Tìm lời giải cho ngành ô tô nội địa

H.Hương 17/02/2017 14:10

Hoạt động sản xuất và lắp ráp ô tô của doanh nghiệp trong nước đã đến lúc phải chọn hướng đi mới khi mà dòng chảy của nhiều mẫu xe có sức cạnh tranh cao về chi phí được nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia, Ấn Độ… đang tràn vào Việt Nam. Do vậy theo nhìn nhận của giới chuyên gia, có lẽ đây cũng là thời điểm hợp lý để các doanh nghiệp sản xuất cũng như lắp ráp trong nước phải chuyển mình để hội nhập.

Doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đang “đứng ngồi không yên”. (Ảnh: T.L).

Xe giá rẻ tràn vào Việt Nam

Thông tin từ Tổng Cục Hải Quan, công bố về tình hình nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi ngay trong tháng đầu năm 2017 có những chi tiết đáng quan tâm. Số ô tô nhập về đạt 5.425 chiếc, trị giá 97 triệu USD, tăng 120,8% về lượng và 92% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, nhập khẩu từ ASEAN tăng mạnh 233% với 3.408 chiếc, chiếm 62,8% lượng xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu của cả nước. Xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu từ khu vực ASEAN chỉ có xuất xứ Thái Lan và Indonesia, trong đó lượng xe có xuất xứ Thái Lan đạt 1.585 chiếc, trị giá 31 triệu USD, tăng 55% về lượng và tăng 209% về giá trị so với cùng kỳ. Đặc biệt hơn, lượng xe có xuất xứ Indonesia tăng đột biến đạt 1.823 chiếc, trị giá 35 triệu USD.

Đáng chú ý, trong tháng 1, có 1.006 xe xuất xứ từ Ấn Độ về Việt Nam, với giá bình quân 3.708 USD, tính ra khoảng 84 triệu đồng/xe.

Giải mã cho hiện tượng ô tô có nguồn gốc ASEAN nhập về Việt Nam lượng lớn là vì từ 1-1-2017 thuế suất thuế nhập khẩu xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi có xuất xứ từ khu vực ASEAN được điều chỉnh giảm từ 40% xuống 30%.

Một chuyên gia trong ngành, ông Wail A Farghaly đã từng phân tích các nhà sản xuất ô tô trong nước sẽ phải đối mặt với tình huống khó khăn để tiếp tục sản xuất trong nước khi dòng chảy của nhiều mẫu xe có sức cạnh tranh cao về chi phí được nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia. Do những bất lợi về quy mô sản xuất và phải nhập khẩu hầu hết các linh kiện sản xuất lắp ráp, nhà sản xuất ô tô trong nước còn cần phải thanh toán các chi phí liên quan đến vận chuyển, đóng gói và thuế nhập khẩu. Chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam ước tính cao hơn so với xe nhập khẩu từ Thái Lan khoảng 20%.

Đây là thời điểm để các doanh nghiệp sản xuất cũng như lắp ráp
trong nước chuyển mình hội nhập.

Doanh nghiệp đứng ngồi không yên

Có mặt ở thị trường Việt Nam khá sớm, Toyota Việt Nam cũng từng cam kết sẽ đưa tỷ lệ nội địa hóa cao. Nhưng chắc hẳn ai cũng nhớ vào thời điểm cuối năm 2015, đại diện Toyota Việt Nam cho biết, DN này và các nhà sản xuất khác trong Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đang cân nhắc xem có tiếp tục sản xuất ôtô tại Việt Nam không hay chuyển sang nhập khẩu. Theo đại diện Toyota, từ năm 2018, thuế nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN sẽ về mức 0% (áp dụng với xe có dung tích xi lanh dưới 2.0L), trong khi thuế nhập khẩu linh kiện còn khá cao nên nhập xe nguyên chiếc về bán sẽ rẻ hơn là nhập linh kiện rồi lắp ráp.

Thực tế cũng đang chỉ ra, xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đang tràn vào Việt Nam. Điều này đang khiến cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đứng ngồi không yên. Trong năm qua, ngành ô tô Việt Nam vẫn luôn đặt chiến lược, trở thành công nghiệp mạnh, trong đó sử dụng chính sách ưu đãi về thuế, bắt đầu từ sản xuất linh kiện, phụ tùng. Thế nhưng đến nay, diện mạo của ngành vẫn không hề thay đổi. Mặc dù các liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam được bảo hộ sâu nhưng tỉ lệ nội địa hoá theo cam kết trong giấy phép của các nhà sản xuất không được thực hiện đúng.

Trong tiến trình hội nhập và phát triển, các quốc gia đều đưa ra những chính sách bảo hộ thương mại nhằm mục đích bảo vệ, phát triển sản phẩm trong nước. Đó tất nhiên là điều cần thiết. Và ai cũng nhận ra trong suốt nhiều năm qua, các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã được lợi rất nhiều, xe nội không chịu hạ thấp giá vì không có đối thủ cạnh tranh, nên giá giá ngất ngưởng trên trời. Người tiêu dùng Việt Nam chưa bao giờ từng nghĩ sẽ mua được xe ô tô nhập khẩu giá 84 triệu, 200 triệu …

Do vậy theo nhìn nhận của giới chuyên gia, có lẽ đây cũng là thời điểm hợp lý để các doanh nghiệp sản xuất cũng như lắp ráp trong nước phải chuyển mình hội nhập. Hoặc phải liên kết liên doanh với các hãng nước ngoài, hoặc tiếp tục gia công lắp ráp để xe ngoại “tấn công”.

Tiếp tục tăng trưởng mạnh

Xu hướng nhập khẩu và giảm thuế theo lộ trình đang tiếp diễn, trên thị trường các hãng xe cũng đặt đại diện phân phối nhiều hơn nhưng người tiêu dùng trong nước ngoài quan tâm đến giá xe thì chất lượng xe, và mẫu mã thời trang vẫn được ưu tiên.

Trên báo giới, ông Yoshihisa Maruta, nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi những thay đổi từ chính sách thuế và quy mô thị trường còn nhỏ so với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Philippines nhưng Việt Nam lại là thị trường có sức tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm lời giải cho ngành ô tô nội địa