Sức khỏe

Tình trạng rối loạn tâm thần gia tăng

THANH MAI 24/12/2023 08:31

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có khoảng 15 triệu người. Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

1.jpg
Rối loạn tâm thần khá phổ biến và có thể gặp ở bất cứ ai.

Ít được quan tâm

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng rối loạn tâm thần có xu hướng gia tăng.

TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với mô hình bệnh tật kép, bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp trong đó các bệnh không lây nhiễm như: tăng huyết áp, tiểu đường, COPD, bệnh tâm thần… có chiều hướng gia tăng. Rối loạn tâm thần là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên thế giới, ước tính gây ra khoảng 14% gánh nặng bệnh tật toàn cầu.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm thần, phòng, chống các rối loạn tâm thần vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, như: hệ thống các cơ sở chuyên khoa tâm thần còn khó khăn, cơ sở vật chất chưa bảo đảm, nhân lực chuyên môn thiếu và yếu, hệ thống cung cấp dịch vụ không đầy đủ... Nhiều người bệnh tâm thần vẫn chưa được chẩn đoán và điều trị.

Theo Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam Nguyễn Kim Việt, rối loạn tâm thần chiếm tỷ lệ cao trong nhân dân, tỷ lệ bệnh có khác nhau theo từng nhóm tuổi, giới tính và nghề nghiệp, chủng tộc và ở mỗi quốc gia khác nhau.

Rối loạn tâm thần là bệnh phổ biến, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người dân. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần có xu hướng gia tăng do nhiều áp lực cuộc sống, công việc, stress... Tuy nhiên, hiểu biết của người dân về bệnh tâm thần vẫn chưa thật rõ.

Rất nhiều người nghe đến rối loạn tâm thần nghĩ đến bệnh điên, thần kinh… mà không biết có nhiều loại rối loạn tâm thần khác trong xã hội hiện đại như trầm cảm, lo âu, mất ngủ.

Vì thế, khi người thân mắc bệnh còn có hiện tượng giấu bệnh, không đi khám, điều trị. Việc kỳ thị người bệnh mắc rối loạn tâm thần, không chấp nhận các chẩn đoán rối loạn tâm thần đưa đến sự chậm trễ trong quá trình chẩn đoán, điều trị và có thể tìm đến các phương pháp điều trị cực đoan.

Hầu hết người dân chưa được nhận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Dịch vụ sức khoẻ tâm thần chủ yếu có ở cơ sở chuyên khoa tuyến Trung ương và tỉnh. Tuyến huyện và xã chủ yếu quản lý, điều trị tâm thần phân liệt và động kinh, trong khi đó theo điều tra của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 thì 2 bệnh này chỉ chiếm khoảng 0,5% dân số và tổng các rối loạn tâm thần là 14,2% dân số.

Mặc dù các vấn đề về tâm thần đang ngày càng phổ biến, nhưng vấn đề chăm sóc và điều trị rối loạn tâm thần còn "khoảng trống" khá lớn. Cả nước có khoảng 100 triệu dân, trong đó có khoảng 14 - 15 triệu người rối loạn tâm thần nhưng chỉ có 143 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu. Tuy nhiên dịch vụ tâm lý lâm sàng chưa phải là dịch vụ chính thức được bảo hiểm y tế chi trả. Các dịch vụ phục hồi chức năng tâm thần cũng rất hạn chế.

Cần phương pháp tư vấn, trị liệu, điều trị về tâm lý

Ước tính 0,5% rối loạn tâm thần khác được điều trị tại cơ sở chuyên khoa, như vậy có tới trên 90% (13/14) người rối loạn tâm thần chưa được nhận dịch vụ chính thức, trong khi đó tình hình rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng về số lượng cũng như đa dạng thêm về nhiều mặt bệnh như: lo âu, nghiện chất, sa sút trí tuệ, tự kỷ, tăng động giảm chú ý…

Dịch Covid-19 vừa qua đã làm gia tăng đáng kể các rối loạn tâm thần như: tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm (31,4%), rối loạn lo âu (31,9%) và rối loạn giấc ngủ (41,1%)… Các rối loạn lo âu, trầm cảm, mất ngủ là những vấn đề về sức khỏe tâm thần thường gặp nhất trong đại dịch. Tình trạng này không chừa một ai, kể cả y, bác sĩ đã và đang chữa trị cho bệnh nhân.

Theo TS Nguyễn Trọng Khoa, hiện nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tinh thần để vượt qua những khó khăn, khủng hoảng trong cuộc sống là rất lớn. Hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần không chỉ có vai trò giúp cho những người bệnh ở bệnh viện ổn định tâm lý mà những người thầy thuốc cũng rất cần có người giúp giải tỏa tâm lý, bớt đi những áp lực công việc hàng ngày.

Để triển khai, hiện thực hóa Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế xây dựng trình Chính phủ Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định những vấn đề liên quan đến chức danh tâm lý lâm sàng, điều kiện hoạt động của cơ sở tâm lý lâm sàng và những điều kiện liên quan đến giấy phép hành nghề cho chức danh tâm lý lâm sàng và các chức danh khác được tham gia một số nhiệm vụ trong lĩnh vực tâm lý lâm sàng.

Tại Hội thảo góp ý dự thảo phạm vi hoạt động của nhân viên tâm lý lâm sàng và tài liệu chuyên môn hướng dẫn thực hiện dịch vụ tâm lý lâm sàng tổ chức mới đây tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, so với các chuyên ngành khác, sức khỏe tâm thần là lĩnh vực sức khỏe cộng đồng ít được quan tâm hơn. Dịch vụ sức khỏe tâm thần ở Việt Nam chủ yếu là điều trị bằng thuốc.

Hiện hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cả nước có 2 bệnh viện tâm thần ở tuyến Trung ương là Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cùng với Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia.

Tại tuyến tỉnh, hiện 43 tỉnh/thành phố có bệnh viện tâm thần, số còn lại là khoa tâm thần trong bệnh viện đa khoa và trung tâm phòng chống bệnh xã hội của tỉnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, trước những vấn đề sức khỏe tâm thần đang ngày càng trở nên nghiêm trọng ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 – 2025.

Mục tiêu chung là "tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình trạng rối loạn tâm thần gia tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO