Đô thị ngày càng hiện đại, nhà cao tầng mọc lên san sát và chất lượng sống được nâng cao, nhưng ở nhiều khu chung cư, nơi các căn hộ chỉ cách nhau một bức tường mỏng, khoảng cách tình cảm giữa con người lại xa xôi như cách trở cả một dòng sông. Nhịp sống vội vã, khép kín đang dần làm phai nhạt tình làng nghĩa xóm - một phần hồn cốt sâu xa trong văn hóa Việt…
Khoảng cách sau bức tường
Khu HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, Hà Nội) là một trong những khu dân cư đông đúc nhất thủ đô, nơi có đông người trẻ sinh sống và lập nghiệp. Anh Vũ Văn Đoàn (35 tuổi, cư dân tòa HH1) chia sẻ, dù đã chuyển về sống gần 5 năm, anh vẫn chưa biết hết tên các hộ cùng tầng.
"Thực tế, không phải ai cũng biết rõ hàng xóm của mình. Ở các khu đô thị mới, đặc biệt là các căn hộ chung cư, việc biết tên hay mặt hàng xóm là điều không dễ. Mọi người chỉ thoáng gặp nhau ở hành lang, thang máy, sảnh chung; chuyện trò hay giúp đỡ nhau cũng hiếm hoi, trừ khi có tình huống đặc biệt hoặc tình cờ va phải nhau” - anh Đoàn nói.
Nhìn chung, tại các khu đô thị lớn, sự gắn kết thông qua hoạt động cộng đồng đã không còn mạnh mẽ như trước. Theo anh Đoàn, phần vì mọi người bận công việc mưu sinh, học tập, thêm vào đó nhiều người cũng không mấy mặn mà với các hoạt động chung, nên sống khép kín. Một số khác chỉ tham gia nếu hoạt động phù hợp sở thích hoặc có tính giải trí, giao lưu.
“Sống trong một môi trường mà ai cũng 'kín cổng cao tường”, ít giao tiếp và không có sự kết nối sẽ dễ dẫn đến cảm giác cô đơn, thiếu an toàn và xa lạ. Con người dù hiện đại đến mấy vẫn luôn cần có sự tương tác và gắn kết với mọi người xung quanh. Một cộng đồng không có chia sẻ, kết nối sẽ mất đi “hơi ấm” của tình người” - anh Đoàn tâm sự.
Không chỉ riêng anh Đoàn, tâm lý sống khép kín, hạn chế tương tác đang là xu hướng phổ biến ở các chung cư cao tầng. Không gian sinh hoạt chung vì thế cũng ngày một thu hẹp.
Chị Phạm Thị Phương Thảo (32 tuổi), cư dân Vinhomes Smart City (phường Tây Mỗ, Hà Nội) cũng cho biết, cư dân nơi đây chủ yếu từ nhiều tỉnh, thành khác về, ai cũng bận bịu mưu sinh, nên ngại va chạm và thường tâm lý "không phiền ai". Có những lần gặp nhau ở hành lang, nếu có quen mặt cũng chỉ kịp chào một câu rồi đi ngay. Không còn cảnh giao tiếp thân mật như tình làng nghĩa xóm ở quê xưa.
“Dù đã ở Hà Nội hơn chục năm, nhà sát cạnh nhau nhưng chúng tôi chưa từng trò chuyện hay giúp đỡ nhau. Do nhà ở thuê, chưa có hộ khẩu nên mỗi dịp họp tổ dân phố cũng không tham gia được. Nhiều lúc sống lạ lẫm ngay sát cạnh nhà hàng xóm cũng thấy buồn, nhưng ai cũng thế, mình thay đổi sao được” - chị Thảo chia sẻ.
Theo chị, giữa nhịp sống hiện đại, tình làng nghĩa xóm lại càng cần thiết. Vì nhiều người từ tỉnh lẻ lên Hà Nội bám trụ, đều là những người tha hương, có một hàng xóm bên cạnh giúp đỡ, hỗ trợ, sẻ chia lúc vui, lúc buồn là điều rất quý. Thời nào cũng thế, ở đâu cũng vậy, thêm bạn là thêm vui, thêm hàng xóm là thêm ấm áp, để thấy mình không cô đơn giữa thành phố rộng lớn này.
Giữ lửa tình thân
Trái ngược với hình ảnh “đèn nhà ai nấy sáng”, một số khu chung cư lại cho thấy sự gắn kết cộng đồng đáng quý. Vẫn có những cộng đồng nỗ lực giữ gìn sự gắn bó, sẻ chia; nơi mà những câu chào buổi sáng, lời hỏi han, hay bữa cơm chung tầng âm thầm giữ lửa cho tình thân phố thị.
Tại tòa CT2A Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (phường Định Công, Hà Nội), cư dân ở đây vẫn duy trì được tình xóm giềng thân thiết. Nhiều tầng có nhóm Zalo riêng, tổ chức sinh hoạt định kỳ mỗi quý, duy trì nếp sống văn minh như dọn dẹp hành lang, tổ chức Trung thu cho trẻ em.
