Cuộc cách mạng về tinh gọn, tổ chức bộ máy đang bước vào giai đoạn “nước rút” để góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thần tốc, quyết liệt
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ, là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. “Tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước” – Tổng Bí thư nêu rõ.
Từ chỉ đạo của Tổng Bí thư, với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, cả hệ thống chính trị đã bắt tay vào cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy. Quá trình sắp xếp bộ máy đã đạt được những kết quả đáng kể.
Hiện công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy từ Trung ương đến địa phương đang đi vào giai đoạn thứ 2, chuẩn bị tiến hành sắp xếp bộ máy cấp xã, để sau khi tiến hành sửa đổi Hiến pháp mới thì tiến hành nghiên cứu xem xét việc bỏ cấp huyện, sắp xếp cấp tỉnh. Theo tính toán ban đầu sẽ có khoảng 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay; không tổ chức hoạt động hành chính cấp huyện; và tổ chức khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã, phường.
Với tinh thần đó, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV cũng sẽ được họp sớm hơn thường lệ nửa tháng (dự kiến khai mạc ngày 5/5) để tiến hành sửa đổi Hiến pháp và các luật có liên quan đến công tác tổ chức bộ máy. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 30/6/2025 để đến ngày 1/7/2025 các đơn vị hành chính cấp xã được vận hành theo tổ chức mới. Đồng thời sẽ tập trung hoàn thiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh trước ngày 30/8/2025 để có thể vận hành đơn vị hành chính cấp tỉnh bắt đầu từ ngày 1/9/2025.
Tại hội nghị báo cáo viên Trung ương toàn quốc tháng 3/2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa thông tin: Đến nay đã giảm 4 cơ quan Đảng trực thuộc Trung ương; 25 ban cán sự đảng; 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương; 5 cơ quan thuộc Quốc hội; 5 bộ và 3 cơ quan trực thuộc Chính phủ; 30 đầu mối cấp tổng cục; 1.025 đơn vị cấp cục, vụ và tương đương; 4.413 đầu mối cấp chi cục, phòng và tương đương; 240 đơn vị sự nghiệp.
Ở các địa phương, đến nay đã giảm 466 sở ngành và cấp tương đương; 644 đoàn, đảng đoàn và ban cán sự đảng; 3.984 đơn vị cấp phòng và tương đương; 27 đảng bộ cấp trên trực tiếp và các tổ chức cơ sở đảng.
Mở rộng không gian phát triển, gần dân, phục vụ dân
Thực tế, chủ trương cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy nhà nước đặt ra một yêu cầu quan trọng và cấp bách, không chỉ tiết kiệm từ việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy mà quan trọng phải mở ra hướng phát triển mới, cũng như hướng tới một nền quản trị hiệu quả, giảm thiểu chi phí và thúc đẩy phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (nay là Vụ Cơ sở, đảng viên) Ban Tổ chức Trung ương khẳng định: Mục tiêu của tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế để bộ máy gọn lại, chức năng nhiệm vụ rõ ràng hơn, để hiệu lực hiệu quả của bộ máy chất lượng, nhanh hơn kịp thời hơn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, giảm số người hưởng lương từ ngân sách để tăng điều kiện phát triển, đem lại hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp, khắc phục tình trạng trì trệ, đây là yêu cầu bức thiết của cuộc sống.
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hoá và Xã hội của Quốc hội) nói rằng: Chỉ có tinh gọn tổ chức bộ máy thì đất nước mới phát triển. Bộ máy không cồng kềnh mới đem lại hiệu lực, hiệu quả, nếu qua nhiều tầng nấc trung gian, chính sách phải qua nhiều tầng nấc trung gian thì chính sách chậm đến với người dân và cơ sở.
Ông Tiến phân tích: Tinh gọn để tăng cường hiệu lực, tạo nên nguồn lực mới tiết kiệm ngân sách để tăng lương đối với người lao động và tập trung đầu tư. Ngân sách dành cho chi thường xuyên chiếm tới gần 70%, còn 30% chi cho đầu tư phát triển và trả nợ, trong khi các nước thì ngược lại. “Chỉ số Icor đầu tư trên tăng trưởng là 4:1, tức là đầu tư 4 thì tăng trưởng được 1. Chúng ta đầu tư ít thì tăng trưởng sẽ ít” – ông Tiến nêu rõ.
Cũng theo ông Tiến, sắp xếp tinh gọn bộ máy việc tiết kiệm ngân sách chỉ là một yếu tố, cái quan trọng nhất là mở rộng các không gian phát triển, và các quyết sách đến với người dân được nhanh hơn. Bởi bỏ cấp trung gian là cấp huyện thì toàn bộ chỉ đạo sẽ xuống thẳng cấp cơ sở, gần dân và trực tiếp với dân. “Trung Quốc có 1,4 tỷ dân, dân số gấp 14 lần ta, diện tích cũng lớn hơn rất nhiều nhưng số tỉnh, thành chỉ bằng nửa của ta. Việc giảm 50% số tỉnh, thành, 60-70% số xã, tinh gọn bộ máy tại các cấp từ trung ương xuống cơ sở với tinh thần “trung ương gương mẫu làm trước”. Mọi quyết sách đến với người dân, doanh nghiệp sẽ giúp đất nước phát triển khi bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc bởi đây không chỉ là cuộc “cải cách” mà là cuộc “cách mạng”, quyết liệt và đổi mới toàn diện” – ông Tiến nói.
Song hành cùng với việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy thì các bộ, ngành cũng “vừa chạy, vừa xếp hàng” xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp gắn với các mốc thời gian. Điển hình là dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi; và dự thảo Luật Chính quyền địa phương sửa đổi đang được lấy ý kiến và được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 tới.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhìn nhận: “Điều đáng phấn khởi là sau quá trình sắp xếp tại các bộ, ngành, các cơ quan hành chính ở cả trung ương và địa phương, từ ngày 1/3/2025 bộ máy mới đi vào hoạt động thì vẫn vận hành một cách bình thường, trơn tru, phục vụ doanh nghiệp, người dân và xã hội. Các địa phương tiếp tục quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 tạo đà tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo”. Theo ông Dĩnh: Tiền tiết kiệm từ việc tinh gọn bộ máy đã được Bộ Chính trị quyết định từ năm học 2025 sẽ miễn học phí cho học sinh từ mầm non cho đến THPT, xem xét lại hệ thống nhà nội trú dân tộc, cơ sở y tế phục vụ cho Nhân dân, nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, xoá nhà dột nát, nhà tạm, đảm bảo an sinh xã hội. Nhân dân đang rất phấn khởi và tin vào chủ trương đó của Đảng. Và hiện nay chúng ta đang tiếp tục bước vào triển khai sắp xếp cấp xã, cấp tỉnh, và bỏ cấp huyện.
Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Cuộc cách mạng chắc chắn sẽ thành công
Tôi rất mừng khi thời điểm này chúng ta thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn, tổ chức bộ máy. Năm 1986, bắt đầu đổi mới chúng ta đã có chủ trương đổi mới về tư duy, thứ nhất là tư duy về kinh tế; thứ hai là đổi mới về cán bộ và tổ chức. Tuy nhiên thời điểm đó và qua 3-4 nhiệm kỳ đại hội sau cũng không thể làm được.
Đảng có chủ trương làm từ lâu nhưng đến giai đoạn này làm là đúng và hợp lý. Bởi bộ máy quá cồng kềnh khi Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể đều có hệ thống 4 cấp, quá nhiều thì làm sao có nguồn lực để tập trung phát triển đất nước? Cho nên lần này chúng ta quyết tâm làm và tôi tin sẽ làm được. Tất nhiên trong quá trình làm thì không thể tránh khỏi lúc đầu có “chuyện này, chuyện kia”. Trong lịch sử chúng ta đã trải qua nhiều lần tách nhập, từ bộ, cho đến các tỉnh, thành. Có thời điểm nhập lại thành bộ to nhưng điều kiện chưa có, trình độ quản lý chưa tốt. Nhưng bây giờ điều kiện đã khác, có áp dụng khoa học công nghệ nên nhập thành một bộ to vẫn có thể điều hành tốt. Tỉnh cũng trải qua nhiều lần sáp, nhập, ngay tinh giản biên chế có thời điểm không có tiền để chi trả, chỉ giảm vài người nhưng nội bộ sinh nhiều chuyện. Song hiện nay về mặt chính sách, Nhà nước đã có sự quan tâm, có chính sách hỗ trợ đối với người xin về trước. Do đó tôi tin cuộc cách mạng về tổ chức tinh gọn bộ máy lần này chắc chắn sẽ thành công.