Black Friday năm nay, dù các cửa hàng đã tung ra nhiều chương trình khuyến mại với những món hàng giảm giá tới tận 70-80%, song không ít điểm bán hàng vẫn chịu cảnh ế ẩm, vắng khách.
Black Friday hay còn gọi là Ngày thứ Sáu đen tối, là ngày đại hội giảm giá được những người ưa thích mua sắm mong đợi nhất trong năm, có nguồn gốc từ Mỹ và lan rộng ra khắp thế giới. Năm nay, Black Friday sẽ diễn ra vào thứ Sáu, ngày 26/11. Khác với mọi năm, nhiều người tiêu dùng năm nay không mấy hào hứng với hàng giảm giá trong dịp này.
Giảm giá sâu, khách vẫn thờ ơ
Hưởng ứng Black Friday năm nay, nhiều cửa hàng đã khởi động mùa khuyến mại từ ngày 19/11. Hoạt động này được các cửa hàng dự kiến kéo dài cho đến hết tháng 11.
Khảo sát dọc các tuyến phố trung tâm của Hà Nội như Hàng Bông, Quán Thánh, Kim Mã, Cầu Giấy, Chùa Bộc..., các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, giày dép, đồ gia dụng, thiết bị điện tử đều treo biển siêu giảm giá từ 40-80%. Không chỉ giảm giá sâu, các cửa hàng cũng đầu tư trang trí đẹp, bắt mắt để thu hút người mua.
Cùng với kênh bán hàng trực tiếp truyền thống, không khí Black Friday cũng ngập tràn trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng mua sắm online. Để thu hút người tiêu dùng, các trang bán hàng online tung nhiều chương trình “giảm giá sốc”, “mua 1 tặng 1”, “sale xịn nhất”, “giảm giá kịch sàn”, “xả hàng giá rẻ”,...
Hai năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hình thức mua sắm online này được rất nhiều người ưa chuộng vì không phải mất thời gian xếp hàng mua sắm, thanh toán mà vẫn được hưởng mức giá khuyến mại lớn, vừa bảo đảm phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, khác với mọi năm, theo ghi nhận của phóng viên, không khí mua hàng năm nay kém nhộn nhịp, thậm chí nhiều cửa hàng giảm giá sâu tới 80% nhưng cũng rơi vào tình trạng ế ẩm, vắng khách.
Chị Nguyễn Thu Hương, chủ một cửa hàng quần áo trên phố Quán Thánh (quận Ba Đình, Hà Nội) cho hay: “Để kích cầu khách hàng, chúng tôi đã chạy chương trình khuyến mại từ cuối tuần trước với mức giá ưu đãi lên đến 50% tất cả các sản phẩm tại cửa hàng. Nhưng năm nay, sức mua không cao như mọi năm. So với vài ba năm trước, doanh thu dịp này chỉ chưa bằng một nửa".
Sức mua giảm là tình trạng chung của các cửa hàng từ bán trực tiếp tới online. Anh Cung Việt Trường (quận Đống Đa, Hà Nội), chủ một cửa hàng đồ gia dụng trên sàn Shopee cũng chia sẻ rằng, cửa hàng anh đã khởi động chương trình khuyến mại từ đầu tuần nhưng năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập của người dân giảm nên họ tiết kiệm chi tiêu. So với mọi năm, lượng khách của cửa hàng anh Trường giảm 40-50%.
Cẩn thận với chiêu trò giảm giá ảo
Bên cạnh ảnh hưởng của dịch bệnh, một trong số nguyên nhân lớn nhất khiến người tiêu dùng kém mặn mà với ngày đại hội giảm giá Black Friday là sản phẩm được sale mạnh hầu hết chất lượng không như mong muốn. Thậm chí, có nhiều cửa hàng lợi dụng cơ hội này đẩy giá hàng lên cao rồi gắn mác hàng sale để lừa dối người tiêu dùng.
Cách đây khoảng 4 năm, khi cơn sốt “Ngày thứ 6 đen tối” bùng nổ tại Việt Nam, cũng như tâm lý của nhiều người thời điểm đấy, chị Lưu Thảo Trang (quận Ba Đình, Hà Nội) hào hứng dành nhiều ngày đi săn sale tại các cửa hàng, trung tâm thương mại.
Thế nhưng, chị Trang cho biết: “Nhiều sản phẩm khuyến mại mua về không dùng được. Tôi vẫn nhớ, lần đầu tiên khi mua được một đôi giày da giảm giá 80% tôi rất hí hửng, nhưng chỉ khoảng hơn 1 tháng sau khi sử dụng, da giày đã bị nổ, bong tróc hết. Đúng là tiền nào, của nấy, tưởng mua rẻ hóa ra là ném tiền qua cửa sổ”.
Chị Vũ Thị Điệp (quận Long Biên, Hà Nội) từng làm nhân viên bán hàng của một số cửa hàng thời trang cho biết, phần lớn những sản phẩm các cửa hàng giảm giá là những đồ lỗi mốt, hàng tồn, khó bán. Trong đó còn có cửa hàng tự thổi giá sản phẩm lên rồi gắn mác sale. Treo biển giảm giá sốc nhưng thực chất là giảm giá ảo. Thế nên, dù đã sale đến 70-80% nhưng cửa hàng vẫn lãi lớn từ dịp này.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thúy, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoài Đức đánh giá, trong đại dịch, thị hiếu của người tiêu dùng chuyển dịch mạnh từ mua trực tiếp sang trực tuyến. Nhưng năm nay, kênh bán hàng này cũng kém sôi động thì đồng nghĩa với sức mua chưa cao, người dân có tâm lý tiết kiệm và chi tiêu chặt chẽ hơn trong dịp Black Friday.
Theo bà Thúy, tình trạng bán hàng lỗi mốt, hàng cận date, giảm giá ảo đã được đề cập tới nhiều những vẫn không ngừng tiếp diễn mỗi đợt giảm giá lớn. Bà Thúy cho rằng, người tiêu dùng nên tỉnh táo, không nên quá quan tâm với con số phần trăm giảm giá là bao nhiêu, mà hãy tìm hiểu, so sánh giá cả, chất lượng sản phẩm từ nhiều kênh và thời điểm khác nhau để tránh sập bẫy các chiêu trò giảm giá.
Người tiêu dùng cần phân biệt được đâu là sản phẩm giảm giá thật, đâu là sản phẩm giảm giá ảo. Thay vì suy nghĩ sẽ tiết kiệm một khoản tiền nhờ mua hàng giảm giá, người mua nên cân nhắc sản phẩm đó có thực sự cần thiết hay không, tránh rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười khi săn sale, bà Thúy cho hay.