh giá cao cách tiếp cận của Tiểu ban KTXH khi có các cuộc làm việc trực tiếp với các địa phương thay vì tổng hợp tình hình thực hiện các Nghị quyết của Trung ương bằng văn bản.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các địa phương vùng Tây Nguyên cũng phản ánh những nút thắt đang làm cản trở quá trình phát triển, nhất là kết nối hạ tầng nội vùng với các trung tâm kinh tế còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực còn bất cập dẫn đến khó thu hút đầu tư; tiềm năng lợi thế rừng chưa được khai thác hiệu quả để tạo sinh kế cho người dân sống và làm giàu từ rừng; chất lượng chăm sóc y tế còn nhiều bất cập, công tác bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá Tây Nguyên chưa được quan tâm đúng mức. Vướng mắc về quy hoạch bauxite đang làm cản trở việc triển khai các dự án đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia, tại Lâm Đồng và Đắk Nông. Các tỉnh vùng Tây Nguyên đề xuất kiểm kê lại rừng khu vực Tây Nguyên để xác định rõ thực trạng của rừng, làm cơ sở cho việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc.

z5692303281153_b87313e6aa8e25574b520406930de1cb.jpg
Ông Phạm Ngọc Nghị -Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk tham gia ý kiến.

Đối với việc phát triển nguồn nhân lực, các tỉnh vùng Tây Nguyên kiến nghị Trung ương tăng cường số lượng, cơ sở vật chất, giáo viên đối với các trường nội trú ở cấp huyện và trường đào tạo nghề; có chính sách mạnh hơn nữa từ khâu đào tạo, tuyển dụng cán bộ, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ là người dân tộc.

Các địa phương cũng kiến nghị Trung ương phân cấp cho địa phương trong việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch tỉnh, thẩm định dự án phát triển kinh tế; quan tâm đầu tư bảo tồn văn hoá các dân tộc Tây Nguyên để văn hoá thực sự trở thành nguồn lực cho phát triển bền vững; quan tâm hơn nữa đối với cán bộ cấp cơ sở.

Đại diện một số bộ, ngành cũng cập nhật thông tin về định hướng phát triển y tế, bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá Tây Nguyên, điều tra dân số dân tộc thiểu số, đồng thời gợi mở những động lực mới để Tây Nguyên phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, các tỉnh Tây Nguyên đang đối mặt với khó khăn, hạn chế như: Trình độ phát triển kinh tế và mức sống nhân dân của vùng còn thấp, GRDP bình quân đầu người của Vùng năm 2023 đạt gần 67 triệu đồng, thấp nhất cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH, mật độ đường giao thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2023 của Vùng đạt 18,2%, chỉ cao hơn vùng đồng bằng sông Cửu Long...

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Tây Nguyên là khu vực luôn có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, QPAN của cả nước, nên tinh thần chung là cần có sự ưu tiên cơ chế, chính sách, nguồn lực cho khu vực này trong thời gian tới với tinh thần chung đạt được mục đích là tiểu ban KTXH phải làm một văn kiện rất quan trọng là đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển KTXH và định hướng trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh tập trung mục tiêu phải ổn định tình hình ANCT để phục vụ phát triển; chủ động đề xuất nhiệm vụ cần trung ương phân cấp cho địa phương; quan tâm đến công tác dân tộc, đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số; quản lý bảo vệ rừng, quy hoạch đồng bộ, chỉ tiêu quy hoạch đáp ứng con số phát triển xanh, cơ chế ứng xử với các loại hình quy hoạch để định hướng phát triển chứ không phải là rào cản; đào tạo nguồn nhân lực hệ thống cơ quan nhà nước...

Đối với việc kiểm kê rừng, Phó Thủ tướng cho biết Tây Nguyên sẽ là vùng kiểm kê trước bằng việc ứng dụng công nghệ để bảo đảm tính chính xác, minh bạch, không ai can thiệp được vào kết quả kiểm kê, tạo cơ sở cho việc tính toán bố trí đất đai cho đồng bào dân tộc.

Về quản lý và bảo vệ rừng, qua các chuyến khảo sát tại các địa phương, Phó Thủ tướng đồng tình với sự cần thiết phải đánh giá, điều chỉnh lại nhân lực quản lý bảo vệ rừng và mô hình quản lý rừng cho hiệu quả, phòng, chống nguy cơ phá rừng, cháy rừng. Vì vậy, đề nghị các tỉnh Tây Nguyên chuẩn bị nhân sự thật tốt cho Đại hội đảng bộ các cấp, trong đó đặc biệt lưu ý cán bộ làm công tác dân tộc và cán bộ là người dân tộc.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ KHĐT khảo sát mô hình hay của các tỉnh, tiếp nhận đề xuất của các địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện các báo cáo Tiểu ban KTXH Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIV của Đảng làm việc tại vùng Tây Nguyên