Hôm nay, 23 tháng Chạp (âm lịch), theo quan niệm của người Việt, Táo quân - vị thần cai quản việc bếp núc trong nhà, giúp Ngọc Hoàng thượng đế ghi chép việc thiện ác của người đời - sẽ cưỡi cá chép về trời. Bất luận giàu nghèo, bất luận sự phát triển của khoa học công nghệ, mỗi gia đình Việt cho đến tận hôm nay vào ngày này đều sửa soạn một lễ cúng, như giữ gìn một tập tục đẹp, như thứ phép màu niềm tin để sống với sự thành tâm tin rằng vị thần sẽ công tâm thưa lại với ông Trời.
Trải qua dằng dặc thời gian, trong tâm thức người Việt vẫn nguyên vẹn phong tục cúng tiễn đưa ông Táo về Trời ngày 23 tháng Chạp. Mặc định một hình ảnh một vị thần đội mũ cánh chuồn hơi lệch, mặc áo dài nhưng không mặc quần dài, cưỡi trên mình cá chép. Quyền lực của Táo quân nằm ở tờ sớ để về trình tấu với Ngọc Hoàng…
Ngay cả cái sự tích ra đời Táo quân cũng vừa hoang sơ vừa nhân bản. Ngọc Hoàng thượng đế vì thương tình 3 con người tình nghĩa mà phong cho họ làm Vua Bếp để cùng chung sống với nhau. Mỗi năm cứ đến 23 tháng Chạp âm lịch thì Vua Bếp về Trời để trình tấu với Ngọc Hoàng các chuyện trần gian. Ngày nay, ngay cả khi không còn nấu ăn bằng “thổ Táo” tức cái bếp nặn bằng đất hay cái kiềng 3 chân nữa, người Việt vẫn giữ niềm tin có thần Táo ở trong nhà, giữ phong vị ngày 23 tháng Chạp cúng Táo quân, sắm cá chép để tiễn ông Táo về trời dâng sớ tâu việc trần gian để Thượng đế có cơ sở thưởng phạt công minh đối với loài người.
Đột nhiên, chỉ hình dung thôi cũng đã thấy Tết hẳn sẽ bớt đi phong vị lắm nếu không còn ngày 23 tháng Chạp, sau lễ cúng thì thả cá chép xuống ao, hồ hoặc mang hẳn ra sông. Ngay cả khi sự thực dụng của thời hiện đại khiến phong tục ấy đã xuất hiện mặt trái là đốt mũ áo cho ông Công, ông Táo quá đà, là thả cá chép cũng thả cả túi ni lông… xuống dòng nước thì việc của con người là điều chỉnh hành vi của chính mình, chứ tuyệt nhiên không ai lại đòi bỏ lễ cúng ông Công ông Táo. Những tập tục văn hoá đã tồn tại từ đời này qua đời khác, hẳn không phải là vô cớ. Sức sống lâu bền của nó nằm ở chiều sâu của văn hoá và tâm linh, hướng con người tới chân và thiện.
Thật thú vị bởi vì vị thần vốn được coi như sứ giả của Ngọc Hoàng trong tâm thức dân gian lại gần gũi với con người đến thế. Đấy chính là sức sống mãnh liệt của tín ngưỡng bản địa khi người ta tin rằng mình làm việc gì thì Táo quân cũng thấy, cũng biết. Thần cũng không trừng phạt hay ban thưởng tuỳ thích mà căn cứ vào thái độ của con người. Thậm chí, dân gian cũng tin rằng nếu mình sửa soạn lễ cúng và sắm sửa cho Táo quân về Trời tươm tất hơn thì thần sẽ tâu với Ngọc Hoàng việc tốt còn việc xấu thì nói đỡ cho nhẹ đi…
Niềm tin tâm linh ấy đến ngày nay có thể đã bị biến tướng ít nhiều, khi không ít người thực dụng cho rằng có thể “hối lộ” để Táo biến xấu thành tốt khi trình tấu với Ngọc Hoàng (chương trình Táo quân của Đài Truyền hình Việt Nam rất ăn khách những năm qua đã khai thác rất mạnh yếu tố gần gũi, rất đời của thần Táo và hài hước hoá những sự biến tướng ngày nay).
Nhưng trên tất cả, một phong tục văn hoá vẫn trường tồn. Trong mỗi gia đình, dù vách lá đơn sơ hay trong căn biệt thự sang trọng, người ta vẫn có niềm tin rằng vị sứ giả của Ngọc Hoàng vẫn đang ở đấy, ông Táo vẫn có một vị trí quan trọng. Cái phần còn lại của văn hóa ông cha từ ngàn xưa chứng thực trong tâm hồn mỗi người Việt Nam những gì thuần Việt nhất vẫn luôn được giữ gìn cẩn thận. Người ta vẫn ra hồ, ra sông thả cá chép vàng, níu giữ cảm xúc ấm áp ngày giáp Tết. Đêm nay, 23 tháng Chạp, trong sâu thẳm mỗi chúng ta đều tin rằng ở sân chầu thiên đình, đứng trước Ngọc Hoàng, ông Táo đang tâu về những việc làm tốt đẹp của gia chủ mình mà suốt một năm qua đã từng chứng kiến.
Đó hoàn toàn không phải là một niềm tin mê tín hay huyễn hoặc. Đó là một đức tin mà truyền thống cha ông biết chắt chiu, chọn lọc tạo ra một phong tục tinh túy đưa vào đời sống để con cháu giữ gìn đến hôm nay. Thật kỳ diệu khi chỉ bằng một lễ cúng ngày 23 tháng Chạp, tiềm thức dân gian trao cho con người một đức tin rằng làm việc gì cũng có vị thần biết hết, rồi mỗi năm một lần về tâu với Ngọc Hoàng. Đức tin ấy đủ để níu giữ người ta hướng tới sự tử tế, nhân quả không phải là việc xa vời, khi mà Táo quân thì lúc nào cũng ở đấy, còn ông Trời thì đã có sứ giả đưa tin…
Đêm nay, 23 tháng Chạp, ông Táo về Trời. Đời sống đã mỗi ngày một văn minh hiện đại, việc nấu ăn đã thay thế bằng bếp ga, bếp điện. Táo không còn phải khổ cực sống trong lấm láp tro bếp. Nhưng thần Táo thì vẫn ở đấy. Lệ cúng ngày 23 tháng Chạp mỗi năm vẫn còn lưu giữ như một trong những tập tục truyền thống đẹp đẽ của dân tộc, như là sức sống văn hoá Việt mãi mãi trường tồn.`