Sáng 17/3, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp TƯ (BCĐ) đã họp phiên thứ 25 cho ý kiến về “Đề án phòng chống tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sư”. Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp TƯ cho rằng: “Không gươm, đao, súng, đạn nào bảo vệ được chế độ mà không có công lý. Do đó, xây dựng Đề án là cần thiết để có đội ngũ và hoạt động luật sư (LS) vì công lý, không tiêu cực, góp phần xây dựng nền tư pháp vì dân”.
Góp ý cho Đề án phòng chống tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sư.
Theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN), từ năm 2009 đến 9-2015, LĐLSVN đã nhận được hơn 400 đơn khiếu nại tố cáo (KNTC) đối với LS, trong đó có rất nhiều đơn thư có nội dung liên quan đến vi phạm đạo đức trong hành nghề LS. Đến cuối năm 2015, các Đoàn LS đã xử lý kỷ luật 100 trường hợp, trong đó đã kỷ luật bằng hình thức xóa tên 35 LS (đa số là vi phạm trong hành nghề LS). Có một số LS đã vi phạm nghiêm trọng, bị khởi tố, xử lý hình sự do lừa đảo khách hàng để chiếm đoạt tài sản.
Đề án ra đời chính là nhằm hạn chế các hành vi tiêu cực có thể có của LS như hành vi tác động bằng cách mua chuộc, giúp sức cho tiêu cực, tham nhũng, rửa tiền...
Tìm giải pháp để chặn tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng, Đề án còn nhận diện thiếu hành vi vi phạm của các tổ chức hành nghề LS, hành vi cố tình lách luật, lợi dụng “kẽ hở pháp luật” để bảo vệ cho khách hàng bằng mọi giá… Do đó, cần xuất phát từ vị trí đặc thù của hoạt động LS cũng như những yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới để nhận diện các hành vi tiêu cực và xác định giải pháp phòng chống tiêu cực trong hoạt động của LS.
Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Doãn Khánh đề nghị “phòng, chống tiêu cực “từ nguồn” bằng việc hoàn thiện thể chế để tăng cường tính minh bạch và thống nhất trong thực hiện, hạn chế tiêu cực. Còn theo Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, phòng chống tiêu cực trong hoạt động LS cần được đặt trong mối quan hệ với việc phòng chống tiêu cực của các cơ quan có liên quan, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng.
Phát biểu tại phiên họp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá, trong điều kiện của LĐLS hiện nay, việc xây dựng Đề án là một cố gắng lớn và đề nghị Đảng đoàn LĐLSVN tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của BCĐ, tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia để hoàn thiện Đề án.
Cũng theo Chủ tịch nước, uy tín của LS sẽ được xã hội đánh giá, ghi nhận, nhưng cùng với việc kỷ luật các LS vi phạm, Đề án cũng cần chú trọng đến việc tôn vinh, khen thưởng, xây dựng hình ảnh cho các LS, thay đổi nhận thức của xã hội, của các cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan tiến hành tố tụng về sự tham gia của LS không phải để làm rối việc.
Đề án nên lưu ý đến những nguyên nhân làm phát sinh tiêu cực của LS, những mục tiêu phòng chống tiêu cực để có giải pháp phù hợp, sát thực tế, không thể đưa ra rồi để đấy, không thực hiện được, từ hoàn thiện pháp luật, quản lý, giám sát hoạt động LS, phối kết hợp giữa các cơ quan, tổ chức và LĐLSVN trong quản lý, giám sát hoạt động LS…