Tìm phong vị Tết thời Covid

HOÀNG MINH – PHẠM SỸ 07/02/2022 06:40

Tết là dịp đoàn viên, dịp gặp gỡ trao nhau những lời chúc cho một năm mới an lành, sung túc. Thế nhưng với diễn biến của dịch Covid-19, Tết giờ thật đặc biệt, hạn chế đi lễ chùa, chúc Tết, không được hòa vào dòng người đông đúc trong đêm giao thừa để hái lộc… Tết có lẽ chỉ diễn ra trong ngôi nhà của mình. Và phong vị Tết năm nay sẽ thật khác qua chia sẻ của các văn nghệ sĩ…

PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Thích nghi và thay đổi

Tết truyền thống người ta thường đi hái lộc, đón giao thừa, đi lễ chùa, trong không gian thoang thoảng mùi hương trầm…Thế nhưng, Tết năm nay sẽ thật khác, khi chúng ta ý thức được vấn đề an toàn của bản thân, của gia đình và cộng đồng thì việc có ra đường trong ngày mùng 1 hay đi lễ chùa hay không cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều về mặt tâm lý.

Tôi tin mọi người sẽ vẫn được hưởng trọn vẹn mùa Xuân của đất nước và Tết cổ truyền dân tộc một cách đầy đủ, kể cả về vật chất và tinh thần. Riêng với gia đình tôi, cũng sẽ đến gặp mặt và chúc Tết ông bà. Nếu có thể sẽ về quê để thắp nén nhang cho các cụ và cũng để vãn cảnh nông thôn đổi mới trong ngày Tết. Tuy nhiên, nếu việc đi lại bị hạn chế thì kế hoạch sẽ phải khác. Chúng ta phải sống chung, liên tục thích nghi và thay đổi.

Nhân đây tôi cũng xin chúc mọi người giữ vững được niềm tin. Cho dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu nhưng với sự đồng lòng nhất trí chúng ta sẽ đẩy lùi được đại dịch Covid-19, hướng tới những ngày tháng tốt đẹp hơn. Tôi cũng xin chúc các văn nghệ sĩ truyền được cảm hứng sáng tác trong giới để chúng ta có thể sáng tác được nhiều tác phẩm, những công trình hay hơn nữa, xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân trong một mùa Xuân mới với những điều kiện mới, bên cạnh những thách thức và khó khăn.

Nhà văn Khuất Quang Thụy – Tổng Biên tập Báo Văn nghệ: Tết an toàn qua online

Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì việc hi sinh bớt niềm vui của mỗi người là điều hết sức cần thiết. Khi đó chúng ta sẽ tìm niềm vui trong việc nỗ lực cùng nhau vượt qua khó khăn về kinh tế, rút ngắn khoảng cách bằng các phương tiện công nghệ, giải quyết khó khăn về tài chính trong mỗi gia đình bằng cách tiết kiệm chi tiêu. Tôi luôn mang trong mình niềm hy vọng năm tới dịch bệnh sẽ giảm và Tết sang năm sẽ trở lại bình thường.

Theo tôi, phong vị Tết năm nay sẽ không bị mất đi, nó chỉ thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, vì thế việc hi sinh một chút niềm vui ngày Tết để tất cả chúng ta được an toàn và sớm đi qua đại dịch là rất cần thiết. Mọi năm, đến ngày giáp Tết (28, 29 tháng Chạp âm lịch) gia đình tôi và con cháu đều về quê để đoàn tụ cùng người thân. Thế nhưng năm nay có lẽ sẽ chỉ có một số người về quê. Các gia đình nhỏ sẽ chia nhau tự đón Tết và chúc mừng năm mới online.

Họa sĩ Nguyễn Minh Hồng: Phong vị truyền thống sẽ không mất đi

Theo tôi Tết năm nay sẽ là một cái Tết khó khăn hơn mọi năm. Những hoạt động truyền thống như đi thăm nhau, mặc quần áo đẹp ra phố… có lẽ sẽ hạn chế hơn so với những năm chưa có sự xuất hiện của dịch Covid-19. Trải qua những đợt giãn cách, tôi dành thời gian ở nhà nhiều hơn và tập trung vào sáng tác. Những năm trước mọi người thường hay đi chơi vào dịp Tết thì đây là dịp để tình thân gia đình gần gũi hơn, nếp sống gia đình của người Việt được thể hiện rõ hơn.

Tết năm nay cũng là năm thứ hai chúng ta sống trong đại dịch Covid-19 vì thế mọi người cũng đã dần thích nghi. Hiện nay gần như mọi người đã tiếp cận được với công nghệ. Chính vì thế Tết online sẽ có thể dễ dàng và an toàn hơn trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp. Nếu như trong trường hợp mọi người không thể đến nhà nhau gửi trực tiếp những lời chúc tốt đẹp hay đầu năm đi vãn cảnh, lễ chùa… mà thay vào đó là những lời chúc qua điện thoại, tìm niềm vui trên các nền tảng công nghệ số thì theo tôi phong vị truyền thống cũng sẽ không bị mất đi.

Diễn viên Thu Quỳnh, Nhà hát Tuổi Trẻ: Hãy trân trọng những gì đang có

Thu Quỳnh là người luôn coi trọng Tết truyền thống bởi đây là dịp mọi người trong gia đình gạt mọi công việc để gặp gỡ, sum vầy bên nhau. Thế nhưng 2 năm nay, do dịch bệnh nên ngày Tết đang bị hạn chế rất nhiều. Với gia đình Thu Quỳnh đây cũng là năm thứ 2 đón Tết mà không có đầy đủ các thành viên. Tuy vậy, Thu Quỳnh thấy với Tết cổ truyền thì mỗi gia đình dù trong hoàn cảnh nào vẫn giữ được phong vị thiêng liêng vốn có. Không được đến nhà nhau chúc tụng, không tụ tập bạn bè nhưng mọi người vẫn có thể gửi đến nhau thật nhiều tình yêu thương.

Dịch bệnh khiến mọi thứ thay đổi quá nhiều và tất cả chúng ta đều phải thích nghi, thay đổi để cuộc sống cùng tốt lên. Cũng như mọi năm, năm nay Thu Quỳnh và con trai sẽ đón Tết cùng ông bà ngoại, cùng nhau sắm sửa, dọn dẹp, trang trí, quây quần bên mâm cơm Tết và gọi điện thoại cho người thân để cùng đón giao thừa. Vẫn vui và ấm áp! Chúng ta đã cùng nhau trải qua 2 năm dịch bệnh, có nhiều những mất mát nhưng điều còn lại cần phải được trân trọng.

Nhà văn Ann Dan: Tết mùa Covid cho ta sự thay đổi

Dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống của chúng ta thay đổi rất nhiều. Cùng với những xa cách, mất mát thì đồng thời nó cũng khiến mọi người biết trân trọng cuộc sống, tình thân, công việc và cả hơi thở. Chưa bao giờ mọi thứ trở nên mong manh đến vậy. Tết cũng vậy, mặc dù Tết nay đã khác xưa. Thay vì có những bữa ăn ấm cúng, những cuộc trò chuyện thân tình thì chúng ta đang bị trói chặt với những màn chào hỏi, những mâm cỗ đủ lễ nghi nhưng lại thiếu thân tình.

Tôi nghĩ, bớt lại một chút cũng tốt, đơn giản hơn một chút cũng hay, chân thành và gắn kết là được. Biết đâu, đây lại là một cú “hích”. Ở nhà, bày biện đơn giản vì gia đình không có quá nhiều người và dành nhiều thời gian cho con hơn. Với cá nhân tôi một năm đã bị “trói chặt” với công việc rồi, đây là lúc mình được “lười biếng” một chút. Trong nguy luôn có cơ. Chúc cho mọi người tìm thấy cơ hội trong khó khăn để chuyển mình mạnh mẽ, hạnh phúc.

Nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc: Tết online sẽ mang lại dấu ấn và giá trị riêng

Chúng ta đang chuẩn bị đón một cái Tết Nguyên đán lần thứ 2 trong trạng thái sống chung với dịch Covid-19 và theo tôi thì mỗi người Việt đã chuẩn bị với tâm lý đó. Có lẽ mỗi người, mỗi một gia đình sẽ đón Tết theo cách riêng. Tôi nghĩ là dịch bệnh Covid-19 sẽ làm cho Tết truyền thống của chúng ta kém phong vị đi. Nhưng đó cũng là lúc mình được đón Tết ở nhà và dành nhiều thời gian cho gia đình, gửi những lời chúc Tết online đến với những người thân yêu. Tôi nghĩ đó cũng là một giá trị riêng của Tết truyền thống. Hy vọng bước sang năm 2022, có thể là một năm đánh dấu sự khởi sắc cho toàn nền kinh tế và hy vọng đến Tết năm sau nữa mọi thứ sẽ thay đổi, dịch bệnh sẽ qua nhanh và cuộc sống trở lại bình thường.

Ca sĩ Việt Tú: Tết trong hoàn cảnh mới vẫn sẽ vui và trọn vẹn

Thoắt một cái Tết lại cận kề, những ngày cuối năm ai cũng hối hả, cố gắng tranh thủ hoàn thành được công việc trong tình hình dịch Covid-19 vẫn đang rất căng thẳng và phức tạp ở trong nước cũng như trên thế giới. Một năm đầy biến động sắp trôi qua, ai cũng chỉ mong bước sang năm mới sẽ có nhiều sự thay đổi tích cực, khởi sắc hơn. Tuy nhiên có một điều chắc chắn đó là Tết năm nay cũng sẽ giống như năm ngoái, không được tụ tập đông người, hạn chế tiếp xúc với người lạ, không thăm hỏi, chúc tụng nhau, hay là cũng không còn không khí nhộn nhịp đi lễ chùa cầu may mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Tết cổ truyền mà mất đi những nét văn hoá truyền thống như vậy thì buồn lắm. Bởi Tết là đoàn viên, là cơ hội để những người thân, họ hàng, bạn bè xa lâu ngày được gặp nhau tay bắt mặt mừng để chúc cho nhau những điều tốt đẹp, thì nay lại phải hạn chế gặp mặt, chỉ được nghe giọng của nhau qua những chiếc smartphone, đọc những lời chúc qua những tin nhắn trên mạng xã hội. Vẫn là những lời chúc, lời thăm hỏi nhưng cảm giác thật xa cách.

Với người Việt Nam chắc chắn ai cũng muốn có tất cả những nét văn hoá truyền thống được diễn ra đầy đủ trong những ngày Tết. Cả nhà đoàn tụ, con cháu quây quần, trẻ con khoe áo mới, phong bao lì xì, người lớn chúc nhau sức khoẻ, tài lộc và bình an, tiếng cười nói râm ran vang khắp mọi nhà. Nhưng, dịch bệnh vẫn đang diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng, nếu như chúng ta chủ quan, không tuân thủ nghiêm ngặt những quy định và khuyến cáo từ Chính phủ và Bộ Y tế thì sẽ rất khó để cho người dân có lại được những hương vị Tết và phong tục đón Tết truyền thống vốn có của dân tộc từ xưa tới nay. Bản thân Tú cũng sẽ luôn cùng các thành viên trong gia đình mình nghiêm chỉnh tuân thủ 5K, cố gắng động viên mọi người nâng cao ý thức để cùng chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh. Có như vậy thì dù đón Tết trong hoàn cảnh mới, tâm thế mới sẽ vẫn vui và trọn vẹn.

NSƯT Quang Khải, Phó trưởng đoàn thể nghiệm, Nhà hát Cải lương Việt Nam: Một cái Tết dành cho gia đình

Tết Nguyên Đán 2022 – Nhâm Dần có lẽ sẽ là năm thứ 2 người Việt Nam sẽ phải đón một cái Tết thật khác. Khác là sẽ không được tụ tập đông người, không đi lễ chùa hay đến nhà nhau chúc tụng mà thay và đó là Tết online hoặc chỉ diễn ra trong căn nhà của mình. Năm nay chúng ta không gặp gỡ người thân, bạn bè hay đi lễ chùa cầu bình an thì hãy cùng gia đình nhỏ của mình chăm sóc sức khỏe, dành thời gian nhiều hơn cho bố mẹ, vợ con, anh chị em cùng đón Tết Nguyên đán trong tình yêu của gia đình, một cái Tết trong sự bình an.

Nhân dịp đầu Xuân mới, tôi xin cầu chúc mọi người luôn có sức khỏe để có thể chăm sóc, yêu thương người thân của mình. Cầu bình an đến mọi nhà, mọi điều tốt đẹp sẽ đến với tất cả mọi người. Mong rằng năm 2022 đại dịch sẽ qua đi để tất cả chúng ta được sống trong thế giới bình an, không còn dịch bệnh, để tất cả các nghệ sĩ được cống hiến tài năng nghệ thuật của mình, góp phần làm cho xã hội được vui vẻ, hạnh phúc hơn.

Trong tâm thức người Việt, Tết không chỉ là tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới mà còn mang đậm nét tâm linh, tín ngưỡng. Ngày đầu năm mới, trong chồi non lộc biếc, hương Xuân ngan ngát khắp không gian, mọi người thường đến đền, chùa để cầu phúc, cầu may mong một năm mới tràn đầy an lành, hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm phong vị Tết thời Covid

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO