Những hình ảnh học sinh hóa trang thành các nhân vật ma quỷ kinh dị, ghê rợn, thậm chí có nhóm bạn trẻ hóa trang giả người chết khiến dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên tổ chức lễ hội Halloween trong trường học.
Có nên tổ chức Halloween trong trường học?
Halloween được biết đến với cái tên lễ hội ma quỷ hay lễ hội hóa trang. Đây là lễ hội văn hóa có nguồn gốc từ Kitô giáo, diễn ra vào ngày 31/10 hàng năm để tưởng nhớ các vị thánh, các vị tử đạo cùng tín hữu trung kiên đã qua đời và để con người không còn sợ hãi cái chết.
Vào dịp này, hoạt động hóa trang thành những nhân vật ma quái, khắc bí ngô, xin kẹo… đã trở thành một nét đặc trưng của lễ hội Halloween.
Tại Việt Nam, lễ hội Halloween đã được du nhập hơn chục năm nay và ngày càng phổ biến. Không chỉ có giới trẻ tổ chức rầm rộ trên khắp đường phố, nhiều trường học cũng tổ chức lễ hội này.
Tuy nhiên, sau khi kết thúc lễ hội Halloween, những hình ảnh hóa trang ma quỷ kinh dị, rùng rợn xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội, thậm chí có nhóm bạn trẻ hóa trang giả người chết trên đường Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh) khiến nhiều ý kiến tranh luận gay gắt, bày tỏ sự bất bình. Trong đó có không ít người cho rằng, nên bỏ việc tổ chức lễ hội ma quỷ này trong trường học vì phi giáo dục.
Trên một diễn đàn mạng xã hội, một cô giáo chia sẻ quen điểm: “Đề nghị cấm tổ chức Halloween trong trường học. Một trào lưu ngoại lai không mang tính giáo dục với những hình ảnh ma quỷ, máu me, rùng rợn!”. Chỉ chưa đầy 1 ngày đăng tải, nội dung này đã nổ ra cuộc tranh luận gay gắt với gần 13 nghìn người bình luận và hơn 3 nghìn lượt chia sẻ.
Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, nhiều ý kiến của phụ huynh, giáo viên thì cho rằng: Cấm là biện pháp áp đặt, lỗi thời, khó kiểm soát nếu các em thực hiện ngoài nhà trường.
Chị Hoàng Diệu Thúy (quận Long Biên, Hà Nội) phụ huynh có con đang học lớp 2 cho biết, hôm qua con đi học về rất phấn khởi vì con và các bạn xin được rất nhiều kẹo từ hoạt động Halloween mà nhà trường tổ chức.
“Quan trọng là hưởng ứng, tổ chức lễ hộ này thế nào. Như ở trường con tôi, nhà trường trang trí rất dễ thương chứ không đáng sợ. Con tôi vui vẻ và háo hức tham gia. Mình hòa nhập chứ không hòa tan. Ngăn cấm không phải là biện pháp tốt”, chị Thúy nói.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Hoài Phương - một phụ huynh ở quận Tây Hồ cho hay: “Bất kỳ điều gì cấm thì học sinh vẫn sẽ làm, mà khi trí tò mò bị kích động cộng thêm thiếu sự hướng dẫn thì các con sẽ đi khỏi tầm kiểm soát. Tổ chức Halloween không xấu, nhưng tổ chức như thế nào và trong moi trường nào để nó không xấu đi mới quan trọng”.
Chuyên gia nói gì?
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) phân tích, trong thời kỳ toàn cầu hóa, nhiều sản phẩm văn hóa, hoạt động văn hóa của các dân tộc, các quốc gia được hội nhập, tiếp nhận và thực hành tại Việt Nam. Bản thân các môn thể thao cũng có nguồn gốc từ phương tây và được lan rộng. Ở mặt tích cực, lễ hội Halloween được du nhập và Việt Nam cũng theo xu thế chung của toàn thế giới.
Tuy nhiên ở mặt tiêu cực, theo PGS.TS Lê Quý Đức, trong văn hóa có sự lây lan, bắt chước, thấy người ta làm thì mình cũng làm theo mà không hiểu biết về ý nghĩa của lễ hội, hoạt động văn hóa đấy.
Ở Việt Nam cũng có một số hoạt động, hình thức tương tự lễ hội Halloween như trong văn chương, thơ ca, hò vè cũng có chuyện đóng ma quỷ; cũng có mặt nạ, múa lân, múa ông Địa, hay trong nhiều đình chùa cũng có hình ảnh 9 tầng địa ngục để răng dạy con người hướng tới những điều thiện, điều tốt; xua đuổi điều ác. Tuy nhiên những hình thức, hoạt động này không phổ biến trở thành một ngày hội như Halloween.
PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng: “Những hoạt động văn hóa thường lây lan một cách tự nhiên, tự do nhưng nếu chúng ta tiếp thu văn hóa các nước chủ động, tích cực và có sự hiểu biết, hướng dẫn thì cái hay sẽ được phát huy và cái dở sẽ hạn chế dần”.
Trước ý kiến lo ngại với lễ hội Halloween du nhập vào Việt Nam có thể xâm hại đến tâm hồn trẻ thơ với những hình ảnh và trò chơi rùng rợn, PGS.TS Lê Quy Đức nêu quan điểm, với những đứa trẻ, việc các em thích thú bắt chước, hóa trang thành ma quỷ, máu me đúng là điều không tốt nhưng không vì thế mà cấm việc tổ chức lễ hội này trong trường học.
Điều quan trọng là nhà trường nhận thức về lễ hội và hướng dẫn cho học trò thực hành lễ hội đó như thế nào. Nhà trường hoàn toàn có thể đưa ra các quy định cụ thể giới hạn về việc hóa trang, trang phục.
“Giáo dục giới trẻ không chỉ có nhà trường mà cần sự vào cuộc của cộng đồng xã hội, các cơ quan đoàn thể và cả ý thức, trách nhiệm của những người buôn bán những mẫu mã mặt nạ ma quỷ đó. Việc này tưởng là việc nhỏ của nhà trường nhưng là việc chung của xã hội”, PGS.TS Lê Quý Đức nhấn mạnh.