Kinh tế

Tín dụng chảy mạnh vào lĩnh vực nào?

H.Hương 09/07/2025 09:06

Tính tới ngày 30/6, tín dụng toàn hệ thống tăng gần 10%, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2024 với lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế rất lớn. Để kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng 8% trong năm nay và tăng hai chữ số trong các năm tiếp theo, tín dụng là một động lực không thể thiếu.

Vốn là mạch máu của nền kinh tế

Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm diễn ra sáng 8/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 30/6, tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024.

Đánh giá về con số tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng đây là mức tăng trưởng cao, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2024 với lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế rất lớn.

tren.jpeg
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà chủ trì cuộc họp báo ngày 8/7. Ảnh: SBV

Theo ông Quang, vốn chính là mạch máu của nền kinh tế nên để kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng 8% trong năm nay và tăng hai chữ số trong các năm tiếp theo, tín dụng là một động lực không thể thiếu.

Ông Quang cũng cho biết với mục tiêu lạm phát năm nay khoảng 4,5%, cao hơn so với năm 2024 nên NHNN cũng có nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, cùng với thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hệ thống ngân hàng cũng luôn lưu ý việc kiểm soát nợ xấu, đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, bám sát mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2025 do Quốc hội và Chính phủ đề ra, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm. Đồng thời, NHNN thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thúc đẩy tăng trưởng đi đôi với đảm bảo an toàn tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Đồng thời, ngành ngân hàng tích cực triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP (quy mô hiện là 145.000 tỷ đồng); Chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho vay đầu tư hạ tầng, công nghệ số nhằm thực hiện các dự án trọng điểm/quan trọng quốc gia…

Số liệu của NHNN cho thấy, tín dụng với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng hơn 23%, lĩnh vực xây dựng chiếm 5,53%, bán buôn bán lẻ chiếm 23,74%, kinh doanh bất động sản chiếm 18,47%...

Về lãi suất cho vay, trong những tháng còn lại của năm, Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho hay, nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều bất định.

Đơn cử, đầu giờ sáng 8/7 (giờ Việt Nam), Mỹ đã công bố mức thuế 25-40% đối với 14 quốc gia, hiệu lực từ 1/8, đồng thời cảnh báo sẽ tăng thuế nếu như các quốc gia này trả đũa. Bên cạnh đó, dù lạm phát đã giảm về gần mục tiêu, vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại...

Trước bối cảnh này, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Trong đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo TCTD tiết giảm chi phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và các giải pháp nhằm hạ lãi suất cho vay. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, điều hành tỷ giá linh hoạt và kết hợp các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ.

NHNN cũng sẽ điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, đồng thời chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, ưu tiên lĩnh vực sản xuất kinh doanh...

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025, đẩy mạnh xử lý nợ xấu và tăng cường biện pháp phòng ngừa phát sinh nợ xấu mới.

Giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới

Về quản lý thị trường vàng, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, trong những tháng đầu năm 2025, do nhiều nguyên nhân khách quan tác động, giá vàng thế giới liên tục phá vỡ mức kỉ lục.

Trong nước, giá vàng miếng SJC diễn biến cùng chiều với giá thế giới. Với những giải pháp đồng bộ của NHNN và sự phối hợp tích cực của các cơ quan chức năng, cho đến đầu tháng 4/2025, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới đã được kiểm soát trong biên độ phù hợp.

Mở cửa phiên giao dịch ngày 8/7, các thương hiệu DOJI, SJC, PNJ đồng loạt niêm yết ở mức 119 - 121 triệu đồng/lượng. Riêng Phú Quý và Bảo Tín Minh Châu đều đứng yên, lần lượt niêm yết ở mức 117,8 – 120,5 triệu đồng/lượng và 118,5 – 120,5 triệu đồng/lượng.

Trong chỉ đạo mới nhất tại Công điện số 104 về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu NHNN tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng phù hợp, kịp thời, hiệu quả; khẩn trương trình Chính phủ nghị định sửa đổi Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trước ngày 15/7.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tín dụng chảy mạnh vào lĩnh vực nào?