Năm 2024 là một năm thành công của điện ảnh Việt với nhiều bộ phim đạt doanh thu phòng vé hàng trăm tỷ đồng, cùng với những đề cử uy tín tại một số Liên hoan phim quốc tế… Đó là động lực để kỳ vọng vào sự vươn mình mạnh mẽ của nền điện ảnh nước nhà trong năm 2025.
Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu cho ngành công nghiệp điện ảnh là doanh thu toàn ngành đạt 250 triệu USD (khoảng 6.350 tỷ đồng), trong đó phim Việt Nam đóng góp khoảng 125 triệu USD (khoảng 3.170 tỷ đồng) vào năm 2030.
Một năm bùng nổ
Tính đến hết ngày 1/12, tổng doanh thu rạp chiếu năm 2024 đã đạt con số 4.418 tỷ đồng, dựa trên thống kê từ nền tảng Box Office Vietnam. Năm 2019, con số này đạt hơn 4.100 tỷ đồng, trở thành kỷ lục của phòng vé tại Việt giai đoạn trước đại dịch Covid-19 và cả những năm từ 2020 - 2023. Trong đó, phim “Mai” và “Lật mặt 7: Một điều ước” là 2 bộ phim mang về doanh thu khoảng 1.034 tỷ đồng. Ngoài ra, một số phim Việt khác đạt doanh thu trăm tỷ là “Làm giàu với ma” (128 tỷ đồng), “Ma da” (gần 127,2 tỷ), “Quỷ cẩu” (108,4 tỷ). Hai tác phẩm doanh thu sát nút là “Cám” (96,3 tỷ), “Gặp lại chị bầu” (92,7 tỷ).
Ông Nguyễn Khánh Dương - người sáng lập và vận hành Box Office Vietnam cho biết, tổng doanh thu phòng vé năm 2024 cao nhất từ trước tới nay.
Bên cạnh đó, điện ảnh Việt Nam cũng chứng kiến “Đào, phở và piano” nổi lên như một hiện tượng của dòng phim dùng ngân sách nhà nước với doanh thu 20 tỷ đồng. “Đào, phở và piano” cùng với “Hồng Hà nữ sĩ” và 6 phim hoạt hình khác là những phim đầu tiên trong dự án thí điểm khai thác chiếu rạp thương mại đối với phim nhà nước đầu tư kinh phí của Bộ VHTTDL. Tuy nhiên, cái tên “Đào, phở và piano” nhanh chóng tạo được hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ và tạo nên cơn sốt phòng vé.
Năm 2024 cũng là năm mà vị thế của điện ảnh Việt Nam được khẳng định trên trường quốc tế với nhiều giải thưởng, đề cử uy tín tại một số Liên hoan phim quốc tế, như “Mưa trên cánh bướm” của đạo diễn Dương Diệu Linh xuất sắc nhận 2 giải tại Tuần lễ phê bình phim quốc tế trong khuôn khổ Liên hoan phim Venice lần thứ 81; "Cái giá của hạnh phúc" đoạt nhiều giải thưởng quan trọng tại Liên hoan phim quốc tế Milan...
Theo đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải, năm 2024, điện ảnh Việt Nam đã có nhiều thành công, phản ánh nỗ lực hết mình của các nhà làm phim, các nhà sản xuất, các nhà phát hành phim. Cùng quan điểm, PGS.TS.NGND Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho rằng, năm 2024 điện ảnh Việt Nam đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực cả về nội dung cũng như các hình thức thể hiện. Phim của khối nhà nước cũng như khối tư nhân đều có những tác phẩm để lại dấu ấn rất tốt đối với khán giả. Từ những thành công đó, chúng ta có quyền kỳ vọng hơn nữa vào sự bứt phá của nền điện ảnh nước nhà trong năm 2025.
Phải biết đánh giá đúng thị trường
Mặc dù có những bộ phim thắng lớn nhưng thị trường phim Việt cũng có nhiều phim thua lỗ nặng khi ra rạp như “Trà” của Lê Hoàng đạt 1,61 tỷ đồng, “Biệt đội hot girl” 67,9 triệu đồng; “Đóa hoa mong manh” 430 triệu đồng; “Domino: Lối thoát cuối cùng” 596,7 triệu đồng; “Cu li không bao giờ khóc” 745 triệu đồng… Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, trong đó, một số ý kiến cho rằng, ngoài việc truyền thông kém hiệu quả thì chất lượng nội dung phim yếu, câu chuyện chưa tới, diễn xuất thiếu thuyết phục… Trừ trường hợp “Sáng đèn” chất lượng tốt nhưng lại không thể cạnh tranh về độ nóng của những phim chiếu cùng thời điểm.
Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải cho rằng, doanh thu phòng vé kỷ lục hiện đang tập trung vào một số bộ phim nhất định, được chiếu vào quãng thời gian nhất định là dịp Tết Nguyên đán và dịp nghỉ lễ 30/4 - đây là khoảng thời gian các hệ thống rạp chiếu luôn có chính sách dành nhiều suất chiếu cho các phim Việt.
“Ngoài những thời điểm vàng đó, doanh thu phòng vé của phim Việt vẫn còn khá bấp bênh. Bên cạnh những bộ phim trăm tỷ vẫn còn nhiều phim lặng lẽ rời rạp và thua lỗ nặng. Điều này cũng thể hiện đối với dòng phim độc lập. Tuy đạt những giải thưởng cao ở hạng mục cho các phim đầu tay ở các Liên hoan phim lớn như Cannes, Berlin… nhưng khi ra rạp lại rất im lìm. Vẫn biết rằng dòng phim độc lập có tính thử nghiệm cao nên kén khán giả, tuy nhiên những sự không đồng đều này cũng khiến chúng ta cần lưu tâm hơn” - đạo diễn Bùi Trung Hải chia sẻ.
Lý giải nguyên nhân nhiều bộ phim bị thua lỗ nặng, PGS.TS.NGND Nguyễn Đình Thi cho rằng, hiện nay để tác phẩm điện ảnh đến được với khán giả thì nội dung phải hay và phải có truyền thông tốt. Về nội dung, phải tạo được sự liên kết giữa câu chuyện trên màn ảnh và những gì đang diễn ra trong cuộc sống.
Còn theo đạo diễn Charlie Nguyễn, không có một công thức cụ thể nào để giúp các bộ phim đạt cột mốc doanh thu trăm tỷ. Tuy nhiên, vẫn có những mẫu số chung nhất định giúp tác phẩm chinh phục số đông. Điều quan trọng là các đạo diễn, nhà sản xuất phải biết đánh giá đúng thị trường, thị hiếu khán giả và có chiến lược truyền thông hiệu quả.
Tiếp lực cho điện ảnh
Một số ý kiến cho rằng, ngành điện ảnh Việt Nam cần mở rộng phạm vi và đa dạng hóa để tiếp cận được đa dạng nhóm khán giả. Đạo diễn Bùi Trung Hải đề xuất, cần thiết phải có một chiến lược phát triển điện ảnh nằm trong chiến lược phát triển văn hóa một cách cụ thể, toàn diện, và phải sớm được áp dụng vào thực tế cuộc sống. Cùng với đó, việc nâng cao, đổi mới kỹ năng, nhận thức mang tính chuyên nghiệp cũng rất quan trọng.
“Như cách làm phim của điện ảnh Mỹ mang tính khoa học, phân tích và đồng bộ cao trong tất cả các khâu, từ nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch, quay phim, thiết kế, diễn xuất, âm thanh… và dựa trên phát triển mâu thuẫn, kịch tính. Phương pháp này hướng tới tính đại chúng của điện ảnh như mục đích tất yếu của mỗi bộ phim” - đạo diễn Bùi Trung Hải nói.
Còn theo PGS.TS.NGND Nguyễn Đình Thi, cần có sự thay đổi về cơ chế, đặc biệt cần có những nguồn đầu tư nhiều hơn nữa cho các đơn vị làm điện ảnh. Về phía các nhà sản xuất, hiện nay ngôn ngữ điện ảnh chưa có nhiều sự thể hiện mới, vì vậy mà có những bộ phim rất ăn khách nhưng từ góc nhìn của những người làm nghệ thuật thì chưa thực sự thuyết phục. Trong khi đó những bộ phim có tính nghệ thuật cao lại chưa đến được với công chúng.
“Để có thể đạt được cả hai yếu tố ăn khách và chất lượng nghệ thuật thì cần thay đổi nhiều về hình thức thể hiện và đề tài. Nhiều khi việc lựa chọn đề tài bị phục thuộc vào suy nghĩ mới, lạ nhưng có những đề tài tuy cũ mà lại có yếu tố rất mới. Vấn đề ở đây, những người làm điện ảnh phải có cái nhìn sắc sảo hơn, khi đó mới đưa ra được những tác phẩm chất lượng” - ông Thi nói.
“Tôi nghĩ, cần xây dựng nhiều nguồn kinh phí hơn để hỗ trợ các nhà làm phim. Đó là cách rút ngắn khoảng cách sản xuất, vì nhiều nhà làm phim có thể thực hiện 2 phim trong 3 năm, nhưng có khi 10 năm chưa làm nổi một bộ phim. Điều đó sẽ lãng phí tài nguyên và trí tuệ của nhiều nhà làm phim tài năng. Nếu có nhiều hơn phim Việt tham dự các liên hoan phim thì cơ hội lan tỏa sẽ càng mạnh mẽ. Ngoài ra, có kinh phí cũng sẽ có những bộ phim chất lượng tốt. Đó là con đường ngắn nhất để đưa phim Việt đến với khán giả toàn cầu” - đạo diễn Lương Đình Dũng nói.