Sáng 30/11, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24/9/2013 về “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”.
Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải cho biết, hiện nay, thành phố đã thực hiện phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn ở mức cao nhất theo quy định chung của cả nước. Toàn thành phố hiện có 59.156 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 582 tỷ 627 triệu đồng/năm. Trong khi đó, công việc của người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố còn nhiều bất cập, chưa được quy định cụ thể. Do đó, việc thực hiện thí điểm sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố làm căn cứ thực hiện toàn thành phố là cần thiết.
Đồng tình thí điểm việc sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố Bí thư Quận ủy Long Biên Đỗ Mạnh Hải cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, quận đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng Đề án sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố, đến nay cơ bản đã hoàn thành việc khảo sát, hình thành nội dung cơ bản của Đề án, sẵn sàng thực hiện từ quý I-2019. Nếu thực hiện được theo Đề án, riêng quận Long Biên dự kiến có thể giảm chi phí từ ngân sách nhà nước khoảng 10 tỷ đồng/năm; đồng thời nâng cao được chất lượng hoạt động của các vị trí công tác cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng, việc thực hiện bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố sẽ rất tốt. Nhưng thực hiện không nên cứng nhắc, mà phải căn cứ vào thực tiễn, nhất là chất lượng cán bộ cơ sở.
Kết luận Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng: “Việc đổi mới mô hình tổ chức và kiêm nhiệm các chức danh lãnh đạo không chỉ nhằm tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, mà quan trọng là phải phát huy hiệu quả hoạt động của tổ chức, bộ máy”. Do đó, trong quá trình thực hiện, các cấp ủy cần coi trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng và hành động, tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.