Công nghệ 4.0 đang mang lại nhiều cơ hội phát triển cho bảo tàng. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng như việc ứng dụng công nghệ cho bảo tàng đang đặt ra nhiều thách thức.
Bài toán ứng dụng công nghệ
Thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL), cả nước hiện nay có 188 bảo tàng, bao gồm 128 bảo tàng công lập và 60 bảo tàng ngoài công lập. Các bảo tàng đang lưu giữ trên 4 triệu hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý giá về lịch sử, văn hóa, dân tộc học, mỹ thuật… Nhiều hiện vật quý, độc nhất vô nhị, mang giá trị lịch sử to lớn.
Đặc biệt, trong thời gian qua, sự phát triển của công nghệ đã trở thành cánh tay nối dài giúp nhiều bảo tàng thay đổi diện mạo cũng như cách tiếp cận công chúng. Đơn cử như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với việc ứng dụng công nghệ tương tác sử dụng trong trưng bày và thuyết minh tham quan, hoạt động giáo dục trải nghiệm tại bảo tàng. Có thể kể đến các tour 3D, xây dựng các không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến VAES… Hay như Bảo tàng Quảng Ninh đã sử dụng công nghệ quét Laser 3D, quét mã QR hiện vật và trưng bày, triển lãm online, thuyết minh tự động bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài phục vụ khách tham quan, trải nghiệm. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ứng dụng công nghệ số cho trưng bày “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam”. Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam triển khai tour 3D “Chiến thắng Hà Nội 12 ngày đêm”...
Tuy nhiên, bên cạnh những gì đã đạt được vẫn còn đó nhiều trở ngại, trong đó có câu về kinh phí. Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho biết, hiện nay, ứng dụng khoa học, công vẫn sử dụng nguồn chi thường xuyên với tỉ trọng khoảng dưới 4% kinh phí của các cơ quan, đơn vị. Chưa kể, hiện chưa có mục lục chi ngân sách riêng cho các hoạt động ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao hoạt động trong lĩnh vực văn hóa về cơ bản vừa thiếu vừa yếu. Nguyên nhân xuất phát từ đặc điểm ngành nghề, hầu hết nhân lực làm công tác văn hóa chưa được trang bị nhiều kiến thức về khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao.
Vỏ đẹp, ruột rỗng
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tàng mang lại rất nhiều lợi ích, không chỉ cho riêng bảo tàng mà còn cho cả công chúng và xã hội. Thế nhưng khi nhìn vào bức tranh toàn cảnh ngành bảo tàng, còn đó những mảng màu sáng, tối. Khái niệm “bảo tàng số”, “bảo tàng thông minh”, “bảo tàng ảo” không còn xa lạ, tuy nhiên mức độ chuyển đổi thế nào và nội dung chuyển đổi còn tùy thuộc vào từng bảo tàng ở từng lĩnh vực, địa phương. Trên thực tế, các bảo tàng thu hút được công chúng đến tham quan, nghiên cứu hiện nay đều tập chung chủ yếu ở các thành phố lớn. Ở nhiều địa phương, việc xây dựng, thành lập các bảo tàng chỉ để đồng bộ cơ sở hạ tầng chứ chưa sử dụng hết công năng.
Đồng hành với ngành bảo tàng trong một thời gian dài, ông Nguyễn Hữu Toàn - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) bày tỏ, nhiều bảo tàng hiện nay vẫn sử dụng các công trình kiến trúc cũ, vốn được xây dựng với mục đích sử dụng khác nên không đáp ứng yêu cầu tổ chức trưng bày. Lại có tình trạng cơ quan chủ quản, lãnh đạo địa phương chỉ chú trọng đầu tư cho phần xây dựng công trình kiến trúc mà chưa đầu tư thỏa đáng cho phần trưng bày, nên sau hàng chục năm bảo tàng vẫn ở trong cảnh có cơ sở hạ tầng mà chưa có trưng bày, triển lãm...
Không chỉ là câu chuyện cơ sở hạ tầng, ngành bảo tàng hiện cũng đang đặt ra những hoài nghi về câu chuyện nguồn nhân lực. Theo ông Toàn, đội ngũ cán bộ bảo tàng hiện đã “lớn” nhưng chưa đủ “mạnh”. Do vậy, nhiều hoạt động chuyên môn bảo tàng ở Việt Nam còn chưa kịp hội nhập, thậm chí còn tụt hậu so với sự phát triển của bảo tàng thế giới, nhất là về việc tổ chức nội dung trưng bày, thiết kế trưng bày, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong bảo tàng, xây dựng và tổ chức các chương trình giáo dục, marketing bảo tàng...
“Một hạn chế khác là tình trạng các bảo tàng dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa tạo được sự gắn kết giữa các hoạt động bảo tàng và du lịch để mở rộng khả năng quảng bá hình ảnh của các địa phương và đất nước với khách du lịch, qua đó tăng thêm nguồn thu để đầu tư trở lại cho các hoạt động bảo tàng” - ông Toàn nói.
Như vậy, để bảo tàng thực sự trở thành địa điểm thu hút công chúng đến tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc, rất cần sự chung tay từ nhiều phía, của những người có tâm, có tầm. Bởi với sự phát triển của công nghệ, nếu biết cách tạo sức hấp dẫn, bảo tàng chắc chắn sẽ là điểm đến hút khách tham quan.
Cục Di sản Văn hóa vừa có công văn gửi các bảo tàng trong hệ thống bảo tàng cả nước về việc định hướng hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5), với chủ đề “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”. Đây là dịp để nhấn mạnh vai trò then chốt của các thiết chế văn hóa trong việc cung cấp trải nghiệm giáo dục toàn diện. Trong đó, bảo tàng có vai trò như là các trung tâm khuyến khích học tập, thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo và xây dựng tư duy phê phán của khách tham quan.