Tìm lối đi phù hợp để tránh thất nghiệp

PV 03/08/2023 11:42

Thí sinh từ chối vào đại học có nhiều lý do, nhiều bạn trẻ chia sẻ học lấy một nghề để kiếm sống quan trọng hơn là học để lấy 1 tấm bằng.

Thực hành 70% thời lượng thời chương trình, sinh viên sớm thạo nghề.

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết thúc thời hạn đăng ký xét tuyển đại học đợt 1 năm 2023, tổng số thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển là hơn 660.000, tương đương 66% số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Điều này đồng nghĩa hơn 290.000 thí sinh từ bỏ cơ hội vào đại học, bởi hệ thống đã đóng chức năng này.

Thí sinh từ chối vào đại học có nhiều lý do, có một lý do mà nhiều bạn trẻ chia sẻ, đó là họ đã suy nghĩ thực tế hơn, học lấy một nghề để kiếm sống quan trọng hơn là học để lấy 1 tấm bằng.

Thí sinh Phạm Thị Lệ Chi ở Thường Tín (Hà Nội) nói rằng, “Sở dĩ em chọn học cao đẳng nghề là vì em thấy nhiều anh chị khoá trước tốt nghiệp đại học ra khó tìm việc làm, có anh chị làm những ngành nghề không liên quan gì để chuyên môn được đào tạo. Dược là ngành em đam mê từ bé. Tìm hiểu kỹ ngôi trường mà em chọn - Trường Cao đẳng Hà Nội, em khá là yên tâm vì nhà trường sẽ hỗ trợ sinh viên việc làm sau tốt nghiệp. Mặt khác, học cao đẳng nghề, thời gian học ngắn, không những tiết kiệm được tiền bạc, với tấm bằng cử nhân thực hành, em sẽ đi làm sớm để có thu nhập ổn định cuộc sống, phụ giúp bố mẹ”.

Dù học lực tốt, nhưng Đinh Văn Thành ở Yên Lập (Phú Thọ) chọn con đường đi xuất khẩu lao động – “Em sẽ đi xuất khẩu lao động 4 - 5 năm, tích lũy vốn liếng, để sau này về quê mở một cửa hàng, chứ nhìn mấy anh chị trong xã học cao đẳng, đại học xong chạy vạy khắp nơi mà chưa kiếm được việc làm, em thấy uổng công sức, tiền bạc lắm”.

Chọn đúng ngành, sinh viên có cơ hội làm đúng nghề.

Với mong muốn “giấc mơ được làm việc tại Hàn Quốc nhanh chóng thành hiện thực”, Nguyễn Thanh Mai (Tam Điệp, Ninh Bình) đã quyết định theo học ngành Điều dưỡng tại Trường Cao đẳng Hà Nội. “Tìm hiểu em được biết nhà trường có chương trình đào tạo song ngành, em vừa được học chuyên môn điều dưỡng và vừa được học tiếng Hàn” cho kế hoạch làm việc tại Hàn Quốc, em không phải đi học tiếng ở bên ngoài”.

Không chọn ngành nghề theo “trào lưu” ngành học “hot”, không ít bạn trẻ bây giờ đã dành thời gian tìm hiểu kỹ ngành học mà mình định theo đuổi, cách thức đào tạo, cơ hội việc làm khi ra trường rồi mới quyết định đăng ký.

Em Triệu Thế Triều (Bảo Lâm, Cao Bằng) quyết định nhập học ngành Công nghệ ô tô của Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội sau khi tìm hiểu kỹ càng. “Em hỏi các anh chị khóa trước thì biết là học ngành này, “đầu ra” khá đảm bảo, tốt nghiệp sẽ được nhà trường hỗ trợ giới thiệu việc làm. Học ở đây được thực hành nhiều lên đến 70% thời lượng chương trình, vào năm thứ 2, sinh viên đã được đi thực tập và nếu làm tốt có thể được hưởng lương”, đây cũng là một trong những yếu tố để em lựa chọn.

Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, hàng năm có hơn 400.000 sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên không tìm được việc làm, hoặc làm không đúng ngành nghề đào tạo (chiếm khoảng 50%). Thực tế này khiến cho câu chuyện chọn đúng ngành, làm đúng nghề luôn có tính thời sự đối với lớp trẻ khi chuẩn bị hành trang bước vào đời sống tự lập.

Bà Lê Thị Quỳnh Anh, Hiệu phó Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội.

Bà Lê Thị Quỳnh Anh, Hiệu phó Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội cho biết, mấy năm gần đây tại trường có rất nhiều thí sinh điểm cao ở các phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ. Các em có thể trúng tuyển vào các trường đại học, nhưng đã quyết định học cao đẳng. Điều này cho thấy, các bạn trẻ ngày càng tin tưởng vào triển vọng nghề nghiệp của mình sau khi tốt nghiệp cao đẳng cũng như sự thành công của các em khi thành thạo một nghề. Với phương châm thực học – thực hành – thực nghiệp, chất lượng đào tạo của các trường cao đẳng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp ngày càng được nâng cao. 98% sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội có việc làm ngay với đúng ngành nghề đào tạo và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Để chuẩn bị cho sinh viên chớp lấy cơ hội thực tập, du học và làm việc tại môi trường quốc tế, nhà trường triển khai chương trình đào tạo song bằng các ngôn ngữ Anh, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Ngoài ra còn có chương trình trao đổi sinh viên 2 + 2, nghĩa là hai năm học tại trường và hai năm học tại các quốc gia khác. Với lợi thế được học song bằng, học ngoại ngữ, học chuyển tiếp lấy bằng quốc tế, sinh viên có cơ hội được làm việc ở các tổ chức quốc tế tại Việt Nam hoặc có cơ hội làm việc tại nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm lối đi phù hợp để tránh thất nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO