43 năm trôi qua, nhưng những ký ức, hình ảnh về vị lãnh tụ của nước Cộng hòa Cuba Fidel Castro cứ in sâu trong trái tim mỗi người dân Quảng Bình. Đặc biệt đối với những cán bộ, nhân viên đã từng công tác ở khu Giao tế Quảng Bình – nơi đón vị khách đặc biệt Fidel Castro thì những tình cảm đó không bao giờ quên.
Chủ tịch Fidel Castro thăm Bảo tàng Quảng Bình (tháng 9 năm 1973). (Ảnh: Tư liệu).
Biểu tượng của tình đoàn kết
Tháng 9 năm 1973, khi chiến tranh ở Việt Nam chỉ vừa mới chấm dứt, Chủ tịch Fidel Castro - vị lãnh tụ của nước Cộng hòa Cu Ba đã quyết định đến thăm hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị anh hùng. Cho dù chiến tranh vừa mới đi qua, đó đây vẫn còn ngổn ngang đạn bom, khói lửa mịt mù, Chủ tịch Cuba Fidel Castro muốn tận mắt chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh cũng như chia sẽ với những đau thương mất mát mà những người dân miền Trung Việt Nam đã oằn mình chống chọi trong suốt cả cuộc kháng chiến trường kỳ.
Trong chuyến hành trình 2 ngày từ Quảng Bình vào Quảng Trị rồi lại trở ra Quảng Bình, không ít lần Chủ tịch Fidel Castro đã rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh chết chóc, đau thương mất mát của những người dân miền Trung. Mặc dù thời gian rất gấp rút nhưng ông đã sắp xếp để ghé thăm Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy, đơn vị 2 lần bắn cháy tàu chiến Mỹ. Đến với thị xã Đồng Hới, Chủ tịch Cuba đã xuống xe, đi bộ giữa lòng thị xã “Hoa Hồng”, lúc đó chỉ còn là đống gạch vụn và nhiều quả bom chưa nổ dưới lòng đất. Đến thăm bến đò mẹ Suốt, Chủ tịch Fidel Castro đã không cầm được nước mắt khi biết tin người mẹ 60 tuổi ngày đêm chở bộ đội qua sông đã bị bom đạn giặc Mỹ giết hại khi mẹ vừa mới được Quốc hội phong Anh hùng.
Đến để sẻ chia
Tối 16/9/1973, Đoàn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Fidel Castro vào thăm vùng giải phóng ở tuyến lửa Quảng Trị xong quay ra thăm Quảng Bình. Sau bữa cơm chiều hơi muộn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng về nghỉ tại Nhà khách Tỉnh ủy ở Thị xã Đồng Hới. Chủ tịch Fidel Castro cùng đoàn tùy tùng nghỉ lại Nhà Giao tế Quảng Bình.
Trước đó, để đảm bảo cho Chủ tịch Cuba Fidel Castro có một đêm nghỉ ngơi thoải mái tại khu Giao tế, UBND Thị xã Đồng Hới đã chỉ đạo Ban Quản lý HTX Mộc Hồng Hải cấp tốc điều động những xã viên có tay nghề cao, chỉ trong một ngày đã đóng xong một chiếc giường gỗ có kích thước ngoại cỡ: dài 2,3m; rộng 1,8m.
Ông Nguyễn Thanh Đàm (là Chủ nhiệm phụ trách Khu Giao tế lúc đó) nhớ lại: Lãnh tụ Fidel Castro là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên vào thăm tuyến lửa Quảng Bình, lại có phần hơi bất ngờ nên công tác chuẩn bị của đơn vị rất gấp gáp. Nhiều anh chị em ở cơ quan có phần lúng túng trong công việc, nhưng khi nhìn thấy nụ cười ấm áp của Chủ tịch Fidel Castro ai cũng thấy ấm lòng và lo tốt phần việc của mình được giao.
Ông Đàm cho biết thêm: Để đáp lại tình cảm của mọi người, đồng chí Fidel Castro đã tặng cho cán bộ nhân viên nhà khách những tấm vải được mang từ quê nhà. “Đối với chúng tôi, món quà của Chủ tịch Cuba là kỷ vật vô cùng thiêng liêng mà mình vinh dự mới có được”.
Cũng trong chuyến thăm Quảng Bình ngày 16/9/1973, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã quyết định xây tặng Quảng Bình một bệnh viện lớn. Chỉ 5 năm sau, một bệnh viện với quy mô hoành tráng đã được xây dựng xong tại xã Lý Ninh- Thị xã Đồng Hới (nay là phường Nam Lý- TP Đồng Hới). Không chỉ vậy, 10 năm tiếp đó, Cuba đã cử nhiều đoàn chuyên viên y tế có trình độ chuyên môn giỏi đến trực tiếp làm việc với cán bộ y tế Việt Nam để trao đổi về chuyên môn cũng như kết hợp khám, chữa bệnh cho nhân dân tại Bệnh viện Việt Nam – Cuba ở Đồng Hới.
Nói về chuyến thăm của Chủ tịch Fidel khi vào Quảng Bình, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, có một nguyên thủ quốc gia bầu bạn đến thăm Quảng Bình, đặc biệt còn thăm vùng mới giải phóng ở phía Nam sông Bến Hải. Chuyến thăm của Chủ tịch Fidel Castro là biểu hiện cao đẹp tình cảm anh em keo sơn gắn bó của nhân dân Cuba và nhân dân Việt Nam. Đến Quảng Bình, Chủ tịch Fidel rất khâm phục tinh thần sản xuất và chiến đấu giỏi của nhân dân nơi tuyến lửa”. |