Tìm trợ lực cho xuất khẩu gỗ

M.Phương 12/06/2023 08:00

Theo nhận định của giới chuyên gia, tình hình xuất khẩu của ngành hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ trong năm nay sẽ còn nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ yếu của những thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và sự cạnh tranh từ các thị trường.

Đơn hàng sụt giảm, gỗ xuất khẩu đối diện nhiều khó khăn.

Thông tin từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) trong 5 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,7 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, sản phẩm gỗ chế biến sâu giảm tới 38%. Hiện nay, chỉ còn một số mặt hàng như gỗ dán, ván sợi, ván bóc, dăm gỗ, viên nén còn tăng trưởng dương.

Nguyên nhân là do các doanh nghiệp (DN) đều trong cảnh khan hiếm đơn hàng, thậm chí nhiều DN không có đơn hàng xuất khẩu nên dự kiến năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt tương đương năm 2022.

Tại nhiều thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, EU, sức tiêu thụ rất yếu. Tại Mỹ, những yếu tố kém khả quan về bất động sản và nhà ở khiến nhiều DN xuất khẩu gỗ Việt Nam gặp khó do nhu cầu tiêu thụ giảm. Trong đó, chỉ số nhu cầu nhà ở trong tháng 2-2023 giảm đến 48,1% so với cùng kỳ, giá ván ép chỉ dao động từ 410-415 USD/tấm. Nhiều DN có doanh thu xuất khẩu sụt giảm từ 10-15% so với năm 2022.

Với thị trường EU, tình hình xem ra còn khó khăn hơn. Năm 2023, kinh tế EU được dự báo chỉ tăng trưởng 0,5%, so với mức tăng trưởng 2% của năm 2022, lạm phát vẫn ở mức cao khoảng 7%. Điều này tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng, đồng thời gây khó khăn cho các quốc gia xuất khẩu hàng hoá vào EU, trong đó có Việt Nam. EU sẽ tiếp tục giảm nhu cầu nhập khẩu do những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp.

Đáng chú ý, các quy định mới liên quan đến hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này cũng tạo thêm trở ngại cho các DN xuất khẩu sản phẩm gỗ tới EU. Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, đầu năm 2023, EU đã thông báo lịch trình cho Kế hoạch đưa ra quy định về trách nhiệm đến hạn. Trong đó, yêu cầu tất cả các đối tác xuất khẩu vào EU tập trung nhiều hơn vào vấn đề môi trường, lao động. EU cũng dự kiến đưa ra chính sách về chống phá rừng, cân bằng chuyển đổi cacbon… quy định này liên quan trực tiếp tới nhiều mặt hàng đồ gỗ nội thất.

Mặc dù các DN xuất khẩu tới EU được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp chuẩn, yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ… mà phía EU đặt ra là những vấn đề không hề đơn giản.

Theo Viforest, quy định mới của Ủy ban châu Âu (EC) là muốn dùng động lực thị trường nhằm thúc đẩy cơ quan công quyền và người dân, DN các nước có trách nhiệm hơn nhằm góp phần làm giảm mất rừng và suy thoái rừng. Các sản phẩm nội, ngoại thất hoặc các loại ván công nghiệp là các mặt hàng bị điều tiết bởi quy định này. Vì vậy, Viforest lưu ý, với quy định mới này sẽ khiến các DN xuất khẩu gỗ sẽ có thêm nhiều việc phải làm. Đặc biệt là DN phải tăng cường thực hiện trách nhiệm giải trình và phải truy xuất nguyên liệu gỗ mà DN sử dụng.

Để trợ lực cho DN ngành gỗ lúc này, Chủ tịch Viforest – ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị, các bộ, ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu quảng bá về các hội chợ đồ gỗ quốc tế tại Việt Nam; cung cấp các thông tin và hỗ trợ các DN Việt Nam tham gia các hội chợ đồ gỗ quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ cho các DN ngành gỗ trong việc mở công ty, văn phòng đại diện, cửa hàng ở các thị trường tiềm năng. Đây là nền tảng cơ bản cho việc phát triển thị trường.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cả nhà quản lý và DN cần hướng đến những giải pháp tối ưu về thị trường, tìm kiếm thị trường thay thế hoặc bổ sung trong bối cảnh nhiều thị trường truyền thống xuất khẩu gặp khó khăn. Cùng với đó là các giải pháp để tạo điều kiện cho các DN tiếp cận được nguồn vốn vay một cách thuận lợi nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm trợ lực cho xuất khẩu gỗ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO