Ngày 30/3, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 4, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến về đề án vị trí việc làm của Tòa án; Tờ trình của Tòa án về việc cử ủy viên hội đồng tuyển chọn giám sát thẩm phán quốc gia.
Ủy ban Tư pháp cho ý kiến về Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Thuân cho biết, về biên chế giữ nguyên số lượng biên chế đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ năm 2012 là 15.237 người.
Triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức viên chức tòa án nhân dân giai đoạn từ nay đến năm 2021 thực hiện tinh giản 10% số lượng biên chế.
Đối tượng tinh giản là các cán bộ công chức mà năng lực, phẩm chất không đáp ứng nhu cầu, sức khỏe không bảo đảm, có nguyện vọng xin nghỉ theo quy định của Chính phủ về tinh giản biên chế.
Theo ông Thuân, hiện Tòa án đang xây dựng và hoàn thiện Bộ tiêu chuẩn chức danh công chức trong hệ thống tòa án để làm cơ sở sắp xếp bố trí cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.
Đồng thời trình Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung 449 thẩm phán sơ cấp cho các Tòa án nhân dân cấp huyện. Ông Thuân cũng đề xuất, sau khi tinh giản xong, căn cứ vào nhu cầu của từng Tòa án, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tuyển dụng bổ sung số biên chế đã tinh giản.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, vị trí việc làm và biên chế là 2 nội dung khác nhau thuộc phạm vi thuộc 2 đề án khác nhau.
Cho nên chỉ xác định vị trí trí việc làm, còn biên chế thuộc về đề án biên chế. Do đó đề án biên chế chỉ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt sau khi Tòa án đã có đề án vị trí việc làm.
Ông Cường cũng cho rằng, trong đề án này Tòa đề xuất tăng 36% biên chế, tức là hơn 4.000 người. Dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét nhưng việc tăng thêm là hết sức cân nhắc vì đây là con số lớn trong khi chúng ta đang tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
Do đó Tòa án cần xin ý kiến của Bộ Chính trị trước khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ xem xét cho ý kiến sau khi đã có ý kiến của Bộ Chính trị.
Ủng hộ việc tăng 10% biên chế mà Tòa đề xuất, dẫn chứng thực tiễn xét xử thống kê hàng năm xu hướng nhiều vụ án giải quyết, ĐB Nguyễn Hữu Chính phân tích đề nghị cần xác định vị trí việc làm cho từng nhiệm vụ, loại việc để từ đó suy ra biên chế.
ĐB Mai Khanh- Ủy viên Ủy ban Tư pháp cho rằng, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị để minh bạch trong tăng biên chế và bố trí cán bộ nhưng không nhất thiết phải bó cứng, nếu vị trí việc làm chưa phù hợp thì phải xem xét điều chỉnh.
Hiện căn cứ vào mức vụ án để khoán chỉ tiêu là không hợp lý vì không thể lấy đầu 5-7 vụ/ 1 thẩm phán trong 1 tháng để áp. Bởi có vụ phức tạp kéo dài 1-2 tháng mới xong, chưa kể có vụ nhiều năm với xong.
Do đó tới đây Tòa án nên bỏ mức khoán trên vì công việc của tòa án là đặc thù. Bởi chính áp lực công việc tăng nên có tình trạng thẩm phán có biện pháp giãn tiến độ giải quyết vụ án ra.
Giải trình thêm, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trần Văn Thuân cho biết: Đề án này là xây dựng cho lâu dài. Còn từ nay đến năm 2021 Tòa án không tăng thêm ai cả.
Theo tinh thần là giảm 10% biên chế và xin phép tuyển dụng bổ sung 10% do hiện Tòa mới được giao thêm nhiều nhiệm vụ. Ngay giai đoạn hiện nay Chánh án đã có chỉ đạo không được tuyển thêm biên chế, kể cả số nghỉ hưu khá lớn nhưng cũng không được tuyển thêm và thẩm phán phải làm thêm việc.
Kết luận phiên họp, ủng hộ quan điểm của Tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Tòa án tính toán, tổ chức lại bộ máy cũng như vị trí việc làm theo nhiệm vụ được giao, tính đủ, tính đúng nhiệm vụ để các vị trí không trùng lắp, khoa học và hợp lý, cũng như chấp hành đúng quy định của Đảng về tinh giản bộ máy.
Liên quan đến tờ trình của Tòa án về việc cử ủy viên hội đồng tuyển chọn giám sát thẩm phán quốc gia, các ĐB đã đồng tình việc cử ông Ngô Sách Thực- Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thay bà Bùi Thị Thanh- Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tham gia Hội đồng tuyển chọn giám sát thẩm phán quốc gia do UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có công văn đề nghị sang Tòa án do bà Bùi Thị Thanh được Mặt trận phân công đảm nhận nhiệm vụ công tác mới.