Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, việc tổ chức kiểm tra tiếng Hàn đặc biệt trên máy tính cho người lao động đã làm việc theo Chương trình EPS về nước đúng hạn, có nguyện vọng tái nhập cảnh Hàn Quốc là một trong những giải pháp khuyến khích, vận động người lao động chấp hành hợp đồng lao động, về nước đúng hạn.
Những đối tượng nào được đăng ký?
Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) vừa thông báo tổ chức kỳ thi tiếng Hàn đặc biệt trên máy tính năm 2025, dành cho người lao động làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc) về nước đúng hạn, và có nguyện vọng tái nhập cảnh Hàn Quốc. Theo đó, kỳ thi dành cho lao động đăng ký đi làm việc ngành sản xuất chế tạo, nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng. Nếu người lao động có nguyện vọng quay trở lại làm việc tại công ty cũ (thời gian làm việc trên 1 năm), cần phải đăng ký ngành nghề như ngành nghề đã làm tại công ty cũ.
Để tham gia kỳ thi này, theo Trung tâm Lao động ngoài nước, người lao động đã làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, hết thời hạn 3 năm đã được gia hạn thời gian làm việc thêm 1 năm 10 tháng, về nước đúng thời hạn hoặc trước khi hết hạn cư trú hợp pháp tại Hàn Quốc (thời điểm về nước từ ngày 1/1/2010 trở lại đây).
Người lao động cần đảm bảo độ tuổi từ 18 đến hết 39; chưa có án tích theo quy định của pháp luật; không bị cấm xuất cảnh Việt Nam; chưa từng bị trục xuất khỏi Hàn Quốc. Nếu đã từng cư trú tại Hàn Quốc theo diện visa E-9 hoặc E-10, thì tổng thời gian cư trú phải dưới 5 năm. “Chỉ những người lao động đã về nước đáp ứng các điều kiện nêu trên mới được đăng ký dự thi. Trường hợp chưa về nước nhưng nhờ người khác đăng ký được xem là không hợp lệ” - Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết.
Một số người lao động gia hạn cư trú trong thời gian dịch Covid-19 do không thể mua được vé máy bay về nước, hoặc đăng ký tự mua vé về nước có thể không được cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu của phía Hàn Quốc.
Trường hợp được tự động gia hạn thời gian làm việc 1 năm (gia hạn trực tiếp) sẽ không bị tính vào tổng thời gian làm việc (không quá 5 năm). Tuy nhiên, có khả năng không có tên trong danh sách đủ điều kiện đăng ký dự thi. Trong trường hợp này, người lao động cung cấp giấy tờ chứng minh gồm: giấy tờ tùy thân, thông tin chứng minh được gia hạn cư trú, thông tin xuất cảnh.
Thận trọng khi làm hồ sơ đăng ký
Theo Bản ghi nhớ giữa Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc với Bộ LĐTBXH Việt Nam, Trung tâm Lao động ngoài nước là cơ quan duy nhất có thẩm quyền phái cử người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS. Vì vậy, người lao động cần lưu ý và phòng tránh những hành vi lừa đảo.
Chỉ những người lao động đã đạt yêu cầu qua kỳ thi tiếng Hàn và nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển tại Trung tâm Lao động ngoài nước, mới có thể được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc tuyển dụng.
Những cá nhân, tổ chức cố tình tham gia, gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phái cử sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Đáng chú ý, người lao động chỉ phải nộp khoản tiền Việt Nam tương đương 28 USD để tham dự kỳ thi tiếng Hàn đặc biệt (EPS-TOPIK). Trong trường hợp đạt yêu cầu qua kỳ thi và đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc, người lao động lưu ý chỉ nộp những khoản tiền đã được Bộ LĐTBXH quy định, để Trung tâm Lao động ngoài nước thực hiện các thủ tục cần thiết đưa người lao động sang Hàn Quốc làm việc.
Theo Bộ LĐTBXH, sau 3 năm thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), hoạt động đưa người lao động ra nước ngoài làm việc của nước ta chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp và liên tục ghi nhận thành tích mới. Thời gian qua, bình quân mỗi năm Việt Nam đưa khoảng 150.000 người lao động ra 40 thị trường nước ngoài làm nhiều công việc, ngành nghề khác nhau. Đa số các doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Luật, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ, phục vụ công tác đào tạo lao động trước khi phái cử. Nhiều doanh nghiệp cũng đã hướng đến những thị trường cao hơn, chú trọng chất lượng hơn số lượng và đưa được những lao động có trình độ, tay nghề cao ra nước ngoài. Riêng trong năm 2024 đã đưa 159.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc tiếp tục là 3 thị trường tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam sang làm việc.