Tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2020 với chủ đề “Phát triển năng lượng sạch xu thế và thách thức” được Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (18/6), hầu hết ý kiến cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo là lời giải duy nhất cho bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Gia tăng các dự án điện mặt trời
Chỉ trong vòng hai năm trở lại đây, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt, với kỷ lục về công suất điện mặt trời mới được đưa vào vận hành trong năm 2019, Việt Nam trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á.
Tại Diễn đàn, giới chuyên gia nhấn mạnh, với sự “cởi mở” của chính sách đã tạo một lực đẩy lớn cho sự phát triển của các dự án điện mặt trời, điện gió trong thời gian qua. Đáng chú ý, với những thuận lợi về khu vực địa lý, lợi thế về tự nhiên, nhiều địa phương phía Nam như Bình Thuận, Ninh Thuận, Cà Mau... đã nhận được sự tham gia của nhiều nhà đầu tư vào các dự án điện mặt trời.
Chỉ trong vòng hơn một năm trở lại đây, số lượng các dự án điện mặt trời đã tăng ở mức kỷ lục, công suất lên đến 5.000 MW. Con số này so với mức dự kiến trong quy hoạch điện VII điều chỉnh cho năm 2020 đến 2025 là quá lớn (khi mức quy dự kiến chỉ là 850 MW cho năm 2020 và 4000 MW cho năm 2025). Thực tế này đang tạo áp lực cho mục tiêu phát triển năng lương tái tạo của Việt Nam.
Đơn cử, tại các địa phương đang phát triển rất nhanh các dự án năng lượng tái tạo, các chủ đầu tư cho biết, đều đang gặp phải những khó khăn chung trong việc đưa nguồn điện mặt trời vào lưới truyền tải điện. Đơn cử, Bình Thuận là một trong những địa phương có sự gia tăng các dự án năng lượng phát triển nhanh và mạnh trong thời gian qua.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 20 dự án điện gió, với tổng công suất 812,5 MW, 95 dự án điện mặt trời với tổng công suất đề xuất, đăng ký đầu tư khoảng 6.047 MWp (tương đương 4.847 MW). Tuy nhiên, các dự án điện mặt trời đang gặp khó khăn về hạ tầng lưới điện đấu nối, truyền tải điện hiện nay không đủ khả năng giải phóng công suất phát điện. Ngoài ra các chủ đầu tư còn đang gặp rào cản trong việc đền bù giải tỏa...
Các tỉnh khác như Cà Mau, Gia Lai, Ninh Thuận cũng gặp những khó khăn tương tự. Điều này cho thấy, mặc dù rất giàu tiềm năng cho phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, song Việt Nam vẫn đang gặp những rào cản lớn “kìm chân” sự phát triển của xu hướng này.
Ông Nguyễn Văn Đô, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho biết, hiện trạng lưới điện của tỉnh Cà Mau hiện nay chỉ đủ đáp ứng 40% công suất các dự án năng lượng tái tạo hiện có, nếu các dự án điện gió và điện khí vào đồng loạt thì lưới điện truyền tải khó có thể đáp ứng.
Ngoài ra, theo ông Đô, vị trí đấu nối từ các dự án nhà máy điện đến các trạm biến áp còn khá xa (do địa hình tỉnh có 3 mặt giáp với biển hiện tại đường dây 220kV chỉ đến khu vực Nhà máy điện Cà Mau 1 & 2, nên việc mỗi nhà đầu tư phải đầu tư đường dây truyền tải riêng biệt và khá xa làm tăng suất đầu tư lên dẫn đến dự án kém hiệu quả).
Năng lượng tái tạo là tương lai
Giới chuyên gia nhận định, năng lượng tái tạo sẽ là nguồn điện bổ sung thiết yếu cho phát triển kinh tế, năng lượng là hậ tầng phát triển kinh tế với tốc độ tiêu thụ thường tang gấp 1,5 lần tăng trưởng GDP. Tài nguyên của Việt Nam không chỉ dừng lại ở than, khoáng sản, dầu mỏ mà còn là những nguồn tái tạo như quang năng, phong năng... Cùng với các tác động của điện than đối với môi tròng và sự chững lại của thủy điện thì Việt Nam có thể đi tắt đón đầu để có thể phát triển bền vững từ nguồn năng lượng tái tạo.
Tại Diễn đàn, hầu hết các ý kiến đều khẳng định, năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió chính là tương lai, chính là yếu tố đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển bền vững. Ngay như ở một quốc gia bảo thủ về năng lượng như Mỹ thì tại California trong các năm gần đây, công suất lắp đặt mới của gió và mặt trời đã lớn hơn 50% công suất lắp đặt mới. Do đó đây là xu hướng tất yếu.
Bà Tạ Thị Thanh Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần năng lượng Veneria, phát triển năng lượng tái tạo sẽ giải được bài toán phát triển bền vững trong mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng mà các DN trong ngành này cần lưu ý là việc sử dụng công nghệ tiên tiến trong khảo sát nhà máy điện mặt trời, trong đó có việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để vận hành và quản lý các nhà máy điện mặt trời.
“Trong ngành năng lượng tái tạo, cụ thể là trong lĩnh vực điện mặt trời, trí tuệ nhân tạo đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình vận hành và quản lý nhà máy điện mặt trời”, bà Thanh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Năng lượng thuộc Tập đoàn Hà Đô cho hay, về truyền tải, với các chính sách thu hút đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp có thể tham gia đầu tư để giải tỏa công suất. Thực tế hiện nay, các dự án của Tập đoàn cũng không vướng mắc nhiều về vấn đề lưới điện truyền tải.
“Chúng tôi chỉ mong muốn, Chính phủ có những chính sách cụ thể hơn, dài hơi hơn về thu hút đầu tư trong phát triển năng lượng để doanh nghiệp nhìn vào đó, đưa ra kế hoạch đầu tư của mình. Nếu thời gian ưu đãi, thu hút đầu tư ngắn, sẽ khiến doanh nghiệp vừa làm vừa lo, không dám đầu tư mạnh trong vấn đề này”, ông Vinh cho biết thêm.
Tại hội thảo, giới chuyên gia kinh tế bày tỏ quan điểm, để giải bài toán phát triển năng lượng tái tạo, tháo gỡ những rào cản đang kìm chân sự phát triển lĩnh vực này, nhà quản lý sớm có chủ trương làm các điểm đấu nối để vận hành sớm các dự án đã hoàn thiện.
Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chú trọng đầu tư phát triển lưới điện đảm bảo yêu cầu đặt ra của các dự án năng lượng tái tạo thời gian tới. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách ưu tiên về giá điện, lãi suất vốn vay hợp lý để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này trong thời gian tới.