Như đã đưa tin, ngày 2/4, Lễ đón bằng UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại sẽ được tổ chức tại Quần thể di tích Phủ Dầy (Nam Định). Tuy nhiên vẫn còn đó những băn khoăn về tình trạng biến tướng của nghi lễ hầu đồng và sự trục lợi từ di sản.
Thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. (Ảnh: Ngọc Thành).
Tránh lãng phí
Bộ VHTT&DL vừa công bố dự thảo Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (giai đoạn 2017 – 2020) và quy định để “lên đồng” không bị biến tướng.
Cụ thể, trong thời gian tới sẽ quy định thống nhất về trang phục hầu đồng, đồ cung tiến, vàng mã… để tránh hiện tượng lãng phí tiền của vào đồ lễ (thông qua đó là việc trục lợi cá nhân) trong các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu; Tuyên truyền, phổ biến để chính các thầy đồng hiểu được những giá trị nhân văn cao đẹp và bản sắc văn hóa trong Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mà UNESCO đã ghi nhận. Những thầy đồng cần giữ phẩm chất của một tín đồ Thờ Mẫu, có tâm, có đức, không “phán truyền” cho các con nhang đệ tử, không lợi dụng kiếm lợi, không lôi kéo và xúi giục những người khác thực hiện những hành vi mê tín dị đoan; Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về di sản văn hóa phi vật thể nói chung và Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói riêng để cộng đồng, công chúng có thông tin đầy đủ, hiểu biết khoa học về di sản, về sự vinh danh của UNESCO.
Từ đó, những người thực hành sẽ chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn và kế thừa, phát huy di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu một cách đúng đắn...
Còn nhiều băn khoăn
Tuy nhiên, xung quanh những quy định, quy chuẩn nói trên vẫn còn đó những băn khoăn. Về vấn đề thống nhất trang phục, GS.TS Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa- nghệ thuật quốc gia cho rằng: Việc thống nhất cần có những thảo luận trong cộng đồng người hát văn để được chấp thuận. Cần phải phân biệt rõ 3 đối tượng là chủ thể sáng tạo, người thực hành và khách thể. Bộ VHTT&DL cần có sự thảo luận với cộng đồng để có những quy định rõ ràng.
Bên cạnh đó, những nhằm giảm những biến tướng của nghi lễ hầu đồng, GS. Nguyễn Chí Bền cũng cho rằng việc này chắc chắn có nếu cộng đồng không hiểu rõ giá trị của tín ngưỡng, các nhà quản lý không cương quyết, các nhà khoa học không bắt tay cùng các nhà quản lý. Cùng với đó, có một việc phải làm đó là tổ chức sinh hoạt cho chính bản thân các ông đồng, bà đồng. Vì có nhiều người năm nào cũng hầu đồng, cũng diễn xướng… nhưng họ có hiểu cái đó có ý nghĩa như thế nào. Thậm chí, có nhiều cung văn đi hát văn chầu cho người ta hầu còn hát sai thì làm sao mà giữ gìn di sản.
Đồng quan điểm, GS.TS Từ Thị Loan- Quyền Viện trưởng Viện Văn hoá - nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng cho rằng, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ phủ của người Việt, đặc biệt là hầu đồng phải gắn với môi trường tâm linh, không gian linh thiêng. Người ta thường hầu đồng ở những đền, điện, phủ thờ hoặc trong không gian mang tính linh thiêng. Chuyện mang hầu đồng ra biểu diễn ở hội chợ, đám tiệc hoặc mang tính mua vui là làm cho tín ngưỡng này bị biến tướng.
Theo GS. Từ Thị Loan, tất cả các nhà nghiên cứu văn hoá, nhà khoa học, đồng đền thủ nhang, thanh đồng đạo quan cho đến những người theo đạo Mẫu đều rất phản đối hành động này. Họ cho đó là hành động báng bổ thần thánh, làm méo mó tín ngưỡng hầu đồng, làm hoen ố nét đẹp vốn có của đạo Mẫu. Đây cũng được xem là một hình thức lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi. “Về lâu về dài tôi nghĩ cũng cần phải có những chế tài cụ thể để xử lý nghiêm những hành động lợi dụng tín ngưỡng trục lợi hoặc làm biến tướng di sản đã được nhân loại vinh danh như tín ngưỡng Tam - Tứ phủ”- bà Loan bày tỏ.
Trước những băn khoăn về sự biến tướng của nghi lễ hầu đồng, ông Phạm Định Phong- Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, thời gian tới, Bộ VHTT&DL sẽ đưa ra các quy định, chế tài để ngăn chặn chuyện trục lợi trên di sản, cũng như có đề án để bảo tồn di sản. Cùng với Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản sắp được ban hành, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về di sản nói chung và di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” nói riêng sẽ được đẩy mạnh để công chúng có những trí thức, hiểu biết khoa học về di sản. Từ đó, những người thực hành sẽ chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy, kế thừa và phát triển di sản này một cách đúng đắn.