Góc nhìn Đại Đoàn Kết

TikToker… “ngáo quyền lực”

Đức Sơn 12/05/2025 07:28

Mạng xã hội từng được xem là nơi ai cũng có quyền lên tiếng. Nhưng khi tiếng nói không đi kèm trách nhiệm sẽ dễ biến thành ảo tưởng. Và khi ảo tưởng ấy được nuôi lớn bằng lượt xem và sự tung hô mù quáng sẽ sinh ra một lớp “anh hùng bàn phím” - những TikToker “ngáo quyền lực” tưởng mình có thể đại diện cho công lý, thậm chí thay thế luật pháp.

Vụ bắt giữ TikToker Lê Việt Hùng hôm 7/5 vừa qua là một ví dụ điển hình. Từng được tung hô vì các video được cho là “giám sát tiêu cực”, Hùng giờ trở thành bị can với cáo buộc cưỡng đoạt tài sản, sau hàng loạt hành vi gây rối, xúc phạm và chống đối lực lượng chức năng. Nhưng điều đáng lo hơn là Hùng không phải cá biệt.

TikToker Bùi Phương Nam (Nam Birthday) từng bị khởi tố về hành vi “chống người thi hành công vụ” khi livestream chống đối CSGT trong tình trạng có nồng độ cồn vượt ngưỡng quy định. TikToker “Tuấn Phò Mã 36” cũng từng “ngáo quyền lực” khi liên tục livestream, đăng tải nhiều clip được cho là “gây nhiễu” khi can thiệp cả việc xử lý vi phạm của CSGT và sau đó bị bắt.

Từ “người hùng mạng” đến “bị can”, hành trình của họ phản ánh một trào lưu nguy hiểm, biến mạng xã hội thành công cụ công kích, thao túng, gây rối trật tự. Chỉ với một cú click, họ có thể phán xét, kêu gọi cộng đồng “làm thay pháp luật”, bất chấp hậu quả pháp lý hay đạo đức xã hội. Trở lại với trường hợp của Lê Việt Hùng: từ giám sát tiêu cực đến gây áp lực, rồi bị cáo buộc cưỡng đoạt, chỉ là một ranh giới mong manh. Và điều đáng ngại hơn là một “hệ sinh thái” lệch chuẩn đang hình thành - nơi các video xuyên tạc, vu khống, cắt ghép có chủ đích được chia sẻ chóng mặt, đẩy công lý ra ngoài lề. Nguy hiểm hơn, nó đang định hình một thế hệ tin rằng “nổi tiếng hơn tử tế”, “gây sốc hơn gây dựng”. Nếu không chặn đứng sớm, mạng xã hội sẽ trở thành “cánh rừng hoang” nơi đạo lý bị “đốt trụi” và cái sai được livestream mỗi ngày.

Thật nguy hiểm khi nội dung độc hại lại dễ lan truyền. Nếu không có người xem thích “drama”, những lượt chia sẻ thiếu suy xét, những bình luận cổ vũ mù quáng, thì những cái tên như Lê Việt Hùng đã không thể “đi xa” đến vậy. Như vậy, trách nhiệm còn thuộc về các nền tảng mạng xã hội. Thuật toán của TikTok, YouTube hay Facebook vẫn đang ưu ái nội dung giật gân, câu view, trong khi cơ chế cảnh báo và loại bỏ nội dung độc hại vẫn còn quá yếu. Còn các cơ quan quản lý thì nhiều khi vẫn loay hoay đi sau thực tế, chỉ vào cuộc khi hậu quả đã rõ ràng, khi mạng xã hội đã bị thao túng và uy tín xã hội đã bị tổn hại.

Vụ bắt giữ TikToker Lê Việt Hùng không phải là hồi kết, mà là hiệu lệnh cho một cuộc “dọn rác số”, làm sạch không gian mạng khỏi những ảo tưởng quyền lực được nuôi lớn bằng sự tung hô mù quáng và lượt view méo mó. Muốn khôi phục sự lành mạnh cho môi trường số, cần những hành động đồng bộ và quyết liệt. Trước hết, phải siết chặt kiểm soát nội dung vi phạm, đặc biệt các video xuyên tạc, vu khống, kích động chống đối lực lượng chức năng. Nền tảng công nghệ không thể tiếp tục làm ngơ, tiếp tay bằng cách ưu tiên hiển thị nội dung độc hại vì mục tiêu tương tác, hút view. Cùng lúc, cơ quan chức năng cần nâng cao năng lực phát hiện và phản ứng nhanh, không để bị động chạy sau dư luận. Xử lý thật nghiêm, thật nặng các trường hợp vi phạm để ngăn chặn và răn đe, phòng ngừa chung cho cả xã hội.

Và sâu xa hơn, phải bắt đầu từ giáo dục lại nhận thức cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Mạng xã hội không phải nơi để sống ảo, càng không phải là Tòa án do một vài TikToker tự phong làm “thẩm phán chính nghĩa”. Tự do ngôn luận không thể là vỏ bọc cho hành vi bôi nhọ, vu khống, thao túng đám đông bằng cảm xúc và ngôn từ kích động.

Thiết nghĩ, quan trọng nhất, mỗi người chúng ta cần phải “lướt mạng” có trách nhiệm. Biết hoài nghi, biết phân biệt đâu là phản biện mang tính xây dựng và đâu chỉ là trò giật gân “đội lốt” công lý. Bởi nếu công lý bị lấn át bởi cảm tính, nếu danh dự có thể bị xúc phạm chỉ bằng vài cú share, likes… thì người thiệt hại cuối cùng không phải ai khác mà chính là cộng đồng chúng ta.

Pháp luật có thể bắt giữ những cá nhân vi phạm nhưng nếu cộng đồng không sớm tỉnh ngộ, thì sẽ còn nhiều trường hợp “ngáo quyền lực” khác mọc lên, tinh vi hơn, nguy hiểm hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TikToker… “ngáo quyền lực”