Với 100 năm hình thành và phát triển, kịch nói đang được xếp vào “top đầu” trong các loại hình nghệ thuật sân khấu vẫn còn tạo sức hút với khán giả. Tuy nhiên, với xu hướng phát triển, đặc biệt là thị hiếu của giới trẻ, kịch nói chung và chính kịch nói riêng đang phải “gồng mình” đi tìm chỗ đứng.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã ghi nhận ý kiến của NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam.
Tìm lại thời hoàng kim
Trong quá trình hình thành và phát triển của nền kịch nói nước nhà, kịch chính luận đã từng đóng vai trò then chốt và vô cùng quan trọng. Nhưng có một thực tế chúng ta phải thừa nhận, nền nghệ thuật sân khấu đã đi qua giai đoạn hoàng kim và đang đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách. Sức cạnh tranh của các loại hình giải trí hiện đại khiến sân khấu không còn sức hút như giai đoạn trước, dù những người làm sân khấu nghĩ đủ phương thức để kéo khán giả tới rạp.
Việc tiếp nhận dễ dàng các thông tin, các loại hình giải trí trên nhiều phương tiện hiện đại đã dẫn đến việc thay đổi thái độ, suy nghĩ và sự tiếp nhận của nhiều tầng lớp khán giả. Sự ảnh hưởng mạnh mẽ đó đã tác động đến sự thay đổi của nhiều đơn vị nghệ thuật.
Để chiều theo thị hiếu của người xem, những chương trình trên sân khấu đã được xây dựng nhanh chóng, đáp ứng theo nhu cầu của khán giả. Đã từng có một khoảng thời gian, người ta đổ xô đi mua vé để xem hài kịch đơn giản hay những chương trình giải trí dễ dãi vào cuối tuần. Đã từng có thời kỳ, chính kịch được coi là một “món ăn khó” đối với khán giả. Kịch chính luận gần như bị lãng quên bởi không còn khán giả đến xem.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình thế lại có nhiều thay đổi. Khi những trào lưu kịch giải trí có xu hướng đi xuống thì những vở diễn chính kịch mang đậm giá trị nghệ thuật lại xuất hiện nhiều hơn.
Theo số liệu thống kê của bộ phận truyền thông tại một số Nhà hát, tổng số buổi biểu diễn những vở kịch chính luận đã tăng lên đáng kể, đặc biệt số khán giả trẻ mua vé đi xem chính kịch cũng chiếm đa số lượng khán giả. Vì sao lại có sự đảo ngược như vậy?
Có thể khẳng định rằng, kịch chính luận vẫn chiếm vị thế rất cao trong lòng khán giả, và đây là một nhu cầu và thị hiếu không thể thiếu trong đời sống văn hóa, văn nghệ của người Việt Nam.
Qua rồi thời sân khấu kịch loạn nhịp với những vở diễn đơn thuần với mục đích giải trí, giờ đây, những vở kịch được chăm chút kỹ lưỡng từ khâu kịch bản, ý tưởng dàn dựng đến sự hết mình của diễn viên là một cách thay đổi tất yếu của các Nhà hát trong giai đoạn hiện nay - và đây cũng chính là bản chất của hoạt động sân khấu kịch nói với những mâu thuẫn xung đột và ngôn ngữ mang tính hành động được truyền tải một cách nắn nót đầy tâm huyết của ê kíp sáng tạo mà các Nhà hát đã từng có trong quá khứ vào thời hoàng kim.
Bởi một lý do rất đơn giản “khán giả vẫn cần xem”. Khán giả muốn xem kịch chính luận. Những giá trị văn hóa, những giá trị đạo đức tốt đẹp, những bài học sâu sắc, tình yêu thương con người hay những triết lý sống cao đẹp… chỉ có thể được truyền tải rõ nét nhất qua chính kịch.
Sự vận động không ngừng, sức sống của các nhân vật, với khát khao hành động để giải quyết các mâu thuẫn là một trong những nét đặc trưng của kịch nói khiến người xem không thể rời mắt, đồng cảm với số phận nhân vật thông qua tài năng biểu diễn của người nghệ sĩ và không gian nghệ thuật mà vở diễn đem lại. Và đó cũng chính là bí quyết của các nghệ sĩ để từ đó có thể đưa ra những bài học giúp người ta sống tốt hơn, giúp họ tự nâng cao nhận thức và điều chỉnh hành vi cũng như cuộc sống của mình theo chiều hướng tốt đẹp. Và so sánh với các thể tài kịch khác thì kịch chính luận làm tốt nhất việc này.
Để khán giả được đắm mình vào không gian sân khấu thực sự
Kịch chính luận của ngày hôm nay là những câu chuyện phản ánh về vấn đề thời sự mang tính thời đại được kể theo ngôn ngữ rất nghệ thuật, dễ xem dễ hiểu. Vở kịch vẫn đảm bảo việc phản ánh các vấn đề có tính thời sự về kinh tế, chính trị, văn hóa hay những ý kiến dư luận đương thời. Đó chính là mục đích mà nhiều khán giả hôm nay hướng tới và quan tâm.
Có những vấn đề xã hội khô cứng nhưng được đưa lên sân khấu rất mềm mại, người nghệ sĩ thể hiện rất khéo léo mà không hề cứng nhắc hay áp đặt; khán giả đi xem những vở kịch đó cũng được bộc lộ cảm xúc của bản thân mình một cách tự nhiên và thậm chí là rất hài lòng, thoải mái.
Kịch chính luận lên ngôi là một tín hiệu đáng mừng cho nền nghệ thuật sân khấu. Và sự lên ngôi này cũng có một lý do xác đáng: Trong khoảng một thời gian dài phải xem những vở diễn được dàn dựng có phần dễ dãi, với những tiếng cười đơn giản, thậm chí có phần “rẻ tiền”, và đôi khi kèm theo yếu tố sốc, phản cảm thì giờ đây, khán giả có cơ hội đắm mình vào không gian sân khấu thực sự và đến sân khấu không phải để xem mà là để thưởng thức nghệ thuật.
Để dàn dựng được một tác phẩm kịch hay đã rất khó, để dàn dựng một tác phẩm chính kịch hấp dẫn và thu hút khán giả ngày nay thì lại càng không hề đơn giản. Thật khó nếu như bây giờ dàn dựng những vở bi kịch từ thời cổ đại, cũng không thể dễ dãi dàn dựng những vở khán giả đến xem một lần rồi không bao giờ quay lại Nhà hát...
Trong cuộc sống hôm nay, khán giả được tiếp cận nhiều phương tiện, nhiều thông tin nên cần đòi hỏi những người hoạt động trong ngành sân khấu cần không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ để dàn dựng những vở diễn đặc sắc, kết hợp hài hòa giữa các loại hình nghệ thuật, và đặc biệt là phải biết cách áp dụng những ứng dụng của khoa học kỹ thuật, để vừa đảm bảo yếu tố mãn nhãn với khán giả nhưng lại không được mất đi những nét đặc trưng của sân khấu kịch.
Một vở kịch chính luận sẽ không chỉ đơn giản, cứng nhắc mà cần phải xen lẫn những tiếng cười vui đầy ý nghĩa như chính trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ hàng ngày.