Thị trường truyện tranh Việt Nam luôn phải chịu sự cạnh tranh đến từ các thương hiệu của Nhật Bản, Hàn Quốc… Trước những thách thức đặt ra, nhiều người đã đặt câu hỏi, truyện tranh Việt sẽ đi được đến đâu trong bối cảnh lĩnh vực công nghiệp hình ảnh phát triển mạnh mẽ?
Sản xuất truyện tranh chưa phát huy hết công năng
Truyện tranh vốn là món ăn tinh thần không thể thiếu của trẻ em và thậm chí là độc giả ở nhiều độ tuổi khác nhau. Thế nhưng, nguồn truyện tranh trên thị trường Việt hiện nay chủ yếu đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, một số ít từ Âu, Mỹ (dòng Comic). Đó là một trong những thử thách đối với đội ngũ những nhà sản xuất truyện tranh Việt Nam.
Nhìn nhận về vấn đề phát triển truyện tranh ở Việt Nam hiện nay, ông Đặng Cao Cường - Phó Trưởng ban biên tập sách Comic, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng tỏ ra tiếc nuối khi lĩnh vực truyện tranh ngày nay còn nhiều hạn chế và khiêm tốn.
Ông Cường cho rằng, không riêng gì lĩnh vực truyện tranh mà ngay tại NXB Kim Đồng việc sản xuất truyện tranh vẫn chưa phát huy hết công năng mặc dù lượng độc giả thích thú thể loại này chiếm con số khá lớn.
Tuy nhiên, ông Cường cũng thông tin, ngành truyện tranh đang hình thành bởi chính những cá nhân đang nỗ lực làm đổi mới lĩnh vực này, đưa truyện tranh trở thành hệ sinh thái. Vì vậy, ngành truyện tranh đã và đang hình thành, hứa hẹn trong tương lai sẽ có những bước tiến mới.
“NXB Kim Đồng hiện đang chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực truyện tranh, phát hành truyện tranh đầu tiên tại Việt Nam như Doremon, Tí quậy… Tại NXB Kim Đồng, tỷ trọng phát hành truyện tranh chia ra làm 2 dòng đấy là bản trong nước và bản mua bản quyền. Với những series truyện tranh Việt Nam, NXB Kim Đồng vẫn còn rất khiêm tốn, NXB Kim Đồng thừa nhận, nhà sách còn thiếu dòng truyện tranh phương Tây.
Xu hướng phát triển của NXB Kim Đồng là đẩy mạnh mở rộng hệ sinh thái cho công nghiệp hình ảnh tại Việt Nam. Đây là xu hướng tất yếu khi nhu cầu về độc giả tại Việt Nam ngày càng nhiều. Trong khi đó, nhiều tác phẩm gốc nhận được thành tích cao nhờ vào việc phát triển hệ sinh thái (phát hành Game, Anime, Phim chiếu rạp, Live Action…). NXB Kim Đồng cũng đã và đang tiến hành để phát triển hệ sinh thái cho công nghiệp hình ảnh tại Việt Nam thông qua việc mở rộng hợp tác với các đối tác có cùng mục tiêu phát triển thương hiệu tại Việt Nam. Song song với việc tích cực trao đổi, tiến hành các hoạt động phát hành, quảng bá trong phạm vi cho phép. Đồng thời, đẩy mạnh thêm các ấn phẩm có nguồn gốc từ Game, hoạt hình, các tác phẩm truyện tranh gốc đang nắm giữ bản quyền” - ông Cường nói.
Tương lai của truyện tranh Việt Nam
Lấy lại sức sống và sự yêu mến của độc giả nhỏ tuổi đối với truyện tranh Việt là điều mà những người tâm huyết trong lĩnh vực này đang nỗ lực từng ngày. Mới đây, Phong Dương Comics, tác giả bộ truyện tranh gồm 5 tập “Long thần tướng” đã có những trải lòng về quá trình ra mắt bộ truyện của mình.
Tại Hội thảo về chuyên đề “Hệ sinh thái sáng tạo hình ảnh (AVGC) tại Việt Nam - Sự kết hợp quan điểm giữa Pháp và Đức” do Viện Pháp tại Hà Nội - L’Espace và Viện Goethe tại Hà Nội đồng tổ chức, hoạ sĩ Thành Phong đại diện dự án cho biết, bộ truyện tranh “Long thần tướng” ra mắt vào ngày này năm ngoái. Bộ truyện tranh gồm 5 tập được ấp ủ dựa trên tác phẩm truyện tranh hơn 10 năm, từng được đăng nhiều kỳ trên một tạp chí truyện tranh. Sau đó, nhóm tác giả đã phát triển và được xuất bản lần đầu vào tháng 11/2014 dưới hình thức gây quỹ cộng đồng. Ngay từ khi ra mắt, bộ truyện đã gây tiếng vang lớn trong cộng đồng truyện tranh Việt Nam, là tác phẩm gây quỹ thành công nhất thời điểm đó với hơn 330 triệu. Truyền thông nhận định tác phẩm có nội dung hấp dẫn, hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại.
“Chúng tôi rất vui và hạnh phúc khi bộ truyện tranh được đón nhận, hiện tác phẩm đang được mua bản quyền để chuyển thể thành phim. Một tác phẩm truyện tranh khi được chuyển thể thành phim sẽ tạo ra giá trị mang tính giải trí cao, tôi vẫn tin người Việt chúng ta sẽ luôn đón chờ những sản phẩm giải trí do chính tay người Việt làm ra” - hoạ sĩ Thành Phong thông tin.
Những năm gần đây, các họa sĩ truyện tranh ở Việt Nam có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng chuyên môn. Các tác giả Việt Nam liên tục đạt giải các cuộc thi sáng tác truyện tranh quốc tế như Silent manga, International Manga Award, International Comic/Manga School Contest… Thực tế cho thấy, lĩnh vực truyện tranh trong nước những năm gần đây có nhiều tiềm năng để phát triển. Những người trẻ như Thành Phong và Khánh Dương đã và đang nỗ lực hết mình cho sự đổi thay của truyện tranh nước nhà.
Nhìn nhận về tiềm năng phát triển của truyện tranh trong nước, TS Nguyễn Thị Thu Hà, Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đánh giá, ngành truyện tranh hoàn toàn có thể phát triển mạnh trong tương lai. Khoảng 5 năm nữa, khi công nghệ hình ảnh thật sự phát triển đến tầm cao, ngành truyện tranh Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được với thị trường quốc tế. “Tôi tin chắc là như vậy”, TS Hà khẳng định.