Sau nhiều giai đoạn tăng trưởng đứng đầu cả nước, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang tăng trưởng ở mức 5,6%, thấp hơn trung bình cả nước (5,9%) trong 5 năm gần đây. Vì sao?
Vào thời điểm lần đầu tiên đối diện với mức tăng trưởng âm 6,78% do đại dịch Covid-19, TP HCM đã ghi nhận sự sụt giảm ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, nhất là ngành du lịch, dịch vụ. Trong đó, riêng năm cuối của kế hoạch 5 năm (2016-2020) tác động của dịch bệnh đã kéo giảm tốc độ tăng GRDP của TPHCM xuống dưới mức trung bình của 4 năm trước đó (tăng trưởng chỉ 1,41% so với trung bình 7,72%). Kể cả khi dịch Covid-19 đã giảm rõ rệt kể từ 2021 đến nay nhưng khả năng phục hồi vẫn chậm, với ghi nhận GRDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng 5,99%.
Mới đây, khi tổng kết thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận 27 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong cả giai đoạn 2016-2020, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tăng trưởng 5,6%, trong khi vùng Đông Nam bộ cũng chỉ đạt mức 5,5% (trung bình cả nước tăng 5,9%). Ông Dũng cũng đặt vấn đề, vai trò của “đầu tàu” của TP HCM trong câu chuyện sụt giảm của toàn vùng. Từ đó đề nghị UBND TPHCM nhanh chóng có kế hoạch liên kết với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để có giải pháp tháo gỡ, kìm chế lạm phát, duy trì ổn định để đảm bảo cho giai đoạn phục hồi.
Nguyên nhân khiến “đầu tàu” của vùng Đông Nam bộ cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển chậm được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu chỉ ra. Theo ông Trần Du Lịch, chủ trương lập quy hoạch vùng TP HCM, gồm 17 đô thị lớn tạo thành một chuỗi đô thị của vùng đã được Chính phủ triển khai từ 2013. Tuy nhiên, quá trình quy hoạch vẫn chỉ mang tính định hướng, thực tế triển khai chưa khả thi. Trong số những điểm nghẽn thì cấp bách nhất là vấn đề hạ tầng giao thông. Cho đến nay, hầu hết các hạ tầng kết nối vùng là Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4…vẫn chưa được định hình.
Còn theo ông Nguyễn Văn Biểu - Giám đốc Công ty Bhome (TP HCM) thì khó có thể đổ lỗi hết cho tác động của dịch bệnh Covid-19 trong câu chuyện tăng trưởng của TPHCM chậm lại trong 5 năm gần đây. “Rõ ràng ngay cả về cơ chế đặc thù như Nghị quyết 54 nhưng việc vận dụng vào thực tiễn vẫn kém hiệu quả. Tôi còn nhớ một lãnh đạo HĐND TPHCM đã phát thốt lên rằng, trong số hàng trăm các dự án nhà ở xã hội được lên kế hoạch thì mới chỉ có vài dự án thực sự được triển khai. Nếu còn những bất cập này, TP HCM khó đảm bảo vai trò đầu tàu”- ông Biểu nói.
Ở khía cạnh khác, GS.TS Nguyễn Thị Cành - cố vấn Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và tài chính thuộc Trường Đại học Kinh tế Luật TP HCM cho rằng, “điểm nghẽn” chính đến từ chính sách và quy định về liên kết vùng chưa đủ mạnh, trong khi bộ máy điều phối vùng còn nhiều điểm bất hợp lý, chưa có cơ chế thực thi. Theo Quyết định số 2059 ngày 24/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo và Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm có vai trò chủ đạo, điều hành kinh tế vùng. Tuy nhiên theo bà Cành, Ban Chỉ đạo vẫn chỉ dừng ở vai trò là đề xuất cơ chế chính sách và chưa thực thi được quyền quản lý điều hành trực tiếp. Trong khi đó, các tổ điều phối cấp bộ cũng chưa phát huy được vai trò của mình.
Chính vì vậy, việc đặt mục tiêu vực dậy nền kinh tế từ tăng trưởng âm đạt được mức tăng trưởng 6-6,5% đến cuối năm 2022 cần phải có quyết tâm cao của lãnh đạo TP HCM. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng điều quan trọng là TP HCM cần vượt qua được sức ỳ giai đoạn “hậu Covid-19”.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, TP HCM cần động lực và mục tiêu mới để đảm bảo vai trò đầu tàu kinh tế. Cũng có nghĩa là cần phải có quan điểm mới cùng cơ chế chính sách mới. Cơ chế chính sách mới phải đặc thù, vượt trội so với cả nước, phải đảm bảo cạnh tranh với quốc tế thì mới đủ điều kiện để đạt được các mục tiêu đề ra. Hiện tại, hệ thống giao thông của TP HCM đang gặp áp lực rất lớn, nhất là các vấn đề về ùn tắc giao thông, ngập úng đô thị,… cần phải sớm tháo gỡ. Ngoài ra, TP HCM cần có kế hoạch liên kết vùng với các địa phương thật sự hiệu quả hơn.