Tìm kiếm tài năng cải lương

NGUYÊN DU 02/10/2023 07:02

Diễn ra từ ngày 23 - 30/9 tại Nhà hát Cao Văn Lầu, TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), cuộc thi Tài năng diễn viên cải lương toàn quốc 2023 thu hút sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ và sự quan tâm của giới mộ điệu. Đây không chỉ là cơ hội để nghệ sĩ, diễn viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, mà còn là dịp để các đơn vị nghệ thuật tìm kiếm, thu hút, bồi dưỡng nghệ sĩ, diễn viên cải lương kế cận…

Diễn viên Hồng Thêm (Nhà hát Cao Văn Lầu) với vai diễn Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Riêng trong trích đoạn “Lửa” tham gia Cuộc thi.

Giữ lửa nghề

Qua 7 ngày đêm biểu diễn tranh tài, 60 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 30 đơn vị đã mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc, cái nhìn đa sắc màu, hàm chứa trong đó nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý báu của dân tộc từ những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc, độc đáo của nền nghệ thuật Cải lương Việt Nam.

Trong trích đoạn “Bất tử”, thí sinh Trần Mỹ Lệ (Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu) đã mang đến cho người xem hình ảnh chị Sáu trẻ trung, yêu đời nhưng cũng là người chiến sĩ cách mạng với khí tiết kiên trung, gan dạ. Lời thoại rất ngắn: “Bắn, bắn đi” được Mỹ Lệ tập rất nhiều lần để thể hiện cho được tinh thần hiên ngang, bất khuất của người nữ Anh hùng. Những hình ảnh, những câu thoại đã khiến nhiều khán giả rơi nước mắt.

Hay như vai diễn của nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng Oanh (Đoàn Cải lương Long An) trong trích đoạn “Huyền thoại một tình yêu” cũng để lại nhiều xúc cảm trong lòng người xem. Giữa những vạt rừng tràm, đồng đội lần lượt nằm xuống, chỉ còn lại 2 cô gái bám trụ với nhiệm vụ đưa các đoàn quân giải phóng ra chiến trường. Ở độ tuổi thanh xuân, họ chợt thấy con tim mình thổn thức trước những người lính trẻ trong một lần họ dừng chân nơi trạm giao liên. Rồi cũng từ trạm giao liên đó, họ tiễn người yêu ra trận; chờ đợi những cánh thư từ chiến trường…

Còn trong trích đoạn vở “Dấu ấn giao thời” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, khán giả lại như chìm vào nỗi đau của Hoàng hậu Trần Thị Dung (vai diễn dự thi của nghệ sĩ Lương Thúy Hoa). Đứng trước sự lựa chọn giữa vận mệnh quốc gia và số phận của người từng đầu ấp tay gối, con tim của bà giằng xé, đớn đau… Nghệ sĩ Thúy Hoa đã hóa thân rất thành công vào nhân vật.

NSND Thanh Tuấn cho biết, năm nay thí sinh khá đông, chất lượng rất tốt, các diễn viên đều giữ được lửa nghề, họ dành rất nhiều tình yêu, tâm huyết cho các vở diễn. Các thành viên trong Hội đồng giám khảo đều rất hào hứng khi thưởng thức tiết mục, trích đoạn dự thi của các thí sinh. Với lời ca, tiếng đàn ngọt ngào, các thí sinh đã thực sự thăng hoa và chứng minh được tài năng của mình.

“Theo tôi nên thường xuyên tổ chức những cuộc thi như thế này, để tạo điều kiện cho các diễn viên thắp lên ngọn lửa nghề và tiếp tục kế thừa tinh hoa nghệ thuật cải lương của cha ông” - NSND Thanh Tuấn bày tỏ.

Diễn viên Lương Thúy Hoa (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa) vào vai Trần Thị Dung trong trích đoạn “Dấu ấn giao thời”.

Phát hiện được nhiều tài năng

NSƯT, đạo diễn Ca Lê Hồng - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Cuộc thi Tài năng diễn viên Cải lương toàn quốc 2023 chia sẻ: “Các trích đoạn được chọn để các nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn tranh tài trong cuộc thi lần này tương đối đa dạng về đề tài. Điều thú vị là, có nhiều trích đoạn được các đơn vị, các nghệ sĩ, diễn viên dự thi lựa chọn, nhưng cách dàn dựng, xử lý khác nhau như: vai diễn Trần Thăng trong trích đoạn “Kẻ sĩ Thăng Long”; vai Lê Chiêu Thống trong trích đoạn “Nỗi nhục lưu vong”; vai Lê Tự Thành trong “Đêm trước giờ hoàng đạo”; vai Thái hậu Nguyễn Thị Anh trong “Nước mắt Thần Phi”…

Còn theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo: Một trong những thành công của cuộc thi là đã phát hiện ra rất nhiều diễn viên có chất giọng đẹp. Có chất giọng sáng vang, có giọng trầm ấm, cả những ngọt ngào, mùi mẫn được xử lý trong các điệu Bắc, Xuân, Ai, Oán làm say đắm người nghe.

Ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, cuộc thi nhằm phát hiện và tôn vinh tài năng nghệ thuật cải lương; qua đó, giúp cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đánh giá đúng thực trạng hoạt động của nghệ thuật cải lương; kịp thời có giải pháp khắc phục những tồn tại, thúc đẩy nghệ thuật cải lương phát triển phù hợp với thực tế đời sống xã hội. Cuộc thi cũng nhằm tìm ra đội ngũ kế cận, bảo tồn và phát triển nghệ thuật Cải lương, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, nghệ thuật của nhân dân, phục vụ tốt công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Đồng thời, khuyến khích thí sinh ngày càng có nhiều sự sáng tạo trong dàn dựng và phong cách biểu diễn.

“Thông qua cuộc thi, đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố, các đơn vị nghệ thuật cải lương tiếp tục chú trọng, tăng cường đầu tư hơn nữa, có cơ chế thích hợp nhằm thu hút, tìm kiếm và đào tạo các tài năng nghệ thuật cải lương, nhất là các tài năng trẻ”- ông Dương nhấn mạnh.

Từ thực tế cuộc thi lần này, Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm có những điều chỉnh về cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên của loại hình nghệ thuật Cải lương nói riêng và trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung; đặc biệt là các cơ chế, chính sách và chế độ đãi ngộ đối với công tác thu hút, tìm kiếm, đào tạo diễn viên tài năng của loại hình nghệ thuật Cải lương truyền thống.

Cuộc thi tài năng diễn viên cải lương lần này có ý nghĩa rất lớn, không chỉ hướng đến mục tiêu tìm kiếm các tài năng diễn viên để trình diễn và lưu truyền nghệ thuật sân khấu Cải lương, mà còn góp phần phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Cuộc thi cũng nhằm giới thiệu đến bạn bè về vùng đất, con người Bạc Liêu thủy chung, nhân hậu, nghĩa tình, yêu cải lương; nơi sản sinh ra bài Dạ cổ Hoài lang bất hủ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm kiếm tài năng cải lương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO