Tìm“gió mới” cho âm nhạc thiếu nhi

NGỌC PHƯƠNG 02/07/2023 08:14

Âm nhạc cho thiếu nhi lâu nay được ví là mảnh đất màu mỡ và rộng lớn. Thế nhưng, những năm qua thị trường âm nhạc cho thiếu nhi thiếu vắng những tác phẩm mới, hay và lôi cuốn. Khoảng trống trong âm nhạc thiếu nhi là có thật, và cần thêm những “làn gió mới”…

Thiếu nhi hôm nay cần thêm nhiều ca khúc mới.

Không phải ai cũng có thể viết

Nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam đã quá quen với những bài hát của các nhạc sĩ tiền bối như: Phạm Tuyên, Phạm Trọng Cầu, Phong Nhã, Trịnh Công Sơn, Trần Viết Bính, Hoàng Long, Hoàng Lân, Trương Quang Lục… Những ca khúc của các ông viết cho thiếu nhi có thể nói đã làm lay động tâm hồn tuổi thơ của nhiều thế hệ. Thế nhưng, đã ở thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI, khi những thế hệ công dân mới bước vào đời được tiếp cận với nhiều tiện nghi và tiện ích giải trí mới, thì thị trường âm nhạc thiếu nhi có phần lép vế.

Nhìn thoáng qua, có thể thấy các gameshow cho thiếu nhi, thi thoảng cũng có chương trình âm nhạc phục vụ thiếu nhi, nhưng nếu nhìn kỹ thì thấy thiếu vắng những sáng tác âm nhạc mới cho các em. Lâu rồi ít thấy những ca khúc hay dành cho trẻ em được lan tỏa, phổ biến rộng. Thay vào đó, thiếu nhi đang có xu hướng hát những ca khúc dành cho người lớn, thậm chí thích các ca khúc nhạc Hàn Quốc, Nhật Bản…

Thực tế cho thấy, không phải nhạc sĩ nào cũng có khả năng sáng tác ca khúc cho thiếu nhi. Theo nhạc sĩ Đoàn Đăng Đức (Cục Văn hóa Thông tin - Bộ VHTTDL), người sáng tác nhạc cho thiếu nhi cần phải có tình yêu đặc biệt với tuổi thơ. Phải có một tâm hồn thật trong sáng, khi sáng tác ca khúc phải hóa thân vào chính các em mới có thể sáng tác được những tác phẩm đi vào tâm hồn và cuộc sống của lứa tuổi này.

Tìm kiếm những nhạc sĩ có nhiều cống hiến cho âm nhạc thiếu nhi những năm gần đây thì nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là cái tên nổi bật. Trong khoảng chục năm qua, anh đã sáng tác hơn 300 ca khúc cho thiếu nhi. Cuối năm 2020, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung xác lập kỷ lục nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi nhất Việt Nam với 300 bài hát. Nhiều bài hát của anh được các em vô cùng yêu thích như: “Gia đình nhỏ, hạnh phúc to”, “Mẹ ơi, có biết”, “Vui đến trường”, “Món quà tặng cô”… Một số bài hát của anh đã được lựa chọn đưa vào sách giáo khoa.

Song, chính nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng khẳng định: “Không phải ai và lúc nào cũng có thể sáng tác được ca khúc cho thiếu nhi. Bản thân tôi trước đây viết rất nhiều ca khúc cho tuổi trẻ, phải đến khi tôi được làm cha, trong tình yêu thương của người cha dành cho đứa con mình, tôi mới viết được những ca khúc cho thiếu nhi, mà trước hết là cho con mình”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng cho biết, anh luôn cảm thấy cô độc khi chuyển hướng viết nhạc thiếu nhi suốt 11 năm nay. Cô độc nhưng anh không bỏ cuộc. Cũng nên biết thêm, trước khi chọn viết nhạc cho thiếu nhi, Nguyễn Văn Chung đang thành công với nhạc trẻ. Theo tiết lộ của anh, thời điểm đó anh bán 3, 4 bài hát là có mấy trăm triệu nhưng lại bỏ hết để viết nhạc thiếu nhi. Hay như vợ chồng nhạc sĩ Sa Huỳnh và Duy Hùng, họ sáng tác cho thiếu nhi vì những thôi thúc cá nhân, trước hết vì con, nhưng họ có niềm say mê, sự kiên định, bất chấp ngoài kia, trong thị trường âm nhạc, nhiều đồng nghiệp đã rẽ lối vào những con đường riêng, sáng tác những dòng nhạc đáp ứng thị hiếu với nguồn thu nhập đáng kể.

