Tìm đường bơi cho con tôm

Minh Phương 24/05/2017 08:35

Xuất khẩu tôm đang có chiều hướng khởi sắc, trong 4 tháng đầu năm 2017, con tôm đã vươn ra được thị trường 68 nước và giữ đà tăng trưởng tốt tại các thị trường lớn như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, Canada, Australia… Tuy nhiên, hạn chế về quy mô, chất lượng con giống đang khiến cho ngành tôm vẫn trong cảnh nay vui, mai lo.

Vẫn canh cánh nỗi lo về nguồn tôm giống.

Những con số ấn tượng

Theo công bố mới nhất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản tăng ấn tượng, đạt mức kim ngạch 135,4 triệu USD (tăng 29,6%). Mức tăng trưởng này đã đưa thị trường Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Nguyên nhân của sự tăng trưởng mạnh này được VASEP lý giải, do đồng Yên tăng đã khuyến khích các DN đẩy mạnh nhập khẩu tôm.

Một nguyên nhân khác khiến xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng là do người tiêu dùng Nhật Bản hiện chuyển sang lựa chọn các sản phẩm thủy hải sản giá rẻ, khiến nhu cầu tôm tăng lên so với các loại hải sản khác như cá ngừ, cá hồi và mực ống. Thống kê cũng chỉ ra rằng, phân khúc thị trường cao cấp, nhu cầu cho tôm sú và tôm nguyên đầu cũng tăng. VASEP cho biết, đầu năm nay giá tôm xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Nhật là 12 USD/kg, trong khi giá của Indonesia là 11 USD và Thái Lan là 10 USD. Mặc dù giá cao hơn các nước đối thủ nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng cao hơn hẳn so với cả 2 nước còn lại, Thái Lan tăng trưởng 13,9%, Indonesia chỉ tăng 2,4%.

Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm, con tôm Việt Nam đã vươn ra 68 thị trường trên thế giới. Đáng chú ý, những thị trường lớn như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN, Đài Loan, Thụy Điển, tiếp tục duy trì, vẫn là những thị trường rất ưa chuộng con tôm của Việt Nam. Hiện, 10 thị trường nói trên đang chiếm tới 95.4% kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam. Những con số nói trên cho thấy, ngành sản xuất tôm Việt Nam có tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Sản xuất tôm vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. (Ảnh: T.L.).

Giải bài toán giống

Tuy nhiên, theo nhận định của VASEP, ngành tôm hiện đang đối mặt với khá nhiều thách thức, trong đó, hạn chế nhất là chất lượng tôm giống. Theo VASEP, Việt Nam có khoảng 1.800 cơ sở nuôi tôm trên cả nước nhưng rất ít trong số đó đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn sinh học. Hơn 90% các giống tôm nuôi chân trắng của Việt Nam phải nhập khẩu, trong khi giống tôm lớn phụ thuộc vào đánh bắt tự nhiên. Chưa chủ động về con giống chất lượng cao do sản xuất manh mún, thiếu đầu tư về công nghệ là điểm yếu khiến cho nguồn cung tôm gặp vấn đề lớn. Đây đang trở thành bài toán nan giải của ngành tôm trong thời gian tới.

Theo đánh giá của giới chuyên gia ngành này, hiện các thị trường chủ lực như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU đang gia tăng xu hướng bảo hộ nên áp dụng nhiều rào cản kỹ thuật kiểm tra chặt chẽ chất lượng sản phẩm. Trong đó đáng chú ý là quy định mức dư lượng các loại kháng sinh cho phép đối với tôm Việt Nam. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục các đợt rà soát hành chính, ra phán quyết mức thuế chống bán phá giá cao bất lợi cho xuất khẩu tôm của nước ta. Bởi vậy, nếu không có sự đầu tư để có thể chủ động được nguồn tôm giống chất lượng cao, hạn chế tình trạng bơm kháng sinh… thì việc tôm xuất khẩu sẽ gặp khó khăn khi thâm nhập vào những thị trường khó tính nói trên.

Chủ động được nguồn tôm giống chất lượng cao, an toàn sinh học là vấn đề ưu tiên đang được ngành nông nghiệp nước nhà hướng tới. Theo ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thì Bộ đã và đang rất chú trọng vào mục tiêu này. Theo đó, Bộ đã thành lập một Ban chỉ đạo riêng nhằm hỗ trợ về thông tin cũng như tạo điều kiện để DN có thể chủ động được nguồn tôm giống chất lượng cao. Cùng với đó, Ban chỉ đạo cũng tổ chức kiểm soát chất lượng nguồn tôm giống nhập khẩu từ nước ngoài với mục tiêu sao cho vừa đảm bảo được về chất lượng cũng như về an toàn sinh học.

“Từ việc tạo điều kiện hỗ trợ DN nhập khẩu những loại tôm giống chất lượng cao của ban chỉ đạo, các DN sẽ lai tạo ra những nguồn tôm giống đảm bảo được các yêu cầu về an toàn sinh học cũng như những yêu cầu về kỹ thuật cao cấp khác. Dần dần từ nhập khẩu, chúng ta sẽ chủ động được nguồn tôm từ trong nước”- ông Luân nhấn mạnh.

Hiện nay, với cách sản xuất manh mún của bà con nông dân, tôm Việt Nam vẫn phải sử dụng các loại chất kháng sinh để tránh dịch bệnh. Đây chính là “con dao hai lưỡi” dẫn tới hạn chế, thậm chí là mất thị trường xuất khẩu tôm sang các nước. Được biết, nhiều DN Việt Nam đã đầu tư công nghệ tiên tiến với mục đích tạo ra được con tôm giống khỏe mạnh từ đó nhân rộng quy mô, giúp Việt Nam chủ động được nguồn tôm giống. Tuy nhiên, số DN thực hiện được điều này vẫn còn khá hãn hữu.

Theo ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ việc tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu những loại tôm giống chất lượng cao của ban chỉ đạo, các doanh nghiệp sẽ lai tạo ra những nguồn tôm giống đảm bảo được các yêu cầu về an toàn sinh học cũng như những yêu cầu về kỹ thuật cao cấp khác. Dần dần từ nhập khẩu, chúng ta sẽ chủ động được nguồn tôm từ trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm đường bơi cho con tôm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO