Kinh tế

Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động

THÁI NHUNG 08/03/2024 07:07

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố tình hình đăng ký doanh nghiệp (DN) 2 tháng đầu năm 2024. Bên cạnh số DN thành lập mới tăng thì số liệu DN rút lui khỏi thị trường cũng tăng.

anh-bai-duoi.jpeg
Doanh nghiệp mong muốn được tiếp tục hỗ trợ, nhằm giảm gánh nặng chi phí. Ảnh: Ngân Hà.

Theo đó, số DN thành lập mới trong 2 tháng năm 2024 là 22.128 DN, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023. Có 62.977 DN rút lui khỏi thị trường trong 2 tháng qua, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2023 tình hình thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong nước, nền kinh tế và khu vực DN chịu "tác động kép" từ các yếu tố bất lợi bên ngoài (nhất là thị trường xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng, đầu tư, tiền tệ, tài chính…). Những khó khăn đó đã kéo dài sang cả năm 2024.

Để trợ lực cho DN, ông Dũng cho rằng cần giải quyết vấn đề căn cơ, tập trung vào các nhóm giải pháp có tính chiến lược như: tiếp tục hỗ trợ DN giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước; hỗ trợ DN tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước; hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Triển khai nhanh và hiệu quả chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do DN bị cắt, giảm đơn hàng, hỗ trợ DN giữ chân người lao động, chờ đợi thị trường phục hồi; đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… Đặc biệt, cần nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của DN.

“Cần xác định rõ việc cải cách thể chế, tháo gỡ ngay các rào cản pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi là giải pháp đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, tập trung giải quyết ngay những bất cập đã được DN phản ánh nhiều lần như quy định về phòng cháy chữa cháy, kiểm tra chuyên ngành...” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, những khó khăn của DN năm 2024 là tiếp nối từ năm 2023. Trong đó, khó khăn đầu tiên là về tài chính. Rất nhiều DN không có tài sản bảo đảm để vay ngân hàng. Bên cạnh đó, có những DN tiếp cận được nguồn vốn nhưng lại không có thị trường cho đầu ra sản phẩm.

Về giải pháp, ông Hiếu cho rằng Chính phủ nên xem xét thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng với nguồn vốn lớn, vốn điều lệ khoảng 10 nghìn tỷ đồng trở lên để có thể bảo lãnh cho những DN không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, đặc biệt là những DN nhỏ và vừa; các ngân hàng phải đẩy mạnh chương trình cho vay tín chấp thay vì thế chấp. Ngân hàng nên tìm hiểu cách làm của ngân hàng ở các nước phát triển về chương trình này. Đây là giải pháp hỗ trợ cứu vãn đáng kể cho các DN “đói vốn”.

Ngoài ra các Luật Kinh doanh; Luật Chứng khoán; Luật Doanh nghiệp, Luật Tổ chức tín dụng, tiền tệ; Luật Bất động sản; Luật Quản lý ngoại hối… cần đồng bộ, không chồng chéo, tránh gây sức cản cho nền kinh tế.

Về phía DN, ông Hiếu cho rằng, bản thân DN cũng phải tự tìm kiếm cơ hội cho mình bằng cách sử dụng công nghệ tiên tiến để đổi mới nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi cách tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO