Tìm giải pháp quản lý xe công nông

Phạm Hưởng 26/06/2017 19:15

Chiều ngày 26/6, Sở Giao thông vận tải (GTVT) 5 tỉnh Tây Nguyên gồm Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Kon Tum đã tổ chức họp bàn tại TP Pleiku (Gia Lai) tìm giải pháp về công tác quản lí hoạt động xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn.

Quang cảnh hội nghị.

Tại hội thảo các đại biểu đã nêu nhiều bất cập, vướng mắc, trong khi các Bộ, ngành Trung ương lại chưa có hướng dẫn cụ thể khiến nhiều địa phương lúng túng trong quản lí, kiểm soát.

Xe máy kéo nhỏ (hay còn gọi xe công nông) hiện là phương tiện vận chuyển cơ hữu, đặc dụng nhất hiện nay đối với hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp khó có thể tháy thế.

Thống kê toàn vùng Tây Nguyên hiện có khoảng 125 nghìn xe công nông (xe đã được đăng kí), trong đó tỉnh Gia Lai có 22.121 xe, Đắk Lắk trên 78.808... Loại phương tiện này chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa cho bà con nông dân, vùng sâu, xa phù hợp địa hình phức tạp, đồi dốc.

Tuy nhiên hầu hết loại phương tiện này hiện chưa được đăng kí cấp phép để quản lí, người điều khiển phường tiện cũng không có giấy phép lái xe(GPLX) đúng qui định nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.

Ông Trịnh Hữu Kiểm - Trưởng Phòng Quản lí vận tải Phương tiện và Người lái (Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk) cho biết, trong tổng số 78.808 xe được đăng kí nhưng số người được cấp giấy phép lái xe (GPLX) chỉ có 10.000 người.

“Do đa dạng về tính năng, giá cả lại phù hợp, chỉ cần đầu tư 40 - 50 triệu đồng là người dân có ngay một chiếc xe công nông. Hầu hết các xe đều tự chế tại các xưởng cơ khí tự phát nên chính quyền cũng khó kiểm soát đầu ra”, ông Kiểm nhấn mạnh.

Để đánh giá đúng thực trạng về công tác quản lí phương tiện này, nhiều đại biểu đã nhận định xe công nông đang là một “đặc sản của Tây Nguyên”, những công năng của phương tiện này là không thể phủ nhận, xong để quản lý, kiểm soát phương tiện này đang là thách thức lớn với nhiều địa phương.

Nhiều địa phương đã có những qui định riêng như tổ chức tuần tra xử lí vi phạm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cấm lưu thông trên đường quốc lộ nhưng xem ra vẫn kém hiệu quả.

Vụ tai nạn thảm khốc làm 14 người thương vong tại huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.

Ông Nguyễn Hữu Quế - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai đánh giá, hầu hết các loại xe này khi lưu thông ra đường đều không: Không đèn, không đăng kí, không giấy phép lái xe, không đăng kiểm nên tiềm ẩn nhiều rủi do. Nhắc lại vụ tại nạn thảm khốc xảy ra cuối năm 2016 trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Ia Khuơl, huyện Chư Păh, Gia Lai) làm 14 người ngồi trên xe công nông bị hất xuống đường, 5 người tử vong đã báo động về tình trạng tai nạn xe công nông ngày một gia tăng.

Dù Chính phủ đã có Quyết định 1491/QĐ - TTg về việc thay thế xe công nông, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nhưng khi triển khai vẫn còn nhiều khó khăn về kinh phí thực hiện. Đơn cử tại Đắk Lắk, trong quá trình triển khai tỉnh đã tạm ứng cho 10 huyện với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng nhưng đến năm 2011 mới quyết toán gần 2 tỷ đồng.

Để xe công nông không còn là nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông trên đường lẫn người điều khiển phương tiện. Nhiều đại biểu kiến nghị Bộ GTVT, Công an cần thống nhất về khái niệm xe đầu kéo nhỏ (xe công nông), bởi mỗi địa phương đều hiểu một cách khác nhau. Và rốt ráo có văn bản hướng dẫn về lắp đặt các loại đèn pha, tín hiệu, tổ chức sát hạch và có chế tài xử phạt cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm giải pháp quản lý xe công nông