Những ngày này, từng đoàn người từ các tỉnh phía Nam hồi hương đổ về Tây Nguyên. Những chiếc xe máy cũ kỹ tải trên lưng nào người, vật dụng cồng kềnh chạy hàng trăm cây số nên không ít trong số chúng “ngã bệnh”. Trong đêm tối, chủ nhân của những chiếc xe máy hỏng chỉ còn biết “mếu dở” bởi không tìm đâu chỗ sửa.
Người ta nói, máy móc cũng có lúc phải “đổ mồ hôi”. Quả đúng vậy! Với những chiếc xe máy còn tương đối mới thì việc “chạy việt dã” hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cây số cũng chẳng có vấn đề gì. Song, với những chiếc xe đã có “tuổi thọ” trên 10 năm thì việc bắt nó chạy đường trường liền một mạch có vẻ hơi quá sức.
Ai cũng biết, với đại đa số những người “chạy dịch” khỏi các tỉnh, thành phố lớn để về quê đều là công nhân nghèo, lao động tự do... thì lấy đâu ra những chiếc xe máy tốt để có thể “cõng” họ về nhà an toàn. Vì thế, việc hỏng xe máy giữa đường khi đang về quê tránh dịch thực sự là “họa vô đơn chí”, không biết trông cậy vào đâu.
Thật may cho những người hồi hương có lộ trình đi qua huyện Đắk R’Lấp (tỉnh Đắk Nông), bởi nơi đây có những con người nghĩa tình đã tự nguyện thành lập đội cấp cứu SOS, chuyên sửa xe máy miễn phí cho những người “chạy dịch”, bất kể là đêm hay ngày. Chỉ cần có lời, họ lập tức có mặt giúp đỡ nhiệt tình.
Thành viên tổ SOS là những người có tâm, sẵn sàng giúp đỡ đồng bào trong cơn hoạn nạn. Họ có thể là thợ sửa xe máy, là sư thầy, công nhân hay nông dân…nhưng tất cả có chung tấm lòng nhiệt huyết tự nguyện họp thành một “đội cấp cứu” rất hữu ích với người “chạy dịch” trên đường.
Kể từ khi tổ SOS thuộc huyện Đắk R’Lấp (tỉnh Đắk Nông) ra đời, khá nhiều người từ các tỉnh, thành phố lớn về quê tránh dịch, khi ngang qua đây đã nhận được giúp đỡ hết sức nhiệt tình. Nhiều người bị hỏng xe giữa đêm đang khóc dở mếu dở thì tổ SOS xuất hiện như một cứu cánh khiến họ vô cùng cảm động, nghẹn ngào không nói nên lời.
Nét đẹp truyền thống của dân tộc ta từ xưa đến nay là thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách. Vì thế, khi đồng bào gặp hoạn nạn lập tức có rất người đứng ra giúp đỡ vô tư không tính toán thiệt hơn. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, sự sẻ chia, giúp đỡ nhau trong khó khăn hoạn nạn mới thực sự đáng quý, đáng trân trọng.
Chẳng phải mỗi khi khúc ruột miền Trung gặp cảnh thiên tai bão lũ, đồng bào cả nước vẫn luôn hướng về với tâm thế sẵn sàng hỗ trợ sức người sức của, để bà con nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống đó sao. Nhiều người lặn lội tới tận nơi, những người không đến được thì dù ít, dù nhiều cũng muốn gửi một chút tấm lòng giúp đồng bào mình vượt qua gian khó.
Nói như vậy để giải thích cho một số người thực dụng luôn đặt câu hỏi nghi ngờ rằng, vì sao sư thầy, thợ sửa xe máy và những dân kia lại tốt đến vậy. Họ lý luận rằng, sư thầy có thể tốt vì theo tâm Phật từ bi, nhưng thợ sửa xe làm vậy có khác nào tự đập bể chén cơm của mình. Xin thưa, đừng lấy dạ tiểu nhân để đo lòng quân tử. Sự nhiệt tâm, lòng độ lượng, trái tim nhân hậu không thể “cân, đo, đong, đếm” bằng logic thông thường.