Hai năm qua, bên cạnh những khó khăn từ thị trường, dịch bệnh, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề do sự tăng đột biến các loại chi phí logistics. Điều này tác động lớn đến giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Mất 6 tuần tìm container, tàu để xuất khẩu hàng
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, tính trung bình, năm 2021 chi phí vận chuyển tăng 19% so với năm 2020, còn so với năm 2019 thì chi phí vận chuyển đã tăng lên đến 38%.
Chẳng hạn thời điểm dịch bùng phát, May 10 không có container để xuất khẩu. Đến khi có container rồi thì doanh nghiệp (DN) lại không có tàu để xuất khẩu hàng, đến khi có tàu rồi thì lại mất rất nhiều thời gian chờ đợi. Có thời điểm, DN mất 6 tuần để tìm container và tàu để xuất khẩu, thiệt hại lớn do tiến độ giao hàng chậm.
Đại diện May 10 kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương và các đơn vị liên quan can thiệp vào các loại phí để thống nhất, không làm khó cho các DN xuất khẩu.
Cộng đồng DN xuất khẩu, trong đó có DN dệt may hiện đang phàn nàn rất nhiều về thực trạng chi phí logistics tăng rất cao. Với mức chi phí logistic tăng chóng mặt DN hoàn toàn phải chịu chi phí này, lợi nhuận giảm rõ rệt. Thậm chí một số DN không dám ký đơn hàng cung ứng cho đối tác vì không chủ động được khâu vận chuyển.
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư và Thương mại Thành Công, chia sẻ, nhà máy của Thành Công ở Vĩnh Long chuyên sản xuất cho hãng thể thao Adidas, nhưng cũng không dám nhận nhiều. “DN không sợ thiếu đơn hàng mà chỉ sợ không đủ lực lượng lao động để sản xuất, trong khi chi phí vận chuyển bằng đường hàng không rất cao”, ông Tùng nói.
Không chỉ ngành dệt may than phiền vì phí logistics, DN ngành thuỷ sản cũng đứng ngồi không yên. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, nếu như trước tháng 11/2020, tàu đi khu vực châu Âu, Mỹ cao nhất là 3.000 USD/container thì hiện nay tàu đến Bờ Đông (Mỹ) là 17.000 USD/container, đến Bờ Tây (Mỹ) có giá từ 13.000 - 14.000 USD/container, đi châu Âu giá từ 12.000-14.000 USD/container tùy cảng chính, cảng phụ, đi Trung Đông trước đây không đến 1.500 USD/container thì hiện nay từ 10.000 - 11.000 USD/container.
“Chi phí, giá cước vận tải logistics tăng quá cao khiến DN xuất khẩu thủy sản gặp khó trong việc tận dụng “cơ hội vàng” trong mùa sản xuất cao điểm cuối năm - đây là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao ở các thị trường Âu - Mỹ” - ông Nam nói đồng thời cho hay, DN đang đối mặt với 5T.
Đó là cước tăng; phí tăng; thời gian vận chuyển biển tăng; “booking” (đơn hàng đặt chỗ) để đưa hàng đi bị hoãn ngày càng tăng, tần suất tăng nhiều hơn, số ngày bị hoãn cũng gia tăng. Chưa kể đến các loại phí khác như phí cân bằng container, phí vệ sinh, phí kẹt cảng… cũng là nguyên nhân đẩy giá thành sản phẩm lên cao, khiến sản phẩm của Việt Nam giảm lợi thế cạnh tranh.
Cân nhắc điều chỉnh phí
Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết, giá vận chuyển container trên một số tuyến chính đều tăng trên 100%, có nơi trên 200%. Trong khi đó, có đến 80% hàng hóa trên thế giới vận chuyển bằng đường biển.
Bên cạnh đó, DN xuất nhập khẩu Việt Nam hiện có hơn 10 loại phí phải chịu đối với một container hàng xuất như: Phí chứng từ, phí xếp dỡ, phí vệ sinh container, phí cân bằng container, phí khai trọng lượng... Có thể nói, chi phí logistics đang ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu của các DN.
Giới chuyên gia cũng nhìn nhận, logistics là ngành dịch vụ được ví như là “mạch máu” của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Khi chi phí logistics giảm hay tăng trực tiếp ảnh hưởng đến chi phí thường xuyên của DN. Trong bối cảnh DN đang khó khăn trăm bề thì việc giảm chi phí logistics sẽ giúp DN tiết kiệm chi phí rất lớn.
Theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) nêu quan điểm, các cơ quan quản lý không nên áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung, như chi phí vận tải, giá nhiên liệu, giá BOT, thay vào đó cần giảm mức thu phí hạ tầng cảng biển của TP Hải Phòng và tới đây là TP HCM. Các địa phương này nên cân nhắc điều chỉnh hoặc lùi thời gian áp dụng nhằm giảm gánh nặng cho DN.
Ngoài ra, rất cần sự đồng hành của cơ quan quản lý. Chẳng hạn, với lĩnh vực hải quan, trước tình trạng ùn tắc ở một số cảng khu vực phía Nam vừa qua, cơ quan hải quan đã có những điều chỉnh quy trình thủ tục giám sát hải quan theo hướng thuận lợi hoá thương mại, cho phép các DN khai báo hải quan chung theo tỉnh, thành phố hoặc khu vực lớn hơn và đưa hàng về các địa điểm thông quan trong khu vực dưới sự giám sát của cơ quan hải quan. Quy trình này đã ngay lập tức giảm ùn tắc và quá tải cảng cửa ngõ, giúp cắt giảm chi phí cho DN.