Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững đã gửi đơn lên các cơ quan ban ngành của Trung ương đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường rút giấy phép 1517 đã cấp để nhận chìm gần 1 triệu m3 vật chất xuống biển Bình Thuận.
Tại buổi họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, chiều ngày 25/7, ông Nguyễn Đức Hòa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững đã gửi đơn lên các cơ quan ban ngành của Trung ương đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường rút giấy phép 1517 đã cấp để nhận chìm gần 1 triệu m3 vật chất xuống biển Bình Thuận.
Ông Hòa cho biết thêm, Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững đã gửi đơn đến các Bộ, ngành và các cơ quan chức năng cũng như các cơ quan của tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ TN-MT rút giấy phép 1517 đã cấp cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân nhận chìm hơn 918.500 m3 vật chất nạo vét gồm: 20% là bùn, 80% là cát, vỏ sò, sạn sỏi...thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chở than của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Ông Hòa cũng thông tin thêm, UBND tỉnh cũng đã có văn bản chính thức gửi Bộ TNMT về việc 3 nhà khoa học không tham gia vào dự án nhưng vẫn có tên trong hồ sơ dự án, đồng thời nhờ các cơ quan chức năng tư vấn giúp tỉnh định hướng thông tin.
Bên cạnh đó, ông Hòa khẳng định, một số thông tin báo chí nêu là nhấn chìm chất thải từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân là không đúng, mà đây là chất nạo vét từ vũng quay tàu và khu nước trước bến chở than của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, “của biển trả lại cho biển”, không phải xả thải từ nhà máy.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa có văn bản gửi Thường trực Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng liên quan đến 2 dự án nhận chìm vật chất nạo vét xuống khu vực biển Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) của Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 và Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng- Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận: Trong văn bản nêu trên, Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận kiến nghị Ban Bí thư chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét lại việc cấp phép cho nhận chìm vật chất nạo vét xuống biển một cách thận trọng, khách quan và toàn diện rồi mới quyết định tiếp.
Hiện có nhiều chuyên gia, nhiều nhà khoa học đang có những ý kiến còn trái chiều khiến dư luận lo lắng. Tại văn bản, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận cũng kiến nghị Trung ương xem xét, chỉ đạo, nghiên cứu phương án khác khả thi hơn việc cho nhận chìm vật chất nạo vét xuống biển, như có thể sử dụng vật liệu này để san lấp mặt bằng làm các công trình lấn biển.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Bộ TN-MT có quá vội vàng khi cấp phép cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm gần 1 triệu m³ vật chất nạo vét xuống khu vực biển Vĩnh Tân?, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết: “Việc này Bộ TNMT sẽ xem xét cụ thể.
Tuy nhiên, vừa rồi có một số chuyên gia, nhà khoa học có ý kiến rằng việc nhận chìm vật chất nạo vét có thể sẽ có tác động tiêu cực đến môi trường, nên theo chúng tôi Bộ TN-MT cần phải xem xét lại một cách thận trọng, nhiều mặt, nhiều chiều trước khi có quyết định tiếp theo”.
Liên quan đến việc EVNGENCO3 đang hoàn tất các thủ tục để đề nghị Bộ TN-MT cấp phép cho nhận chìm 2,4 triệu m³ vật chất nạo vét xuống khu vực biển Vĩnh Tân, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cũng trong văn bản gửi Thường trực Ban Bí thư và các đơn vị liên quan, tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Trung ương chưa tiến hành cấp phép nhận chìm và nên tìm phương án, giải pháp khác phù hợp hơn.