Sau hơn 6 năm tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO ghi danh, Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại đã và đang được cộng đồng bảo tồn và phát huy một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, hoạt động thực hành tín ngưỡng này đang tồn tại nhiều bất cập, ảnh hưởng đến giá trị của di sản.
Biến tướng “ăn theo” di sản
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL), sau hơn 6 năm được công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, có khoảng 7.000 đền, phủ liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu (chưa kể các điện thờ được lập tại nhà riêng). Trong đó, chỉ tính riêng ở Hà Nội, đến năm 2020, sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ có mặt ở tất cả các quận/huyện, xã/phường tại 580 đền, 5 phủ, 1230 điện tư gia... Đây là con số gia tăng đột biến, bởi nếu so sánh cách đây 10 năm, khi thành phố chưa mở rộng, theo thì số liệu của Viện Nghiên cứu Tôn giáo mới có 83 ngôi đền, phủ có sinh hoạt thờ Mẫu Tam phủ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được phân bổ rất rộng, trong đó mỗi địa phương lại có những sắc thái, đặc điểm riêng của mình. Tuy nhiên, từ việc bị gián đoạn, sau một thời gian dài không được phép thực hành tín ngưỡng (hầu đồng), nay khi tín ngưỡng được thực hiện lại, sự đa dạng về sắc thái ấy lại gắn liền với những hướng phát triển tự phát, thậm chí là xa rời nguyên gốc của hầu đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu dẫn đến những lai tạp.
Theo Th.S Nguyễn Quốc Hiệp - Thanh tra Bộ VHTTDL, những cung văn đưa cả thiết bị âm nhạc điện tử và một số nhạc cụ hiện đại vào phục vụ cho khóa hầu; hay những giá đồng đã phối cả nhạc sàn, nhạc và lời của dân ca Lào “Hoa đẹp Chăm Pa” hoặc “Cây trúc xinh” của dân ca Bắc Bộ vào phần biểu diễn. Một số tổ chức, câu lạc bộ còn sử dụng nhạc cách mạng kháng chiến và các giá hầu không nằm trong hệ thống tín ngưỡng. “Nhiều khi, sự thay đổi ấy đến từ những việc rất đơn giản, chẳng hạn như cung văn biết là sai nhưng vẫn chiều theo ý thích của thanh đồng. Bởi, có nghe đúng kiểu nhạc ấy thì thanh đồng mới… say, mới phát lộc cho nhiều” - ông Hiệp bày tỏ.
Bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu cũng phản ánh việc “bổ sung” thoải mái các vị thần thánh vào hệ thống điện thờ trong tín ngưỡng thờ Mẫu, với những cách sắp đặt rất khác nhau. Cho đến hiện tại, khoảng 80% các thanh đồng hiện nay đều thiếu một kiến thức đầy đủ về tín ngưỡng thờ Mẫu. Khi đã không hiểu, lại sẵn ở tình trạng tự do, họ càng dễ dàng đưa hầu đồng đi xa so với nguyên gốc hơn. Đáng nói, sự xa rời, sai lệch so với bản chất thật ấy nhiều khi xuất phát từ tình trạng hầu đồng được “mở” vô tội vạ để kiếm tiền… Cùng với đó là hiện tượng các đồng thầy vì háo danh, muốn phô trương thanh thế, bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng, bỏ tiền ra mua những danh hiệu phù phiếm, ngụy tạo, “ăn theo” danh hiệu của UNESCO.
Hiểu đúng giá trị di sản
Có thể nói bên cạnh những giá trị đặc sắc của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đang được bảo tồn trong cộng đồng thì việc phát duy giá trị di sản đang có dấu hiệu đi chệch hướng. Đứng trước thực trạng đó, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và quản lý văn hóa rất lo lắng về tình trạng biến tướng, làm sai lệch giá trị di sản, làm tổn hại đến di sản.
GS.TS Từ Thị Loan - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho rằng, cần có những giải pháp phù hợp và đồng bộ. Trong đó, rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bổ sung những quy định mới phù hợp với tình hình thực tiễn, như: Quy định về quản lý hoạt động tín ngưỡng tại các điện thờ tư gia; Quy định về sinh hoạt của các bản hội... Đây là mảng quản lý đang bị bỏ ngỏ, trong khi chính tại đây đang diễn ra những biểu hiện phức tạp, khó kiểm soát. Cũng theo GS.TS Từ Thị Loan, các thủ nhang, đồng đền, đồng thầy là những người đóng vai trò quyết định đối với việc định hướng văn hóa thờ Mẫu. Là người đứng đầu các bản đền, bản hội và tâm thức “trên kính Phật Thánh, dưới theo đồng thầy”, họ là những “thủ lĩnh tinh thần” có thể đào tạo, dẫn dắt con nhang đệ tử thực hiện các chuẩn mực, nề nếp của tín ngưỡng. Do vậy, rất cần phát huy vai trò của đội ngũ này trong việc trao truyền, thực hành di sản đúng cách, cũng như đề cao tâm đức trong việc phụng thờ Thánh, góp phần giảm thiểu những biểu hiện tiêu cực trong thực hành tín ngưỡng.
Có thể nói, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chứa đựng những giá trị lịch sử, truyền thống, đạo đức và nghệ thuật đặc sắc. Đó là tâm thức “uống nước nhớ nguồn”, giáo dục truyền thống yêu nước, tôn vinh những người có công với nước, đề cao vai trò của người phụ nữ, tinh thần hòa hợp dân tộc cũng như thể hiện những sáng tạo văn hóa, nghệ thuật độc đáo gắn với thực hành nghi lễ. Đây cũng chính là những giá trị nhân bản, giá trị đạo đức và giá trị truyền thống đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Việc kế thừa và khai thác các giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu cũng chính là góp phần củng cố và tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc trong giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế. Do đó, những giải pháp đồng bộ, những chính sách kịp thời sẽ giúp di sản bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.