Chương trình thí điểm cho vay sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã tạo điều kiện cho một số DN đầu mối thực hiện các mô hình liên kết, thúc đẩy xu hướng mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm một cơ sở sản xuất
công nghệ cao hưởng lợi từ chương trình.
Để thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu việc triển khai rộng rãi chính sách bảo hiểm nông nghiệp để tạo điều kiện cho ngân hàng, DN trong triển khai các dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Phương thức mới, hiệu quả cao
Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo mới nhất trong tháng 7/2016 gửi Thủ tướng Chính phủ về tổng kết tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 14 ngày 5/3/2014 của Chính phủ về chương trình cho vay thí điểm phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết số 14 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định số 1050/QĐ-NHNN về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp trong thời hạn 2 năm, với nhiều cơ chế cho vay đặc thù như lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1- 1,5%/năm.
Đặc biệt, NHNN cho biết trong quá trình triển khai dự án, một số NHTM đã áp dụng mức lãi suất thấp hơn nữa để hỗ trợ dự án với lãi suất ngắn hạn là 5,4%/năm, trung và dài hạn là 9%/năm.
Những mô hình liên kết theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ có thời gian vay trên 12 tháng (nhưng không quá 18 tháng), mỗi khâu (sản xuất, chế biến, tiêu thụ) đều dưới 12 tháng và khách hàng cam kết trả một phần nợ sau mỗi khâu của chuỗi thì NHTM xem xét áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn. Trường hợp khách hàng không có đủ tài sản đảm bảo, NH có thể cho vay không tài sản đảm bảo trên cơ sở kiểm soát dòng tiền.
Liên Bộ đã lựa chọn 28 doanh nghiệp (DN) tại 22 tỉnh, thành phố để thực hiện 31 dự án sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao. Các DN này là đại diện tiêu biểu cho 8 ngành nghề sản xuất nông nghiệp (lúa gạo, nuôi trồng chế biến thủy sản, đánh bắt thu mua chế biến và tiêu thụ thủy sản, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chè, rau an toàn, mía đường, sản xuất mủ cao su, lạc, tinh bột sắn, ngô).
Khi bắt đầu triển khai chương trình từ năm 2014, 8 NHTM cam kết tài trợ tín dụng cho 28 doanh nghiệp với số tiền hơn 5.627 tỷ đồng. Tới nay, các NHTM đã giải ngân cho vay 22/28 DN để thực hiện 22/31 dự án với số tiền 7.333,73 tỷ đồng, cao hơn mức cam kết 1.700 tỷ đồng do có 4 doanh nghiệp được liên bộ phê duyệt mở rộng quy mô sản xuất so với dự án ban đầu. Hiện dư nợ còn 915,84 tỷ đồng, trong đó dư nợ ngắn hạn là 807 tỷ đồng, dư nợ dài hạn là hơn 107 tỷ đồng.
Cụ thể, các NHTM đã giải ngân cho 10 dự án chuỗi liên kết sản xuất nông sản xuất khẩu đạt 5.767 tỷ đồng, chiếm 78,64% tổng số tiền giải ngân của Chương trình; giải ngân cho 11 dự án liên kết sản xuất nông sản đạt 1.462,05 tỷ đồng, chiếm 19,94% tổng số tiền giải ngân. Còn lại là 104,3 tỷ đồng giải ngân cho 1 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 1,42% tổng số vốn giải ngân.
NHNN cũng cho biết trong 28 DN được phê duyệt tham gia chương trình thì 6 DN không vay vốn NH theo Chương trình, trong đó có 2 DN (Công ty CP giống cây trồng Điện Biên, Công ty TNHH MTV lương thực Vĩnh Lộc tỉnh Bạc Liêu) muốn vay lãi suất thấp hơn của chương trình, 3 DN sử dụng vốn tự có và vay được USD có lãi suất thấp hơn của chương trình (Tổng công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An, Công ty TNHH Việt Hưng tỉnh Tiền Giang, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông tỉnh Thanh Hóa), 1 DN xin hoãn triển khai dự án để tập trung cho dự án khác (Công ty sữa TH).
Ngoài ra, 1 DN (Tổng công ty khoáng sản thương mại Hà Tĩnh) được phê duyệt 3 dự án nhưng 2 dự án chưa vay được vốn vì một dự án (trồng rau, củ quả trên đất cát) chưa cần vốn vay và 1 dự án (phát triển bò thịt chất lượng cao) bị NHTM từ chối cho vay do DN chưa chứng minh được tính khả thi và hiệu quả đầu tư dự án.
Đánh giá về chương trình thí điểm này, NHNN, các doanh nghiệp, NHTM và chính quyền các địa phương nhấn mạnh đã tạo điều kiện cho một số DN đầu mối thực hiện các mô hình liên kết, thúc đẩy xu hướng mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho cả DN đầu mối, người nông dân và NHTM.
Với các NHTM đây là hình thức cho vay mới giúp NH kiểm soát dòng tiền tốt hơn thông qua cam kết của các bên trong chuỗi sản xuất và phát triển các dịch vụ ngân hàng khác. Với DN đầu mối có điều kiện ổn định được nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng, được đảm bảo về nguồn vốn triển khai mô hình sản xuất với lãi suất hợp lý, tăng hiệu quả kinh tế.
Đối với các hộ nông dân khi tham gia sản xuất theo chuỗi được DN bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch với giá cả ổn định, được cung cấp vật tư, nguyên liệu đầu vào với chi phí thấp hơn thị trường, được tư vấn kỹ thuật nuôi trồng, hạn chế rủi ro dịch bệnh, thuận lợi hơn trong tiếp cận và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm trong nước và thế giới.
Trong hội nghị của NHNN đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết 14 của Chính phủ tổ chức hồi tháng 3/2016, lãnh đạo các DN tham gia chuỗi liên kết và lãnh đạo một số địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất nước cho biết nông dân cắt giảm chi phí sản xuất được từ 500- 1.000 đồng/kg cá tra, cho thu nhập cao gấp 2 lần những hộ ngoài liên kết.
Đặc biệt, sự linh hoạt ở dự án là tất cả dòng tiền hoạt động trong chuỗi liên kết đều không sử dụng tiền mặt. Người dân không phải giữ tiền mặt mà được mở tài khoản, giao dịch qua NHTM để thanh toán tiền mua giống, mua thức ăn nuôi cá. Doanh nghiệp thanh toán tiền mua cá cho người dân qua tài khoản xuất khẩu thu tiền từ nước ngoài…
NHNN nhấn mạnh vốn tín dụng đã góp phần hoàn thiện một số mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp như: Mô hình đầu tư chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu Antesco ở An Giang, mô hình liên kết dọc cá tra Tafishco ở An Giang, mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra của nhóm công ty Hùng Cá ở Đồng Tháp, mô hình liên kết sản xuất lúa của công ty TNHH Cường Tân ở Nam Định,…
Hoàn thiện chính sách, pháp luật để phát huy hiệu quả tín dụng
NHNN cho biết việc triển khai thí điểm đã giúp cơ quan này có thêm cơ sở thực tiễn, đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp. Thực tế, một số DN thuộc chương trình thí điểm đã chuyển sang vay theo Nghị định 55 khi kết thúc thời gian thí điểm.
Tuy nhiên, NHNN lo ngại việc phá vỡ cam kết của các bên trong chuỗi sản xuất khi thực hiện cho vay theo Nghị định 55 này sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho đối tác liên kết và các NHTM; chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa đi vào cuộc sống không tạo ra sức hút DN đầu tư sản xuất theo chuỗi,…
Để thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu việc triển khai rộng rãi chính sách bảo hiểm nông nghiệp để tạo điều kiện cho ngân hàng, DN trong triển khai các dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Bộ NN&PTNT sớm sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo điều kiện cho việc triển khai các dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu và có giải pháp thúc đẩy việc ký kết và đảm bảo việc thực hiện hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và người dân, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất quy mô lớn nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.