Sự bứt phá mạnh mẽ của các ngành chủ lực, nổi bật là thủy sản và dệt may đang tạo kỳ vọng mới về đà tăng trưởng mạnh mẽ cho các ngành xuất khẩu nói chung.
Báo cáo về quan điểm đầu tư tháng 4/2022 của bộ phận nghiên cứu Công ty chứng khoán NVT Viet Nam có chỉ ra 2 ngành “tiêu điểm” là thuỷ sản và dệt may. Cụ thể, với ngành thuỷ sản, đứt gãy chuỗi cung ứng làm gia tăng chi phí vận chuyển (thiếu hụt container, giá cước vận tải tăng) khiến cho giá thủy sản xuất khẩu liên tục tăng. Giá cá tra tháng 4 tăng từ 25-45%, tùy chủng loại so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, xu hướng giá này sẽ duy trì trong quý II và đầu quý III/2022 do nhu cầu nhập khẩu cao từ các thị trường trọng điểm như Mỹ, Trung Quốc. Không những vậy, giá cá tra nguyên liệu và chi phí chăn nuôi tăng cũng thúc đẩy giá bán tăng cao hơn.
Trong quý 1/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường chính khá mạnh mẽ: thị trường Mỹ tăng 42%, Trung Quốc tăng 77%, EU tăng 37%.
Với dệt may, trong bối cảnh Mỹ, EU cấm nhập khẩu bông nguyên liệu sản xuất tại Tân Cương (Trung Quốc), cùng với đó, diễn biến dịch Covid-19 tại Bangladesh và Myanmar còn rất phức tạp, ngành dệt may Việt Nam đã nắm bắt thời cơ rất kịp thời, liên tục mở rộng chiếm lĩnh thị phần mà các đối thủ để lại.
Đối với thị trường Mỹ (chiếm 49% xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2021), trong khi thị phần của Trung Quốc giảm mạnh xuống 26%, Bangladesh và Ấn Độ đi ngang thì Việt Nam đã nâng được thị phần trở lại như giai đoạn trước dãn cách lần thứ 4 (khoảng 14%). Vì vậy, các phân tích của NVT Viet Nam kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp diễn trong 2022 không chỉ ở Mỹ mà còn ở các thị trường Việt Nam có lợi thế về thuế quan nhờ các hiệp định thương mại như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,…Kết quả quý I/2022 xuất khẩu dệt may đạt 8,84 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ là minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ của toàn ngành.
Cùng với hai mảng xuất khẩu chủ lực nêu trên, Việt Nam hiện vẫn duy trì xuất siêu trong bối cảnh tỷ giá duy trì ổn định. Đặc biệt, trong quý 1/2022 có 15 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered, nhận định rằng, Việt Nam vẫn tiếp tục là một trung tâm sản xuất và một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu mặc cho những thách thức liên quan đến căng thẳng địa chính trị và tình hình dịch bệnh. “Đặc biệt Việt Nam tiếp tục là một trung tâm sản xuất của khu vực trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may và da giày”, ông Tim Leelahaphan nhấn mạnh.
Ông Phan Thành Nguyễn, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế doanh nghiệp (đại học RMIT) lưu ý, các DN nhỏ và vừa rất cần có sự đa dạng hóa. Chẳng hạn như nhiều công ty trong ngành khách sạn, du lịch đã đa dạng hóa hoạt động kinh doanh để cứu lấy DN của mình. Hoặc như dịch vụ giao hàng và phương thức bán hàng trực tuyến cũng là những cách phổ biến để tăng doanh thu và duy trì dòng tiền cần thiết. Không chỉ vậy, việc học cách sử dụng các nền tảng trực tuyến khác nhau có thể sẽ là yêu cầu hiển nhiên hơn với nhiều công ty trong tương lai.