Nhiều năm qua, ngành chăn nuôi Việt Nam không ngừng lớn mạnh về tổng đàn, thậm chí đang được so sánh là ngang ngửa với các nước khác nhưng vẫn không thể xuất khẩu.
Liên quan đến tổng đàn heo của cả nước, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn mới đây cho biết, năm 2017 sản lượng thịt heo của Việt Nam cán con số khoảng 2,75 triệu tấn, đứng thứ sáu trên thế giới.
Thế nhưng xuất khẩu ra thị trường quốc tế lại không đáng là bao, khoảng 20 ngàn tấn, còn lại chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Trong khi đó, thị trường nhập khẩu thịt heo trên thế giới không hề nhỏ, ngoài Trung Quốc với lượng nhập khẩu 2,3 triệu tấn/năm, Nhật Bản tiêu thụ 1,36 triệu tấn/năm, Philippines 195.000 tấn/năm,…
Băn khoăn về thị trường tiêu thụ heo trong nước đại biểu Quốc hội từng chất vấn vấn đề này.
Riêng việc phát triển thị trường khác lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, muốn mở cửa thị trường xuất khẩu thịt heo phải đáp ứng đủ 2 phần chính, đó là thương mại - thuế xuất nhập khẩu và rào cản kỹ thuật, thủ tục hành chính.
Phần thương mại, Việt Nam đã đàm phát tốt, giảm thiểu thuế nhập khẩu của nhiều thị trường, có nơi về 0% nhờ 12 hiệp định thương mại tự do.
Phần rào cản kỹ thuật, thủ tục hành chính thường mất thời gian 3 – 7 ngày vì quá nhiều quy định đi kèm buộc doanh nghiệp phải đáp ứng.
Tìm lời giải cho bài toán xuất khẩu thịt heo, rất nhiểu ý kiến cho rằng, có hai yếu điểm của ngành chăn nuôi heo cản trở hoạt động xuất khẩu là khâu chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc.
Điều dễ thấy, mấy chục năm phát triển mạnh ngành chăn nuôi heo song thị trường xuất khẩu vẫn dựa dẫm vào Trung Quốc.
Chính vì tâm lý dựa vào một thị trường truyền thống với kim ngạch nhập khẩu lớn buộc sản phẩm thịt heo Việt Nam không thể tìm đường vào các thị trường khác.
Đó là chưa kể tình trạng, khi gặp sự cố từ thị trường nhập khẩu, giá heo thịt trong nước lao dốc không phanh và ế dài ngày.