Giữa nhịp sống hối hả và dòng chảy đô thị hóa ngày càng dày đặc ở những thành phố lớn, tình làng nghĩa xóm dường như đang dần phai nhạt. Những mối quan hệ thân tình in dấu nơi giếng nước, sân đình đứng trước nguy cơ bị thay thế bởi khoảng cách của những căn hộ khép kín. Gìn giữ và khơi lại tình hàng xóm không chỉ là hoài niệm, mà là điều cần thiết để thắp lửa sẻ chia trong nhịp sống phố thị...
Những hình ảnh tưởng chỉ còn bắt gặp ở vùng quê yên bình, thật mừng là nay vẫn hiện diện giữa lòng phố sầm uất. Đó không chỉ là nét chấm phá hoài niệm, mà còn là minh chứng cho một điều giản dị: Tình làng nghĩa xóm, dù ở giữa phố thị vẫn có thể được giữ gìn nếu mọi người trân trọng và nuôi dưỡng nó mỗi ngày...
“Tắt lửa tối đèn có nhau”
Phố Thụy Khuê (phường Tây Hồ, TP Hà Nội) từ lâu được biết đến như một “phố làng”. Nơi vẫn còn lưu dấu cổng làng, mái đình cổ xen giữa những tòa nhà cao tầng.
Bước qua cổng làng Yên Thái, người ta cảm nhận dường như là một thế giới khác - yên bình, trầm lắng và đậm tình người. Chiều về bên hiên nhà, những cụ bà rôm rả ngồi trò chuyện, những đứa trẻ nô đùa trên nền gạch đỏ. Bên quán nước nằm giữa con đường gạch đỏ, các cụ nhắc nhau những trò chơi dân gian ở làng ngày xưa.
Khi hỏi chuyện về tình cảm làng xóm nơi đây, ông Nguyễn Hữu Quyết (73 tuổi), một người con sinh ra và lớn lên ở làng Yên Thái xưa, chậm rãi kể: “Tôi đã sống trọn đời nơi đây, từ lúc làng chỉ có những mái ngói rêu phong… đến khi phố xá bắt đầu mở rộng, nhà cửa mọc lên san sát. Nhiều thứ đã đổi thay, nhưng cái hồn làng thì vẫn còn nguyên vẹn”.
“Ngoài kia, sau cánh cổng làng là nhịp sống đô thị hối hả, ồn ã, nhưng chỉ cần bước qua cánh cổng nhỏ này, người ta sẽ thấy một thế giới khác yên bình, gần gũi và thân thuộc. Ở đây, mọi người vẫn quan tâm, giúp đỡ nhau như người nhà. Tình làng nghĩa xóm chính là sự sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống, là thăm hỏi, động viên nhau khi ốm đau, là giúp đỡ lúc nhà ai có công có việc” - ông Quyết nói.
Theo ông Quyết, điều quý giá nhất của làng Yên Thái không chỉ là bề dày lịch sử hay những dấu tích xưa còn sót lại, mà chính là sự gắn bó bền chặt giữa con người với nhau. “Phần lớn bà con trong làng đều là những người sinh ra, lớn lên tại đây, hoặc có gốc gác lâu đời ở làng. Vì vậy, họ trân quý từng góc phố, từng thói quen, đặc biệt là tình nghĩa xóm giềng. Chúng như một sợi chỉ âm thầm nối dài ký ức của cả một cộng đồng”.
Làng cổ giữa phố thị
Rời Yên Thái, tôi tìm đến làng Hòa Mục - một làng cổ nằm sâu trong phường Yên Hòa (TP Hà Nội). Từ con phố Nguyễn Ngọc Vũ sầm uất, đi qua những con ngõ nhỏ, Hòa Mục dần hiện ra với vẻ thanh bình lặng lẽ. Mái đình cổ kính, giếng nước xưa cũ và tiếng chuyện trò của người dân nơi đây trong một buổi chiều muộn gợi lên dáng dấp một làng quê giữa phố phường.
Tôi gặp cụ Lai Mạnh Thắng, 82 tuổi, một bậc cao niên được nhiều người kính trọng. Cụ Thắng kể: “Ngày xưa nơi đây gọi là làng Hòa Mục, thuộc xã Trung Hòa, huyện Từ Liêm. Đến năm 2000, làng lên phố, trở thành một phần của quận Cầu Giấy, rồi phường Cầu Giấy như bây giờ”.
Khi nhắc đến tình làng nghĩa xóm, ký ức xưa như chợt ùa về, cụ Thắng kể, thời đó, làng trên xóm dưới ai cũng biết nhau. Hễ nhà ai có việc như cưới xin, ma chay, làm nhà… thì cả làng cùng chung tay. Tôi có bốn người con, khi tổ chức đám cưới cho chúng, chẳng phải thuê mướn gì. Dân làng mỗi người một tay đến giúp đỡ. Người nấu, người bưng, người dọn vui như hội. Cái tình nghĩa ấy giờ hiếm lắm”.
Cụ Thắng trầm ngâm, giọng chùng xuống khi nói về sự đổi thay: “Từ ngày làng lên phố, tình cảm giữa người với người cũng khác đi nhiều. Cỡ tuổi tôi thì còn giữ thói quen cũ, còn gọi nhau bằng tên cha mẹ, còn tìm đến nhau khi đau ốm, có việc. Nhưng lớp trẻ thì khác rồi. Sống cạnh nhau, nhiều khi cả năm không biết tên nhau”.
Câu chuyện của cụ Thắng không chỉ là hoài niệm cá nhân, mà còn là tiếng lòng của một thế hệ từng sống trọn vẹn trong nếp làng. Giữa nhịp sống hiện đại, ký ức ấy như một lời nhắc nhở rằng tình người, sự sẻ chia từng là nền tảng làm nên một cộng đồng bền chặt, điều mà bất kỳ đô thị nào cũng cần để trở nên đáng sống hơn.
Người làng gốc
Cũng là một trong những ngôi làng cổ của Thăng Long xưa, làng Chèm (phường Đông Ngạc, TP Hà Nội) mang trong mình lớp trầm tích văn hóa hàng nghìn năm. Giữa những đổi thay của cuộc sống, thật mừng là tình làng nghĩa xóm nơi đây vẫn neo giữ những giá trị cũ giản dị, sâu sắc.
Tôi dừng chân nơi đình Chèm - ngôi đình cổ kính nổi tiếng bậc nhất vùng đất Đông Ngạc. Trong không gian tĩnh lặng phủ rêu phong, tiếng gió lùa qua mái đình, ngồi nghe những bậc cao niên nơi đây kể về thời làng quê còn đượm nghĩa tình xóm giềng, mà như ngỡ mình đang ở những ngày xưa lắm...
Ông Nguyễn Văn Yến, 72 tuổi, người gốc làng Chèm, vừa chậm rãi đưa mắt nhìn về phía đình vừa chia sẻ: “Tôi không biết ở mọi nơi thế nào chứ ở đây, tình nghĩa xóm làng vẫn như xưa. Từ ngày lên phố, người nơi khác đến mua đất, dựng nhà nhiều, họ không thân thiết, cởi mở như người làng gốc đâu. Cũng chả trách được họ, có sống ở làng mới thấm đẫm được văn hóa làng”.
Bà Nguyễn Thị Tín, 72 tuổi, ngồi bên cạnh góp chuyện, người ta vẫn bảo “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”. Bởi vậy, đã là người gốc làng thì tên phường, xã có thay đổi cũng chỉ là danh xưng chứ cái tình, cái nếp sống của người làng vẫn vậy. Nó hiện hữu trong từng thói quen, từng cách đối đãi giữa người với người.
Chiều chiều, bà Tín cùng các ông bà trong làng vẫn rủ nhau ra đình đi bộ, hóng mát, trò chuyện rôm rả. Họ chào nhau bằng ánh mắt, bằng nụ cười. Những lần sang nhà chơi không cần hẹn trước, những ấm trà mộc mạc bên thềm nhà… là thứ “đặc sản” chỉ có ở những ngôi làng cổ còn giữ được hồn xưa giữa lòng đô thị hiện đại.
Giá trị cố kết
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ, trong cuộc sống hối hả hôm nay, nhiều người chưa hiểu được trọn vẹn về “tình làng nghĩa xóm”. Bao đời nay làng xóm trở thành nơi sẻ chia niềm vui, nỗi buồn; nơi gắn kết con người qua cưới xin, hiếu hỷ, lễ lạt, hội hè… Tất cả tạo nên một “mạng lưới ứng xử văn hóa”, một thiết chế mềm nhưng vô cùng bền chặt, linh hoạt. Đó chính là nền tảng giúp xã hội vận hành ổn định và bền vững suốt chiều dài lịch sử. Những giá trị ấy giàu nhân văn, đậm bản sắc, cần được tiếp tục giữ gìn và phát huy trong đời sống hôm nay.
(còn nữa)