Cần có kênh âm nhạc riêng cho thiếu nhi

Quan sát đời sống văn hóa - nghệ thuật dành cho thiếu nhi trong những năm gần đây có thể thấy mảng văn học cho thiếu nhi có sự khởi sắc. Gần đây, Hội Nhà văn Việt Nam và các cơ quan, tổ chức cũng đã phát động những cuộc thi sáng tác văn học, hoặc khích lệ, tìm kiếm các sáng tác mới cho thiếu nhi. Tuy nhiên, nhìn sang lĩnh vực âm nhạc thì vẫn còn khá trầm lắng.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam hàng năm cũng có trao thưởng cho các sáng tác thiếu nhi nổi bật của hội viên. Tại các địa phương cũng có một số cuộc vận động sáng tác quan tâm tới đề tại thiếu nhi. Tuy vậy để những sáng tác ấy đi vào đời sống, thuyết phục được trẻ em hôm nay lại là câu chuyện không mấy dễ dàng.

Từ thực trạng trên cần có giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy sáng tác và biểu diễn cho thiếu nhi đạt hiệu quả thiết thực.

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, đối với âm nhạc thiếu nhi, tính chân, thiện, mỹ vẫn luôn là yếu tố quan trọng, phải hướng tới trong từng tác phẩm cụ thể. Tuy nhiên, âm nhạc cũng như văn hóa, là một dòng chảy luôn cần sự bồi đắp của phù sa, cần cởi mở hơn trong sự tiếp nhận, bổ sung những tác phẩm mới phù hợp với nhu cầu của lứa tuổi. Cần khuyến khích hơn nữa yếu tố “động” trong chương trình học tập và giảng dạy âm nhạc trong nhà trường, cũng như ngoài đời sống để tăng cường nét nhạc mới, phong cách nhạc mới, tính hiện thực cho phù hợp với thời đại.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần tạo nhiều kênh truyền thông chính thống giới thiệu, phổ biến những ca khúc mới viết cho lứa tuổi thiếu nhi. Hiện Việt Nam có hàng chục kênh truyền hình Trung ương và trên 60 Đài truyền hình địa phương, nhưng vẫn chưa có một kênh truyền hình chuyên biệt nào dành cho âm nhạc thiếu nhi. Để âm nhạc cho thiếu nhi có “đất sống”, việc xây dựng một kênh truyền hình chuyên biệt dành riêng cho thiếu nhi là rất cần thiết.

Đặc biệt, cần chia lứa tuổi thiếu nhi thành nhiều nhóm nhỏ, nghiên cứu tâm sinh lý, nhu cầu thưởng thức kết hợp cùng với xu hướng thưởng thức âm nhạc đương đại để tạo nên những tác phẩm mới đáp ứng nhu cầu của lứa tuổi. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện và khuyến khích các nhạc sĩ trẻ sáng tác các ca khúc cho mảng đề tài dành cho thiếu nhi.

Chúng ta cần có chương trình giáo dục âm nhạc vừa dạy hát, vừa chú trọng đến vai trò cảm thụ âm nhạc. Bên cạnh đó, cần theo dõi phong trào ca nhạc tự phát của tuổi mới lớn, kịp thời ngăn chặn các ca khúc ảnh hưởng tâm sinh lý trẻ thơ.

Trong khi đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng bày tỏ: “Sáng tác không phải chỉ để đó, phải có sân khấu biểu diễn, phải sắp xếp khung giờ vàng phát nhạc thiếu nhi trên truyền hình, như vậy mới thúc đẩy nhạc sĩ sáng tạo”.

Liên quan đến vấn đề này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết: “Nghị quyết Đại hội lần thứ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra nhiệm vụ quan trọng là phát triển âm nhạc thiếu nhi. Bên cạnh khuyến khích và vận động hội viên sáng tác, cổ vũ các lực lượng trong xã hội tham gia phát triển mảng âm nhạc này, sắp tới Hội sẽ khôi phục Ban Âm nhạc thiếu nhi, tổ chức giải thưởng âm nhạc thiếu nhi, tổ chức các liên hoan, festival âm nhạc thiếu nhi, tạo sân chơi cho các nhạc sĩ đưa sáng tác mới đến với công chúng, đồng thời phát hiện và bồi dưỡng tài năng âm nhạc nhỏ tuổi…”.

Âm nhạc vun đắp tâm hồn trẻ thơ.

Đầu tháng 6 năm nay, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã quyết định ra mắt kênh YouTube 300 bài hát thiếu nhi và dự án “Cùng con tập hát” với mong muốn xây dựng khu vườn âm nhạc dành cho các bé thiếu nhi độ tuổi từ 3 đến 13.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết, anh viết nhạc thiếu nhi không vì thu nhập hay giải thưởng. “Tôi muốn mọi người sẽ nhớ tới nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung ngay cả khi tôi mất đi và bài hát đó sẽ đi theo các bé, giống như chúng ta nhớ bài “Bống Bống Bang Bang” hay “Cháu lên ba cháu đi mẫu giáo…”. Đó là khát khao lớn nhất của tôi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm“gió mới” cho âm nhạc thiếu nhi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO