Mùa lễ hội lớn nhất trong năm đang diễn ra sôi động trên khắp các cả nước. Lễ hội luôn hướng tới các giá trị cố kết cộng đồng, hướng tới tổ tiên từ đó tạo ra động lực tinh thần và các giá trị thiêng liêng khác. Dù vậy, bên bàn trà đầu xuân, GS Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) không khỏi băn khoăn khi qua thời gian, lễ hội bị những yếu tố vật chất chi phối tạo sự sai lệch, biến tướng, chạy theo thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi tâm linh nên lễ hội đang mất dần tính thiêng. Theo GS, cần lên án những hiện tượng tiêu cực này nhằm trả lại giá trị thực cho lễ hội, để lễ hội thực sự là của cộng đồng nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống…
PV: Thưa GS, số lượng người tham gia hội xuân năm nay được ví như chiếc lò xo bị nén lâu ngày bung ra nên sẽ tăng đột biến sau 3 mùa ngưng tổ chức lễ hội bởi dịch bệnh Covid-19. Vậy theo GS, người dân cần trở lại với tâm thế như thế nào để có một mùa lễ hội mang đậm giá trị văn hóa Việt?
GS TRƯƠNG QUỐC BÌNH: Như chúng ta đã biết, gần 3 năm đại dịch, xã hội đã có sự chuyển biến hết sức quan trọng ở mọi lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là văn hóa.
Trong các hoạt động văn hóa có hoạt động lễ hội, và rõ ràng nó có sự biến cải rất to lớn. Khi đại dịch lắng xuống thì lễ hội có những hoạt động mở đầu. Sau thời gian dịch bệnh, các lễ hội có thể sẽ quá tải sau 3 mùa bị “giam chân”. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội để chúng ta có thể điều chỉnh những biến tướng, sai lệch của lễ hội nhằm lập lại trật tự lễ hội, bởi trong thời gian qua lễ hội đang bị thương mại hóa và trục lợi.
Tôi cho rằng, nhận thức được những mặt trái của lễ hội, người dân đến lễ hội với tâm thế bình an, bởi mục đích của đi lễ hội là thanh lọc tâm hồn, gửi gắm yêu thương, ước vọng của bản thân với đất trời huyền bí và gắn với lịch sử mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước của các thế hệ con người Việt Nam. Và đặc biệt tính thiêng trong lễ hội trở thành hạt nhân quan trọng gắn kết cộng đồng thành một khối thống nhất cùng chung ước vọng. Giờ quan niệm bị lệch đi, cái tâm thế đi lễ hội đã khác, một số nơi như để cúng bái, một số khác lại xô bồ, hỗn tạp, chen chúc thậm chí dẫn đến ẩu đả.
Từng có thời gian lễ hội bị quên lãng do nhiều nguyên nhân rồi lại được khôi phục, thậm chí “bùng phát” trở lại, và bây giờ nhiều lễ hội được cho rằng đã đi quá xa so với ý nghĩa tốt đẹp ban đầu. Ông bình luận về ý kiến này như thế nào?
- Trong xã hội Việt Nam cổ truyền, các lễ hội truyền thống của chúng ta ảnh hưởng của văn minh nông nghiệp, và thường được tổ chức vào mùa xuân. Do đó, rất nhiều hội làng được tổ chức vào các dịp sau Tết âm lịch. Đó là đặc trưng của văn hóa nông nghiệp. Dân gian thường gọi mùa xuân, hay tháng Giêng là tháng ăn chơi là như vậy.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có gần 9.000 lễ hội chung và hơn 7.000 lễ hội truyền thống. Một thời kỳ dài (khoảng những thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ trước) lễ hội không được tổ chức do chiến tranh, do khác biệt về tư tưởng chống mê tín dị đoan, và cũng do đời sống kinh tế lúc đó cũng khó khăn nên dường như lễ hội không được quan tâm tổ chức. Nhưng đến khoảng năm 1986 trở đi thì lễ hội được khôi phục mạnh mẽ.
Tuy nhiên bức tranh lễ hội đầu những năm 90 của thế kỷ trước bắt đầu xuất hiện sự lộn xộn, thiếu kiểm soát bên cạnh những thành tựu chúng ta khôi phục lễ hội truyền thống. Ví dụ đền Bà Chúa Kho, người ta lan truyền nhau đi xin lộc của bà, từ đó tự phát những hành vi không chuẩn. Rồi kinh tế thị trường cũng len lỏi vào đời sống tâm linh những dịp lễ hội, như câu chuyện đặt tiền công đức, hòm công đức được dịp nảy nở ở các di tích.
Vì lợi nhuận mà người ta sao chép, xây dựng mới những hoạt động nhằm mục đích thu lợi nhuận. Như chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) là hoạt động vốn có hàng trăm năm nay, tuy nhiên thấy những việc đó là cơ hội để thu hút đông người, thu lợi nhuận nên một số nơi học theo tổ chức thi chọi trâu như ở Vĩnh Phúc, Yên Bái… người ta trục lợi chứ đâu có phải truyền thống.
Chúng ta thấy hiện tượng nhiều người cứ mải miết đi lễ nhưng không biết đến chỗ đó là thờ ai, vào chùa, đình phải lễ như thế nào. Từ không hiểu dẫn tới có những ứng xử không phù hợp và cũng có khi người dân tham gia lễ hội đang bị lợi dụng mà không hề biết?
- Với hoạt động lễ hội, có thể thấy việc giỗ ông Thành hoàng là phát huy truyền thống cần khuyến khích người tham dự, nhưng có một số thứ trong lễ hội người ta thêu dệt, “sáng tác” ra sự linh thiêng ứng nghiệm để thu hút người dân đến tham dự như: cướp hoa tre đền Gióng (Hà Nội), cướp ấn đền Trần (Nam Định), cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ),… là thể hiện sự nhận thức chưa chuẩn. Ở đây tôi cho rằng, do nhận thức hạn chế mà thôi.
Theo GS, để nhận thức được đúng phải xuất phát từ đâu?
- Tôi cho rằng, cần trang bị những kiến thức về văn hóa xã hội từ khi các cháu còn ở bậc tiểu học. Hiện giáo dục của mình có thứ chưa chuẩn, cho nên, giáo dục công dân phải chuẩn hơn. Cụ thể hướng dẫn cho các cháu hiểu đi chùa cần phải thế nào, vào đình phải thế nào… chứ không phải cứ đi theo tâm lý đám đông. Nhiều nước trên thế giới giáo dục của họ rất toàn diện, một ông bác sĩ thú y có thể nói chuyện hàng giờ về lịch sử nghệ thuật. Còn ở ta đa số những người được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực nào đó thì chỉ biết lĩnh vực đó thôi, chứ kiến thức văn hóa xã hội thì hầu như còn hạn chế. Như vậy, giải pháp phải là giáo dục toàn diện và vai trò giáo dục học đường là rất quan trọng chứ không thể để các hành vi lệch chuẩn tồn tại mãi.
Như vậy, cùng với việc nâng cao giáo dục nhận thức, rõ ràng vai trò của nhà quản lý là rất quan trọng?
- Chính phủ đã giao cho Bộ VHTTDL quản lý hoạt động của lễ hội. Hiện nay Cục Văn hóa cơ sở chịu trách nhiệm chính, Cục phối hợp, chịu trách nhiệm với những lễ hội có tính chất di sản văn hóa. Nhưng theo tôi trách nhiệm vẫn không rõ ràng. Bởi xét đến cùng vẫn là trách nhiệm của Bộ, và Bộ trưởng phải là người cầm trịch. Hơn nữa chúng ta đừng “đổ riêng” trách nhiệm quản lý cho bộ VHTTDL, vì tổ chức lễ hội cần có rất nhiều Bộ, ngành tham gia. Vai trò quản lý của Nhà nước là rất quan trọng trong định hướng tư tưởng, nhận thức ra sao, giải pháp như thế nào.
Thêm nữa, cần luật hóa. Chúng ta có Luật Di sản văn hóa, có Nghị định về tổ chức lễ hội, có những quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về tổ chức lễ hội, nhưng vấn đề ở chỗ luật chưa đi vào đời sống. Nhiều nơi mạnh ai nấy làm, cái gì có lợi thì người ta làm. Ví dụ phía Bắc Giang lên Tây Yên Tử miễn phí, còn Yên Tử phía Đông (thuộc tỉnh Quảng Ninh) lại thu tiền du khách, rõ ràng không có sự đồng bộ giữa tỉnh này với tỉnh kia.
Điều đó cho thấy đã và đang diễn ra tình trạng trên thì ban hành chính sách nhưng chính sách không đi vào đời sống. Vậy nên xét về mặt quản lý nhà nước còn nhiều điều bất cập. Có một thực trạng nữa cần phải xem xét, đó là tính cục bộ địa phương. Nhân đây tôi muốn nhấn mạnh quản lý nhà nước phải đồng bộ, và phải nghiêm thì mới phát huy hiệu quả.
Thực tế việc ứng xử của nhà quản lý văn hóa đối với di sản nói chung và lễ hội nói riêng vẫn còn nhiều bất cập. Đã có không ít người nhận thức chưa đúng, chưa phù hợp về ứng xử với văn hóa và di sản văn hóa, dẫn đến những tác động tiêu cực đối với môi trường văn hóa, di sản văn hóa cũng như làm lệch lạc, biến tướng các giá trị văn hóa ở nhiều địa phương. GS có thể chỉ ra nguyên nhân?
- Hầu hết những người đại diện của cộng đồng cơ sở đều trưởng thành trong giai đoạn đất nước có chiến tranh. Khi đó, các hoạt động nhằm thực thi truyền dạy về lễ hội không được thực hiện và thậm chí còn hạn chế về nhận thức. Sự đứt gãy văn hóa là điều khó tránh khỏi.
Cũng vì thế, khi phục hồi lễ hội, những đại diện cộng đồng này sẽ nắm bắt cách tổ chức theo kinh nghiệm của cộng đồng lân cận, theo tâm lý đám đông hoặc theo sự hướng dẫn, hối thúc, cổ vũ của lãnh đạo địa phương. Cả nước còn hơn 3% cán bộ ở cơ sở có trình độ tiểu học hoặc không biết chữ, 48% cán bộ chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ. Do đó, đa phần các lễ hội làng đều có tính chất, đơn điệu do chỉ được phục dựng theo trí nhớ và vận dụng kinh nghiệm từ các nơi khác. Bởi vậy, lễ hội được thực hiện theo kịch bản na ná như nhau, cực kỳ tốn kém và ít hiệu quả.
Vậy thời gian từng làm quản lý ở Cục Di sản, GS đã đề xuất cũng như kiến nghị những giải pháp như thế nào để “gạn đục, khơi trong”, phát huy những nét đặc sắc, riêng có của từng lễ hội?
- Trong thời kỳ tôi tham gia làm lãnh đạo tại Cục Di sản (Bộ VHTTDL), nhiều đề xuất của chúng tôi được lắng nghe. Thời điểm đó, chúng tôi đã rất nỗ lực để lập lại trật tự lễ hội, đưa lễ hội đi vào quy củ. Có thể kể tới việc phát ấn đền Trần, khi bùng phát việc cướp ấn, kinh doanh ấn chúng tôi đã xuống địa phương, tổ chức hội thảo, khai thác, tìm hiểu, đề xuất các giải pháp.
Sau đó lễ hội khai ấn đền Trần có nhiều biến cải theo chiều hướng tốt lên. Bên cạnh đó là chùa Hương (Hà Nội), đền Hùng (Phú Thọ), Côn Sơn Kiếp Bạc (Hải Dương), lễ hội bà Chúa Sứ (An Giang), lễ hội Thiên Y A Na (Thừa Thiên Huế), Cục Di sản đã có những tác động tích cực để những di sản này trở thành nguồn tài nguyên du lịch phát triển.
Cần phát huy những nét đặc sắc, riêng có. Tôi lấy ví dụ nghi lễ chém lợn ở Ném Thượng (Bắc Ninh) bản chất là tưởng nhớ vị Thành hoàng làng đã chém lợn để nuôi quân, đồng thời cầu mong một năm mới an lành, may mắn. Dù vậy, trong những năm qua chúng ta cứ khai thác hành vi nhằm bảo vệ động vật. Kể cả cơ quan truyền thông cũng khai thác triệt để những khía cạnh đó mà quên mất giá trị văn hóa. Tôi muốn nói đến giá trị đặc sắc.
Cần trở lại phân tích chém lợn là tục của cư dân nông nghiệp. Người ta làm lễ hội chém lợn là thể hiện tập quán của cộng đồng. Tôi đến đó tìm hiểu và được biết, chuẩn bị cho nghi lễ vào mùng 6 Tết hằng năm, trước đó dân làng bàn nhau suy tôn 1 gia đình có đủ cả vợ chồng mạnh khỏe, hạnh phúc, con cái phát triển mới giao cho người ta nuôi lợn. Việc này được chuẩn bị cả năm. Trong thời gian gia đình ấy nuôi, vỗ béo, bà con trong làng cũng đến chăm sóc, hỏi han. Nghĩa là đôi lợn ấy được sự quan tâm của cộng đồng.
Đến hôm tế cả làng tập trung khấn vái, người ta cho lên xe đẩy đôi lợn đi khắp làng, mọi người rất thành kính. Ngay kể cả 2 người đàn ông được giao vác dao để chém cũng được lựa chọn người trên 45 tuổi, có thân nhân tốt… những khía cạnh ấy thì người ta ít khai thác mà chỉ phản ánh khía cạnh man rợ lễ chém lợn tạo nên sự khủng hoảng truyền thông. Dù vậy, trước sự phê bình của công chúng với nghi thức chém lợn, địa phương đã có sự tiếp thu, điều chỉnh không làm công khai mà đưa vào khu vực kín đáo hơn.
Còn ở các dân tộc khác, trong lễ hội người ta cũng có những vật hiến tế. Chúng ta không phủ nhận sự biến đổi văn hóa, nhưng tôi cho rằng cần xác định cái gì là đặc sắc thì phải có những nghiên cứu, nhận thức đầy đủ. Phải hiểu giá trị văn hóa từ hàng ngàn đời nay. Từ bản chất của việc đó đến nhận thức đúng cần có tuyên truyền phổ biến thì vai trò của truyền thông là rất quan trọng.
Cái khó nhất trong bảo tồn lễ hội cũng như các di sản văn hóa hiện nay là gì?
- Theo tôi, đó là vấn đề làm sao khai thác được những giá trị đặc sắc của các lễ hội, nhưng không làm lễ hội biến dạng. Ví dụ như câu chuyện khai thác quan họ Bắc Ninh. Quan họ về bản chất chỉ hát trong một cộng đồng nhỏ, bây giờ huy động 2.000 người hát quan họ thì đó là làm sai lệch chân giá trị. Hoặc di sản xòe Thái, ai lại tổ chức đại lễ xòe Thái 5.000 người, nhiều ý kiến cho đó là thành tựu, nhưng đấy là làm sai lệch…
Mặt khác, với 2 mặt bảo tồn và phát triển, biện pháp là phải biến di sản ấy thành tài nguyên du lịch. Hoạt động du lịch góp phần bảo tồn các di sản. Trong những năm vừa qua chúng ta đã tổ chức những hoạt động du lịch di sản có hiệu quả. Như lễ hội chùa Hương trong khoảng 10 năm trở lại đây đã hoạt động có tổ chức, quản lý nền nếp hơn. Hạ tầng cơ sở của việc đi đò, đi bộ, cáp treo tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan du lịch.
Vì sao đến nay chúng ta vẫn loay hoay trong việc phát huy giá trị của di sản?
- Tôi cho rằng cần phải có những thay đổi về việc nâng cao nhận thức xã hội. Mình có cả một kho tàng di sản, làm chưa được là do biện pháp thôi.
Tâm trạng của GS như thế nào khi các di sản, đặc biệt là các di sản sau khi được thế giới ghi danh nhưng phần lớn vinh danh xong rồi… để đó?
- Tôi buồn. Vì di sản không phát huy được giá trị vốn có. Tuy nhiên rất nhiều vấn đề tồn tại cần phải tiếp tục giải quyết bằng các biện pháp tổng hợp về nhận thức, giáo dục, kể cả kinh tế. Vì giờ lợi ích nhóm nhỏ đến lớn vẫn tồn tại. Rồi những hành vi do nhận thức không chuẩn của cái gọi là cộng đồng.
Tôi nói vậy bởi có rất nhiều người nhân danh cộng đồng kêu gọi phải dựa vào cộng đồng, giao quyền cho cộng đồng, nhưng mà họ phải hiểu cộng đồng phải là những người sáng tạo ra di sản trao truyền, chứ không phải cộng đồng chưa được trải nghiệm qua các thực tiễn lễ hội nên thiếu kiến thức, rất dễ bị lôi kéo.
Trân trọng cảm ơn GS!
Một số lễ hội truyền thống mặc dù bị quên lãng trong thập niên trước nhưng vẫn cứ âm ỉ tồn tại, và một số nghi thức vẫn còn được bảo lưu đến khi tổ chức nó lại vào cái guồng ấy. Rồi các nơi đua nhau tổ chức lễ hội, trong bối cảnh được khôi phục có rất nhiều hành vi can thiệp vào làm có thể không đúng, sai lệch với những nội dung cũ. Có những cái không đúng với truyền thống được người ta đưa vào vì mục đích vụ lợi. Ví dụ có hội làng người ta tổ chức với mục đích thương mại là thu tiền trông xe, các trò chơi điện tử, các sinh hoạt khác. Như vậy, việc tổ chức lễ hội chỉ là phương tiện để người ta thực thi những chuyện vụ lợi chứ không vì lý do tâm linh. Hoặc là những kịch bản tổ chức cũng không phải theo truyền thống, vì nhiều chỗ tam sao thất bản. Cũng có tình trạng sao chép giữa làng nọ với làng kia, na ná giống nhau.