Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông liên hoàn gây hậu quả nghiêm trọng do “xe điên” khiến dư luận xã hội không khỏi hoang mang, lo ngại.
Sáng 14/11, tại khu vực dốc Cun thuộc quốc lộ 6 đoạn qua phường Thái Bình, TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), một vụ tai nạn giao thông liên hoàn xảy ra khiến 1 phụ nữ đi xe máy bị thương, 4 phương tiện hư hỏng. Tai nạn liên hoàn khiến giao thông ùn tắc trong nhiều giờ. Vào chiều tối 12/11, tại TP Thủ Đức (TPHCM) chiếc xe ô tô loại 5 chỗ khi đến gần giao lộ Nguyễn Văn Tăng - đường số 15 phường Long Thạnh Mỹ đã va chạm liên tiếp vào 2 ô tô đang lưu thông trên đường khiến 2 phương tiện này bị hư hỏng. Sau đó, chiếc ô tô này lao sang làn đường ngược lại, đâm vào 3 xe máy rồi lao lên vỉa hè húc vào tường rào nhà dân mới dừng lại. Vụ tai nạn giao thông liên hoàn này khiến 3 người đi xe máy bị thương nặng, 1 người tử vong. Công an TP Thủ Đức đã phối hợp với các đơn vị liên quan khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng này. Qua kiểm tra nhanh, tài xế điều khiển xe gây tai nạn có nồng độ cồn cao. Sáng cùng ngày, trên đường Trường Chinh (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM) cũng xảy ra vụ tai nạn liên hoàn giữa 3 xe ô tô và 2 xe máy làm một người đàn ông khoảng 50 tuổi tử vong tại chỗ.
Trước đó, rạng sáng 31/10, trong vụ tai nạn liên hoàn ở Hữu Lũng (Lạng Sơn), xe 16 chỗ tông liên hoàn vào 2 ô tô khác trên quốc lộ 1 làm 5 người chết và 9 nạn nhân bị thương. Xe khách hợp đồng 16 chỗ đâm vào đuôi xe sơ mi rơ moóc. Xe sơ mi rơ moóc chở xi măng, hỏng máy đỗ bên phải đường theo chiều Lạng Sơn - Hà Nội. Sau đó, ô tô 16 chỗ va chạm với xe container lưu thông theo hướng ngược lại.
Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém; tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường cho phép còn diễn ra khá phổ biến; hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe đã giảm sâu nhưng vẫn còn tồn tại…
Có thể thấy liệt kê ra thì rất nhiều, và tranh luận sẽ trở nên rất gay gắt. Nhưng nguyên nhân chính yếu được nhiều chuyên gia đồng tình nhất vẫn là ý thức an toàn của người tham gia giao thông, nhất là vai trò của người tài xế.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, hơn 80% số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do lỗi của tài xế. Cũng qua phân tích số liệu trên cho thấy tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tiếp tục xảy ra nhiều trên các tuyến đường tỉnh và quốc lộ, thời gian xảy ra nhiều vào đêm tối đến rạng sáng (từ 18h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau), tập trung các ngày thứ 7, chủ nhật. Phương tiện mô tô, ô tô tải, sơ mi rơ moóc và người điều khiển độ tuổi từ 27-55 gây tai nạn giao thông nhiều nhất. Tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải có tỷ lệ xảy ra thấp hơn so với mô tô, xe máy, tuy nhiên khi xảy ra thường làm chết và bị thương nhiều người, do hai loại xe này có trọng lượng và kích thước lớn, chở nhiều người, có các điểm mù, khuất tầm nhìn ở phía sau và hai bên xe, nếu xảy ra đâm va với các phương tiện khác sẽ dẫn tới tỉ lệ thương vong cao; hai loại phương tiện này khi lưu thông trên các cung đường đèo, dốc cũng tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.
Theo Thiếu tướng Đức, ngoài việc đã xử lý theo quy định đối với người điều khiển phương tiện, trách nhiệm của chủ phương tiện, Cục Cảnh sát giao thông cũng đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an có nhiều chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương xem xét trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân được giao quản lý tuyến, địa bàn tuần tra để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp vận tải, xử lý nghiêm các doanh nghiệp có phương tiện thường xuyên vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là vi phạm về tốc độ, giám sát hành trình, chở quá tải trọng, quá số người quy định.
Đối với công tác truyền thông, ông Khuất Việt Hùng cho biết, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Tòa án nhân dân tối cao đã ký kết Chương trình phối hợp thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2023-2030. Nội dung Chương trình phối hợp gồm xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án vi phạm về trật tự an toàn giao thông theo quy định pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành và hình thành thói quen tuân thủ pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân; Thông qua các vụ án, bản án liên quan đến vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tổ chức biên tập, sản xuất tin bài, phóng sự báo chí, phim ngắn, phóng sự truyền hình có hiệu ứng tuyên truyền mạnh mẽ thu hút người dân quan tâm.
Từ các vụ án vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đã được xét xử, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan thông tấn báo chí, các địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức biên tập, xuất bản các ấn phẩm có hiệu ứng tuyên truyền mạnh mẽ phục vụ tuyên truyền trật tự, an toàn giao thông trên toàn quốc. “Đây sẽ là thông điệp tác động rất mạnh mẽ để làm thay đổi nhận thức của người dân, người tham gia giao thông hướng đến mục tiêu theo Chỉ thị 23 đã chỉ đạo là chúng ta xây dựng văn hóa giao thông an toàn, kéo giảm tai nạn giao thông một cách bền vững”, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.