Trong khi nhiều mặt hàng nông sản có dấu hiệu sụt giảm xuất khẩu, thì ngành hàng rau quả tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan. Con đường xuất khẩu trái cây của Việt Nam đang ngày càng rộng mở với những “tấm giấy thông hành” có được nhờ sự nỗ lực của nhà quản lý trong việc đàm phán với các đối tác thương mại.
Đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hầu hết các chủng loại rau quả xuất khẩu đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt trong 4 tháng đầu năm 2023. Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là chủng loại quả đạt 920,7 triệu USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Được mùa, được giá
Trong cơ cấu chủng loại quả xuất khẩu chính, chỉ có trái thanh long và chuối là có trị giá giảm trong 4 tháng đầu năm 2023. Tiếp theo là chủng loại sản phẩm chế biến xuất khẩu trong 4 tháng đạt 356,4 triệu USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2022. Chủng loại sản phẩm chế biến luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, ngay cả trong bối cảnh ngành hàng rau quả sụt giảm trong năm 2022. Đây là chủng loại có nhiều tiềm năng xuất khẩu, bởi hiện tại nhu cầu ăn uống của người dân trên toàn thế giới đang tăng sử dụng trái cây, rau củ đã qua chế biến.
Sang tháng 6, xuất khẩu rau quả vẫn tiếp tục khả quan với nhiều mặt hàng vào chính vụ, chất lượng vào giai đoạn tốt nhất. Trong các loại trái cây, sầu riêng là nông sản có sự sôi động nhất khi chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Trao đổi với báo chí về tiềm năng xuất khẩu sầu riêng, ông Lê Minh Trí - Phó Giám đốc HTX Vĩnh Khang, cho biết HTX đã có mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc nên tiêu thụ sầu riêng năm nay thuận lợi, xã viên thắng lớn nhờ sản phẩm được giá. Ngoài 2 giống phổ biến là Ri6 và Monthong, HTX Vĩnh Khang còn trồng sầu riêng Musang King với giá bán khoảng 300.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước, ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước (thị xã Phước Long), cho biết sầu riêng tại khu vực Đông Nam bộ đang vào vụ thu hoạch nhưng giá vẫn tăng từng ngày. “Trong những ngày gần đây, giá sầu riêng mỗi ngày đều tăng 1.000 đồng/kg” - ông Hiếu nói.
Cùng với sầu riêng, vải thiều, mặt hàng này đang vào chính vụ ở miền Bắc và xuất khẩu tốt sang Nhật Bản, Mỹ, Úc… Đặc biệt, thông tin vải thiều không hạt của Việt Nam được xuất khẩu sang Anh, Nhật Bản có giá bán lẻ lên đến khoảng 800.000 đồng/kg được xem là tín hiệu vui cho nông sản Việt.
Ngành thanh long đang đi vào ổn định. Ngoài xuất khẩu trái tươi, còn có chế biến với hơn 10 mặt hàng như: cấp đông, sấy, làm rượu vang, trà, nước ép. Ngoài Trung Quốc, các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Đông… cũng đã ổn định, DN xuất khẩu thường xuyên.
Với ngành hàng dừa, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, cho biết nếu Việt Nam đàm phán mở cửa được 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ (dừa gọt kim cương) giá trị thu về sẽ rất lớn. Bởi dừa là loại quả rất tốt cho sức khỏe và Việt Nam đã có công nghệ bảo quản, thời gian vận chuyển và bán hàng lâu nên có lợi thế.
Theo các DN, rau quả Việt xuất khẩu tăng cao nhờ Trung Quốc tăng thu mua. Đặc biệt, các nghị định thư đã ký với nước này trong năm ngoái đã giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam có nhiều thuận lợi. Năm nay, dù Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng Việt Nam vẫn được ưa chuộng do chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh.
Đa dạng kênh tiêu thụ
Theo đánh giá của giới chuyên gia, bên cạnh Trung Quốc, các thị trường Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản cũng chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng. Vì vậy xuất khẩu trái cây vẫn còn nhiều dư địa nhờ sức tiêu thụ tốt. Tuy nhiên bên cạnh xuất khẩu cần chú trọng phát triển thị trường trong nước.
Thực tế thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), sản lượng trái cây cả nước trong quý II ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, chuối khoảng 460.000 tấn, sầu riêng 300.000 tấn, vải thiều 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn. Ngoài ra, hàng trăm nghìn tấn dứa, xoài, cam, thanh long cũng vào vụ thu hoạch. Điều đáng nói, con số trên sẽ tăng dần trong quý III và quý IV. Sản lượng dự kiến năm nay cả nước là 12,4 triệu tấn trái cây các loại. Như vậy, nguồn cung trái cây trong nước ngày càng dồi dào đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế.
Tại tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để bảo đảm các hoạt động tiêu thụ, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều phương án nhằm kết nối, tìm kiếm và mở rộng thị trường; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm với mục tiêu xuất khẩu, tiêu thụ hơn 18.700 tấn quả các loại, giá trị ước đạt hơn 25,2 triệu USD.
Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương Lương Thị Kiểm, toàn tỉnh hiện có 8.880ha vải với sản lượng ước đạt 60.000 tấn. Hơn 50% sản lượng sẽ phục vụ xuất khẩu đi Nhật Bản, Mỹ, Australia, châu Âu. Số lượng vải còn lại sẽ tiêu thụ tại thị trường nội địa. Chính vì vậy, tỉnh đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, siêu thị, chợ trên địa bàn Hà Nội để phân phối, tiêu thụ, nhất là trong tháng 6 - thời kỳ cao điểm thu hoạch sản phẩm này.
Để hỗ trợ các địa phương tiêu thụ trái cây khi vào vụ thu hoạch Bộ NN&PTNT cho biết, đã có những chỉ đạo theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ. Đồng thời phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch. Các đơn vị cũng tổ chức các hoạt động như: diễn đàn kết nối thúc đẩy xuất khẩu, diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản; tọa đàm phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu tiêu dùng, kết nối tiêu thụ thông qua hệ thống tham tán thương mại, nông nghiệp tại các thị trường. Đặc biệt là kết nối với các chuỗi phân phối bán lẻ trong nước đối với một số mặt hàng có sản lượng lớn khi vào vụ thu hoạch.Bên cạnh đó thúc đẩy các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu cũng là điều kiện quan trọng để tạo đà cho xuất khẩu trái cây Việt Nam.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải chia sẻ: Con đường xuất khẩu trái cây của Việt Nam đang ngày càng rộng mở với những “tấm giấy thông hành” ra thế giới qua các nỗ lực đàm phán không ngừng của nhà quản lý với các đối tác thương mại. Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường không chỉ là nỗ lực của các cơ quan chức năng mà còn cần sự phối hợp từ phía doanh nghiệp trong việc chủ động tìm hiểu thị trường và xây dựng vùng chuyên canh trồng sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng cao từ các thị trường khó tính trên thế giới.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải:
Nhân rộng mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp
Nhiều sản phẩm trái cây của Việt Nam có giá trị xuất khẩu tỷ USD, thị trường xuất khẩu ngày càng rộng mở. Đây là những tín hiệu tích cực cho trái cây Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, nguồn cung dồi dào đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế. Chính vì vậy, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành, địa phương định hướng chính sách, có cơ chế khuyến khích hình thành và nhân rộng mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ gắn với nhu cầu của thị trường, sản xuất theo đúng quy hoạch, số lượng, chất lượng nông sản. Cùng với đó, đầu tư phát triển ngành công nghiệp bảo quản, chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm, thu hút sự tham gia của các chủ thể trong chuỗi giá trị từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh, để góp phần đưa nông sản đi xa hơn và bền vững hơn.