Tìm cách để sân khấu sáng đèn

Minh Quân 03/08/2023 07:00

Với sự phát triển của các loại hình giải trí, việc sân khấu thu hút khán giả là bài toán hóc búa của nhiều nhà hát. Tuy nhiên, thông qua việc xây dựng các đề án, mô hình điểm đang mở ra cơ hội cho nhiều đơn vị nghệ thuật biểu diễn thoát khỏi cảnh đìu hiu.

Một đêm diễn ở Nhà hát TP Hải Phòng.

Điểm sáng từ Hải Phòng

Sau 3 năm triển khai thành công đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng, mới đây Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng vừa tiếp tục triển khai kế hoạch “Sáng đèn Nhà hát thành phố”. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/7 đến 24/12/2023, vào các tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, Nhà hát thành phố Hải Phòng sẽ diễn ra các chương trình nghệ thuật, các vở diễn hàn lâm, kinh điển, đặc sắc của thế giới và Việt Nam thuộc nhiều loại hình do các đơn vị nghệ thuật của thành phố, các Nhà hát Trung ương và tỉnh, thành phố bạn…

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai cho biết, với kế hoạch “Sáng đèn Nhà hát thành phố”, Hải Phòng có cơ chế mở, sẵn sàng mời những nghệ sĩ tài năng khắp cả nước tham gia các chương trình.Với các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cả nước khi tới biểu diễn tại Nhà hát lớn TP Hải Phòng đều được miễn phí hoàn toàn địa điểm.

Khi diễn ở Nhà hát Lớn với đầy đủ mọi yếu tố từ sân khấu, trang thiết bị kỹ thuật âm thanh, ánh sáng hiện đại thì điều kiện cơ sở vật chất cũng như thưởng thức nghệ thuật sẽ được nâng cao hơn. Người dân có thể bày tỏ trách nhiệm của mình bằng việc mua vé để vào Nhà hát Lớn, nơi giúp cho nghệ thuật cũng như nghệ sĩ thăng hoa hơn nhiều…

“Kế hoạch sáng đèn Nhà hát Thành phố sẽ trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn, một điểm biểu diễn nghệ thuật định kỳ cuối tuần cho đông đảo người yêu nghệ thuật. Triển khai Kế hoạch là nỗ lực của Hải Phòng để đa dạng hoá cách tiếp cận nghệ thuật của khán giả” - bà Mai cho biết.

Trong nỗ lực thu hút khán giả đến với sân khấu, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật truyền thống, cùng với Hà Nội và TPHCM thì Hải Phòng đang trở thành điểm sáng với nhiều chương trình, đề án được triển khai hiệu quả. Thực tế cho thấy với Đề án “Sân khấu truyền hình Hải Phòng” sau khi được triển khai dù hoàn toàn miễn phí nhưng hiệu quả thu lại rất tích cực. Đề án không chỉ có trên 1 nghìn khán giả tới xem trực tiếp tại nhà hát mà còn có trên 10 nghìn khán giả xem qua các kênh phát thanh - truyền hình.

Không để tác phẩm “cất kho”

Những năm qua, sân khấu đang nỗ lực để “làm mới” mình. Thông qua các Liên hoan, Cuộc thi sân khấu toàn quốc cho thấy ngành sân khấu đang không ngừng vận động, sáng tạo để mang đến cho khán giả những tác phẩm mới hấp dẫn, chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh bề nổi của các cuộc thi, liên hoan thì vẫn còn đó những khoảng lặng, tâm tư của chính nghệ sĩ. Có một thực tế, với nhiều đơn vị nghệ thuật hàng tháng, hàng quý vẫn dàn dựng vở diễn mới nhưng phần nhiều chỉ để phục vụ việc đi thi. Đáng buồn hơn nhiều vở diễn dù được đầu từ tiền tỷ những cũng chỉ công diễn được vài buổi, sau đó… lại “cất kho”.

Theo nhà viết chèo Trần Đình Ngôn, khán giả thành phố hiện nay không đến sân khấu mấy, có chăng khán giả nông thôn đến với sân khấu qua các đợt diễn lưu động mà chính quyền xã bỏ tiền ra thuê chứ không phải do họ tự bỏ tiền ra mua vé. Có thể nói đời sống sân khấu hiện nay đang khó tiếp cận với khán giả, tất nhiên một phần cũng do sân khấu đã mất vai trò độc tôn. Nhưng cũng phải trách chúng ta chưa có tác phẩm thực sự hấp dẫn lôi cuốn người xem, chưa đưa được những vấn đề thời sự của đời sống lên sân khấu.

Thực tế cho thấy khó khăn của sân khấu nói chung, và các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống nói riêng rất nhiều, thậm chí còn là những nút thắt cố hữu. Vì vậy, thành công của sân khấu Hải Phòng có thể xem là mô hình để nhiều sân khấu, thậm chí ở cấp Trung ương tham khảo. Đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai chia sẻ, các nhà hát, các đoàn nghệ thuật khâm phục cách làm của Hải Phòng. “Về với Hải Phòng, chúng tôi vừa được làm nghề, vừa được giao lưu với các đoàn nghệ thuật nhằm truyền cảm hứng, thôi thúc sự đam mê nghệ thuật cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên và cả nỗ lực tham gia đào tạo thế hệ nghệ sĩ kế cận”- NSƯT Bùi Như Lan bày tỏ.

Đồng quan điểm, PGS.TS nhà phê bình sân khấu Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, việc thực hiện được chương trình sân khấu truyền hình và tổ chức lưu diễn tại các địa bàn là một thành công lớn, nhất là trong giai đoạn sân khấu đang mất dần khán giả như hiện nay. Đây đang là giải pháp hiệu quả để giúp cho sân khấu sáng đèn.

Sân khấu đã và đang trong bước chuyển dịch để thích nghi với sự phát triển của đời sống xã hội. Tuy nhiên, để mỗi đơn vị nhà hát đi đúng hướng thì hào quang quá khứ cũng chỉ nên xem là động lực để tiếp cận những cách làm mới, làm hay. Chỉ có sự thay đổi trong tư duy, cách làm xưa cũ mới giúp có thể giúp chính các nhà hát có nhiều cơ hội để thu hút khán giả. Cạnh đó còn là những chính sách đãi ngộ xứng đáng để các nghệ sĩ yên tâm sáng tạo, thoát khỏi nỗi lo thường trực về cơm áo, gạo tiền.

Theo NSND Trịnh Thị Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, kế hoạch “Sáng đèn Nhà hát thành phố” của Hải Phòng là rất đáng hoan nghênh; là động lực khích lệ, động viên các nghệ sĩ, nhà hát. Cùng với sự phát triển chung của thành phố về mọi mặt, thời gian qua văn hóa Hải Phòng đã nhận được sự quan tâm để phát triển tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế, để văn hóa thực sự là nền tảng, là mục tiêu và là động lực của sự phát triển. Đặc biệt, sân khấu Hải Phòng đã được đáng giá là điểm sáng của cả nước từ phía lãnh đạo Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm cách để sân khấu sáng đèn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO