Ngày 25/9, tại TP Đà Nẵng, đã khai mạc Diễn đàn Kinh tế miền Trung (lần thứ 2) năm 2017 với chủ đề “Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo 9 tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền Trung, lãnh đạo 10 bộ ngành Trung ương, các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cùng hơn 400 đại biểu là chuyên gia kinh tế, lãnh đạo tập đoàn, chủ doanh nghiệp trên cả nước. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì diễn đàn.
Phát biểu tại đây Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phát triển kinh tế vùng và tăng cường liên kết vùng có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Văn kiện Đại hội Đảng XII đã chỉ rõ: Chú trọng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực, các khu kinh tế, các khu công nghiệp. Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; tạo không gian phát triển thống nhất trong vùng và cả nước; khắc phục tình trạng phát triển trùng dẫm, manh mún, kém hiệu quả. Nghiên cứu cơ chế quản lý liên kết hợp tác phát triển vùng phù hợp.
Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và trực tiếp làm việc với các vùng, các địa phương về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước, hình thành và phát triển các mô hình hợp tác liên kết vùng hiệu quả, bền vững. Tập trung phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng và giữa các vùng, tạo sức lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, không thể phát triển kinh tế mà không gian kinh tế bị chia cắt. Chúng ta không có chính quyền cấp vùng nhưng có liên kết vùng, các địa phương của vùng, vùng này với vùng khác. Muốn liên kết có dàn nhạc, trong dàn nhạc đó có nhạc trưởng, chỉ có điều không có chính quyền cấp vùng nên phải tính toán kỹ. Như vậy mới đạt được hiệu quả như mong muốn.
Phó Thủ tướng đưa ra hàng loạt gợi ý để các đại biểu cùng tập trung bàn bạc, tháo gỡ, trong đó nhấn mạnh đến việc Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến 2020, định hướng đến 2030. Trung ương cũng đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân.
Tới đây Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong được thành lập có cần thiết điều chỉnh quy hoạch chiến lược hay không và điều chỉnh theo hướng nào? Cơ hội nhiều nhưng thách thức nào, rào cản nào đã cản trở phát triển kinh tế vùng của cả nước và của duyên hải miền Trung?