Những ngày gần đây cả Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều có những quyết định quan trọng, đó là việc thành lập tổ công tác đặc biệt, do người đứng đầu Đảng bộ, chính quyền thành phố làm tổ trưởng. Tổ công tác đặc biệt với quyền hạn lớn được kỳ vọng sẽ nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển.
Tại Hà Nội, ngày 16/8, ông Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố đã làm Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn. 2 Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Tổ phó. Các thành viên bao gồm giám đốc nhiều sở, ngành, ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Nhiệm vụ quan trọng của Tổ công tác đặc biệt là làm việc với sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã để giải quyết dứt điểm các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương.
Cùng thời điểm, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành và Tổ giúp việc triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Ban Chỉ đạo có 13 người, do ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM làm Trưởng ban.
Trước đó, Chủ tịch UBND TPHCM đã ký quyết định thành lập Hội đồng tư vấn và Tổ thư ký Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98. TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, làm Chủ tịch Hội đồng.
Vào tháng 7/2023, UBND TPHCM cũng đã thành lập Tổ công tác liên ngành và Tổ giúp việc triển khai xây dựng Chương trình phát triển đô thị TPHCM và Chương trình phát triển đô thị TP Thủ Đức; do ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND thành phố làm Tổ trưởng.
Và mới đây, ngày 17/8, UBND TPHCM đã có công văn gửi các sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, kiên quyết xử lý tình trạng cán bộ lơ là, không làm hết trách nhiệm, sợ trách nhiệm, sách nhiễu trong thực thi công vụ. Đặc biệt là trong công tác phê duyệt quy hoạch, thực hiện các thủ tục về đầu tư, cấp phép, đấu thầu, đấu giá, định giá đất đai, bất động sản. Chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, gây khó dễ hoặc chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục của các dự án đầu tư bất động sản.
Thực hiện luân chuyển, xử lý cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Điểm lại một số quyết định mới nhất của lãnh đạo hai thành phố lớn nhất cả nước để thấy quyết tâm hành động, không chấp nhận sự trì trệ, sợ sai; không dung túng, xuê xoa với tiêu cực, nhũng nhiễu, trục lợi; tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để tăng tốc phát triển, phát triển lành mạnh.
Về các tổ (ban) công tác đặc biệt của Hà Nội và TPHCM, được chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ, chính quyền thành phố, có quyền giải quyết trực tiếp với hy vọng “hiệu quả tức thì”. Tổ công tác đặc biệt không làm thay nhiệm vụ của các sở, ban ngành, địa phương nhưng sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc; từ đó góp phần ngăn chặn tình trạng né tránh, đùn đẩy, “chuyền ngang chuyền dọc, đá lên đá xuống”; cũng ngăn chặn tình trạng “cha chung không ai khóc” coi đó là việc của ai đó chứ không phải của mình. Thành công thì nhận lấy, còn khuyết điểm thì đổ cho tập thể.
Việc hai thành phố lớn nhất đất nước quyết tâm thúc đẩy sự vận hành của bộ máy cũng cần được các tỉnh thành khác trong cả nước học tập, làm theo. Thành lập tổ (ban) công tác đặc biệt sẽ làm tăng thêm việc cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nhưng chắc chắn sẽ có hiệu quả. Mặt khác, tổ công tác đặc biệt có sự tham gia của người đứng đầu các sở, ban ngành sẽ tạo được sự khách quan, minh bạch trong quá trình kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc, xử lý sai phạm (nếu có).
Đây cũng chính là động thái kiên quyết trong việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính. Đó là việc làm cần thiết trong công tác cán bộ, là khâu “then chốt của then chốt” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở.