Ngày 1/4/2016, tại Hội trường Thống nhất, TP HCM sẽ chính thức diễn ra Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần thứ tư do Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đăng cai tổ chức. Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị.
Sáng 29/3/2016, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, đồng chí Tống Anh Hào,
Phó Chánh án TANDTC Việt Nam thân mật đón tiếp Đoàn đại biểu cấp cao
Tòa án tối cao Philippines do Bà Loudes Sereno,
Chánh án Tòa án tối cao Philippines làm Trưởng đoàn, đến dự Hội nghị.
Hội nghị lần thứ nhất tổ chức năm 2013 tại Singapore; lần thứ hai năm 2014 tại Malaysia; lần thứ ba tại Philippines. Hội nghị lần thứ tư tại Việt Nam dự kiến có sự tham dự của 10 đoàn đại biểu Tòa án tối cao các nước trong khối ASEAN, với khoảng 60 khách quốc tế và 50 khách Việt Nam.
Các đại biểu là Chánh án, phó Chánh án, Thẩm phán, cán bộ cấp cao của Tòa án tối cao các nước trong khu vực. Về phía Việt Nam, Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện các Bộ, Ban, Ngành có liên quan. Hội nghị sẽ chính thức Khai mạc sáng ngày 1/4/2016, dự kiến sẽ bế mạc vào 17h30 ngày 1/4/2016.
Đây là Hội nghị thường niên và do Tòa án tối cao các nước ASEAN luân phiên đăng cai tổ chức. Mục tiêu của Hội nghị là thúc đẩy sự hợp tác gắn kết và hiểu biết lẫn nhau giữa tòa án các nước ASEAN, tạo ra một diễn đàn cho Chánh án các nước ASEAN thảo luận, trao đổi về các vấn đề tư pháp mà Tòa án các nước cùng quan tâm. Hội nghị nhằm thúc đẩy hợp tác tư pháp giữa Tòa án các nước ASEAN, phục vụ cho định hướng phát triển kinh tế của Cộng đồng kinh tế ASEAN theo nguyên tắc đồng thuận.
Tòa án tối cao Việt Nam đề xuất 6 Chủ đề lớn của Hội nghị
Tại các Hội nghị trước đây, Tòa án các nước đã chủ động đưa ra các sáng kiến hợp tác, các chủ đề nhằm xây dựng phương hướng hoạt động. Hội nghị đề xuất thành lập Nhóm công tác (bao gồm đại diện Tòa án các nước thành viên), để thực hiện các nhiệm vụ được Hội nghị Chánh án giao. Cho đến nay, Hội nghị Chánh án ASEAN đã phê chuẩn và đang thực hiện 3 hoạt động chủ yếu: (1) Xây dựng Cổng thông tin điện tử Tòa án các nước ASEAN, (2) Xây dựng cơ chế tống đạt giấy tờ tư pháp trong tố tụng dân sự giữa các nước ASEAN và (3) Đào tạo tư pháp.
Cổng Thông tin điện tử Tòa án ASEAN liên quan mật thiết đến các hoạt động hợp tác kinh tế trong khu vực. Cổng Thông tin này nhằm tạo môi trường thông tin pháp luật minh bạch trong khu vực, qua đó củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện hợp tác kinh tế và tư pháp nội khối. Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho các Thẩm phán, Luật sư các nước có thể dễ dàng tra cứu, tìm hiểu pháp luật các nước, nhằm giải quyết tốt các tranh chấp có liên quan đến các nước thành viên. Hoạt động xây dựng Cổng Thông tin điện tử ASEAN hiện đang được triển khai tại một số Tòa án tối cao các nước, đang tiếp tục hoàn thiện chung tại các quốc gia trong nội khối.
Tống đạt giấy tờ tư pháp trong nội khối cũng được các nước ASEAN quan tâm đặc biệt. Việc hướng đến một Điều ước hay thỏa thuận đa phương, nhằm thống nhất một cơ chế chung, đảm bảo hiệu quả hoạt động tống đạt giấy tờ tư pháp trong lĩnh vực dân sự là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều nước trên thế giới đã tham gia Công ước La Hay 1965 về “Tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại”.
Việt Nam cũng như một số quốc gia khác của ASEAN hiện đang trong quá trình xem xét gia nhập vào Công ước này. Nhưng hiện nay, tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đều chưa tham gia Công ước. Do đó, Hội nghị Chánh án ASEAN đang hướng đến xây dựng một Hiệp định hoặc Thỏa thuận chung về Tống đạt giấy tờ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, dựa trên mô hình của Công ước La Hay 1965. Mục đích của thỏa thuận là tạo cơ chế đơn giản, nhanh gọn cho Tòa án các nước nội khối, thực hiện việc tống đạt giấy tờ sang các nước thành viên khác, qua đó giúp các Tòa án giải quyết, xử lý các vụ án nhanh chóng, hiệu quả.
Tuy nhiên, đối với một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, thẩm quyền đề xuất, đàm phán, ký kết các Điều ước quốc tế hoặc thảo thuận quốc tế trong lĩnh vực này không thuộc về Tòa án tối cao. Do vậy, tại Hội nghị lần thứ tư này, sẽ là dịp để Chánh án các nước ASEAN thảo luận sâu hơn, đưa ra các sáng kiến mới, thích hợp, nhằm giải quyết hài hòa nhu cầu về tống đạt giấy tờ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa các nước; các yêu cầu liên quan được quy định bởi pháp luật của mỗi quốc gia, hoặc có thể thảo luận để cùng nhau đưa ra một Tuyên bố chung, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình để các nước ASEAN sớm gia nhập Công ước La Hay 1965 về vấn đề này.
Ý tưởng xây dựng một Hiệp định hoặc Thảo thuận chung về tống đạt giấy tờ tư pháp về lĩnh vực dân sự, thương mại trong các nước thành viên ASEAN, hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về tăng cường hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp. Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã nêu rõ: “Tiếp tục ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước, trước hết ưu tiên với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và các nước có quan hệ truyền thống”. Hiện trong phạm vi ASEAN, Việt Nam mới chỉ ký kết Hiệp định song phương về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự với Lào và Campuchia. Với 8 nước thành viên còn lại, chưa có một thỏa thuận nào làm cơ sở để thực thi hiệu quả việc tống đạt giấy tờ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.
Đẩy mạnh hợp tác về đào tạo tư pháp giữa các nước ASEAN là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, nghiệp vụ với các nước; trang bị và giúp cho đội ngũ Thẩm phán những kiến thức cần thiết để đối phó với những khó khăn, thách thức phát sinh trong bối cảnh Hội nhập kinh tế. Kinh nghiệm về đào tạo, bồi dưỡng tư pháp, các chức danh Tòa án của các nước sẽ là nguồn tham khảo có giá trị, giúp Học viện Tòa án Việt Nam và các cơ sở đào tạo khác trong cả nước nghiên cứu, học hỏi trong quá trình xây dựng, hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực chuyên môn cho công tác đào tạo các chức danh tư pháp.
Với tư cách là Chủ tịch đương nhiệm của Hội nghị Chánh án ASEAN (Hội nghị lần thứ 3), Tòa án tối cao Phillippines đã tổ chức phiên họp các Nhóm công tác vào tháng 2-2016 để rà soát tiến độ thực hiện các hoạt động hiện tại và đề xuất các sáng kiến mới sẽ được thảo luận tại Hội nghị lần thứ tư. Từ kết quả phiên họp này, sau khi tham vấn Tòa án tối cao các nước ASEAN, Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam quyết định đưa ra 06 chủ đề trao đổi tại Hội nghị Chánh án lần thứ tư tại thành phố Hồ Chí Minh, gồm: (1) Thể chế hóa Hội nghị Chánh án ASEAN, (2) Hội nhập ASEAN, (3) Xây dựng Cổng thông tin điện tử Tòa án ASEAN, (4) Đào tạo tư pháp; (5) Quản lý vụ án và Công nghệ tại tòa án, (6) Giải quyết tranh chấp gia đình xuyên biên giới.
Hội nhập tư pháp thúc đẩy Cộng đồng ASEAN phát triển
Với 06 Chủ đề cơ bản, quan trọng sẽ được bàn thảo tại Hội Nghị Chánh án ASEAN lần thứ tư này, Chánh án các nước ASEAN đều thống nhất đặt ưu tiên hàng đầu trong Hội nghị lần thứ tư cho chủ đề: Thể chế hóa Hội nghị Chánh án ASEAN, nhằm đưa cơ chế hợp tác trong ASEAN thực sự hiệu quả. Và xa hơn nữa là: Đưa hội nghị Chánh án ASEAN ngang tầm với Hội nghị của Người đứng đầu cơ quan lập pháp, hành pháp của các nước trong khu vực.
Hội nghị cũng đặt ưu tiên thứ hai cho chủ đề: Hội nhập ASEAN, nhằm chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực cải cách pháp luật và tư pháp, cùng nhau tìm ra những chuẩn mực chung của khu vực, hài hòa hóa pháp luật và thực tiễn tư pháp của các nước cho phù hợp với các chuẩn mực chung đó. Đây là những nội dung then chốt của Hội nghị Chánh án ASEAN lần thứ tư và được Tòa án các nước ASEAN đặc biệt quan tâm.
Trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN vừa chính thức được thành lập, với mong muốn xây dựng một cộng đồng ASEAN hoạt động trên các nguyên tắc chung, vì lợi ích của người dân, người dân được thụ hưởng những thành quả từ việc hội nhập khu vực ASEAN, sự hợp tác của Tòa án Việt Nam với các nước ASEAN (trong khung khổ Hội nghị Chánh án ASEAN), là một kênh hợp tác đa phương, hữu hiệu để hiện thực hóa các mục tiêu chung của Cộng đồng ASEAN và của Tòa án các nước ASEAN nói riêng.
Tuyên bố Kuala Lumpur được Lãnh đạo các nước ASEAN ký tháng 11/2015 vừa qua đã nhấn mạnh nội dung cam kết trong các Tuyên bố trước đây, xác định phương hướng tương lai cho một ASEAN là: “Gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm xã hội, dựa trên luật lệ, thực sự hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm”. Theo đó, cùng với 03 trụ cột chính hình thành Cộng đồng ASEAN là Chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội, thì pháp luật được coi là yếu tố góp phần tạo nên một Cộng đồng ASEAN “Thống nhất trong đa dạng”.
Hiện nay, nước ta hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, hợp tác về pháp luật và tư pháp là một nội dung hợp tác không thể tách rời với các nội dung hợp tác khác trên mọi lĩnh vực. Mục tiêu của Cộng đồng kinh tế ASEAN là phát triển ASEAN trở thành một khu vực ổn định, thịnh vượng, cạnh tranh với sự phát triển kinh tế công bằng, giảm đói nghèo và phân hóa kinh tế - xã hội. Đồng thời, ASEAN hình thành sẽ thúc đẩy dòng đầu tư thương mại trong nội khối, cũng như từ các Cộng đồng kinh tế và các quốc gia khác trên các Châu, Lục khác nhau đổ về ASEAN. Cùng với cơ hội đó, các nước ASEAN sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới, trong đó có vấn đề liên quan đến lĩnh vực tư pháp. Các tranh chấp về dân sự, kinh doanh thương mại quốc tế sẽ gia tăng đáng kể; các loại tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm truyền thống và phi truyền thống có điều kiện phát triển và phức tạp hơn.
Do đó, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị ASEAN không những thể hiện trách nhiệm, vai trò của nước ta đối với các hoạt động trong phạm vi ASEAN, mà còn hướng tới lợi ích cụ thể, thiết thực cho Nền tư pháp Việt Nam nói chung, vai trò và vị thế của Tòa án Việt Nam nói riêng trong bối cảnh nước ta Hội nhập quốc tế mạnh mẽ, sâu rộng cả trong hiện tại và tương lai.
Việc tổ chức thành công Hội nghị Chánh án ASEAN lần thứ tư sẽ góp phần làm phong phú thêm các lĩnh vực hợp tác, tăng cường mối liên kết chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên ASEAN, tạo sức mạnh nội khối, góp phần thiết thực đẩy mạnh đầu tư, tăng cường hợp tác kinh tế trong phạm vi ASEAN. Đồng thời, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư từ các Cộng đồng kinh tế và các quốc gia khác trên toàn thế giới đối với cộng đồng kinh tế ASEAN.
Được sự đồng ý của Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần thứ 3 (tổ chức tại Philippin năm 2015), sau khi báo cáo Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao đã đăng cai tổ chức Hội nghị Chánh án ASEAN lần thứ 4 tại Hội trường Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến Hội nghị có sự tham dự của 10 đoàn đại biểu Tòa án tối cao các nước trong khối ASEAN, với khoảng 60 khách quốc tế và 50 khách Việt Nam. Các đại biểu là Chánh án, phó Chánh án, Thẩm phán, cán bộ cấp cao của Tòa án tối cao các nước trong khu vực. Về phía Việt Nam, Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện các Bộ, Ban, Ngành có liên quan. Hội nghị sẽ chính thức Khai mạc sáng ngày 01/04/2016, dự kiến sẽ bế mạc vào 17h30 ngày 01/4/2016. |