Anh Lê Bá Đại (36 tuổi), cư dân CT12A, chia sẻ: “Tôi không biết ở nơi khác thế nào, nhưng khu tôi sống thì mọi người rất hòa đồng. Thường xuyên giúp đỡ nhau lúc cần. Không quá thân mật như ở làng xóm ngày xưa, nhưng chúng tôi vẫn hỏi thăm, qua lại nhà nhau chơi lúc rảnh rỗi. Nhiều dịp, cả tầng tổ chức liên hoan, tụ họp để gắn kết”. Theo anh Đại, chính những hành động nhỏ ấy đã kéo gần khoảng cách, giúp cư dân không còn coi nhau là người xa lạ.
Một câu chuyện khác đến từ chị Phạm Quỳnh Như (32 tuổi), cư dân Chung cư Teccosky Ville (xã Thanh Trì, Hà Nội). “Tầng tôi có 14 căn hộ, chúng tôi thường xuyên trò chuyện, giúp đỡ nhau. Khi ai ốm đau, gặp chuyện, mọi người đều quan tâm rất chân thành. Nhà tôi bận việc đột xuất, đều gửi con cho hàng xóm trông hộ hoặc đưa đón. Có khi nhờ đi chợ mua đồ giúp” - chị Như chia sẻ.
Theo chị Như, tình làng nghĩa xóm không chỉ cần thiết mà còn là yếu tố tạo nên chất lượng cuộc sống. Sống trong một khu đô thị, nhất là chung cư, nơi mọi người ở sát nhau nếu giữ được sự thân thiết, chia sẻ thì sẽ bớt trống trải. Đặc biệt với gia đình có con nhỏ, người già, hàng xóm chính là người gần gũi nhất, sẵn sàng hỗ trợ khi cần. Những nhóm Zalo được lập ra cũng là một phần chất xúc tác giúp mọi người chia sẻ, trao đổi, nhắc nhở nhau những điều chưa nên chưa phải.
Câu chuyện của chị Vũ Thu Hà, một cư dân sống hơn 10 năm tại tổ dân phố 9A phường Giảng Võ, Hà Nội cũng rất đáng suy ngẫm khi chị cho rằng ở nhiều khu đô thị hiện đại, những câu hỏi thăm, lời góp ý đôi khi bị hiểu lầm là soi mói, tọc mạch. “Tôi nghĩ rằng, tình làng nghĩa xóm thời nào cũng cần. Vấn đề là ta biết giữ gìn, phát huy những điều tốt đẹp và tiết chế những gì thái quá. Quan tâm cũng cần “vừa đủ” - đủ để không ai cảm thấy cô đơn, nhưng cũng đủ tế nhị để không ai bị làm phiền” - chị Hà chia sẻ.
Đô thị không có lỗi
TS Phạm Việt Long - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển cho rằng, tình làng nghĩa xóm không chỉ là một biểu hiện cảm tính của đời sống cộng đồng, mà còn là một kết cấu tinh thần đã được bồi đắp qua hàng trăm năm, in sâu trong tiềm thức văn hóa của người Việt. Nó làm nên sợi dây nối kết vô hình giữa con người với con người không chỉ trong những lúc “tối lửa tắt đèn”, mà còn trong cách ta đối đãi, sẻ chia, ứng xử với nhau hàng ngày.
Trong mỗi xóm nhỏ, tình người là chất liệu nuôi dưỡng sự đoàn kết, đồng thuận, và từ đó lan tỏa ra thành ý thức công dân, trách nhiệm xã hội, và cả niềm tin vào giá trị sống tử tế.
Khi đô thị hóa diễn ra ồ ạt, như ở Hà Nội hay nhiều thành phố lớn, thì cấu trúc cộng đồng cũ bị thay thế bởi những mô hình sống mới: nhà tầng, căn hộ, cư dân… Điều kiện vật lý của sự gần gũi vẫn còn, nhưng nền tảng văn hóa của sự thân quen thì dần biến mất. Mối quan hệ láng giềng trở nên lỏng lẻo, thậm chí vô danh. Những tiếng chào buổi sáng, bát cháo khi ốm, lời hỏi han con trẻ… vốn là những chi tiết nhỏ nhưng giàu nhân nghĩa thì nay dường như trở thành “xa xỉ”.
Đô thị không có lỗi. Vấn đề là chúng ta có tạo ra những không gian văn hóa, những cơ chế khuyến khích sự gắn bó, và đặc biệt là những ngọn lửa nhỏ của lòng quan tâm trong từng gia đình, từng dãy nhà, từng tòa chung cư hay không. Nếu muốn giữ lại hồn cốt dân tộc giữa nhịp sống hiện đại, thì tình làng nghĩa xóm dưới một hình thức mới vẫn phải được nuôi dưỡng bằng chính sự lựa chọn sống nhân văn của mỗi người.
(Còn nữa)