Tọa đàm trực tuyến: Bóng đá nữ - Phía sau hào quang

nhóm PV 22/02/2022 09:21

Nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết tặng hoa cho các khách mời. Ảnh: Quang Vinh.

Chiến tích giành vé dự World Cup lần đầu tiên trong lịch sử của đội tuyển nữ Việt Nam đã mang lại niềm vui vô bờ bến cho người hâm mộ cả nước.

Bên cạnh niềm vui và tự hào, phía trước cũng bộn bề khó khăn, trở ngại mà các “cô gái vàng” của nước nhà đang phải đối mặt trên con đường đi tới vinh quang.

Các “nữ chiến binh quần đùi áo số” không chỉ là thử thách từ các sân chơi đẳng cấp châu lục và thế giới với những đối thủ mạnh, đó còn là vô vàn rào cản, trở ngại của cơ chế đầu tư phát triển, của các định kiến và cả những khó khăn đời thường cũng như tương lai còn bỏ ngỏ.

Nhân dịp này, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề Bóng đá nữ: Phía sau hào quang với sự tham dự của HLV trưởng Đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia Mai Đức Chung, tiền đạo Đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia Phạm Hải Yến, Chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú - Ủy viên Thường trực BCH LĐBĐVN.

Buổi tọa đàm được tường thuật trực tiếp trên báo Đại Đoàn Kết điện tử, livestream trên fanpage và kênh YouTube của báo.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Mở đầu Tọa đàm, ông Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết chia sẻ, chúng ta đã tận hưởng niềm vui chiến thắng và bây giờ là câu chuyện lâu dài cho bóng đá nữ. Tọa đàm: Đội tuyển nữ Việt Nam- Phía sau hào quang, mong muốn góp thêm một tiếng nói cùng xã hội hướng đến những kế sách lâu dài cho bóng đá nữ Việt Nam.

Phía sau hào quang là gì? Là bản lĩnh Việt Nam được thể hiện trên đấu trường quốc tế, là những vất vả hy sinh không nói hết bằng lời của tập thể đội bóng, ban huấn luyện và các nhà quản lý. Phía sau hào quang là những khoảng lặng đối diện với những câu chuyện đời của mỗi cầu thủ. Và phía sau hào quang phải là những quan tâm bền vững, lâu dài, những chính sách thỏa đáng để tạo lập nên một nền bóng đá mà ở đó các cô gái được thỏa đam mê, và tương lai được đảm bảo lâu dài.

Phía sau hào quang không chỉ tôn vinh, ngợi ca, hò reo chốc lát rồi mọi thứ lại trở về những lo toan, hụt hẫng và các cầu thủ lại ra sân với những phấp phỏng lo âu. Sau hào quang phải làm nhiều hơn nữa để bóng đá Việt Nam tham gia các sân chơi khu vực và thế giới không phải chỉ là câu chuyện nỗ lực, vượt khó mà là kết quả của sự đầu tư quan tâm toàn diện đến từ các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng con người trong thể thao một cách bài bản!

Thưa các quý vị!

Với sự tham gia của các vị khách mời gắn bó, am hiểu, sâu sắc với bóng đá, bạn đọc sẽ hiểu thêm những góc sâu kín sau hào quang, qua đó góp thêm tiếng nói để cùng với các nhà hoạch định chính sách, cùng xã hội có quan tâm, tìm ra các giải pháp để xây dựng, phát triển bóng đá nữ từ sự kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử mà thầy trò HLV Mai Đức Chung đã tạo ra.

Nhà báo Nguyễn Công Khanh tại Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Nhà báo Công Khanh:Thưa HLV Mai Đức Chung, ông có thể cho biết cảm xúc của mình ngoài đường piste, khi Đội tuyển bóng đá nữ giành quyền tham dự vòng Chung kết World Cup?

HLV Mai Đức Chung phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

HLV Mai Đức Chung: Đến bây giờ tôi vừa xem lại video tâm trạng vẫn còn xúc động, quá tự hào về các cầu thủ bóng đá nữ. Có lúc chúng tôi nghĩ phải từ giã cuộc chơi vì vận động viên bị Covid quá nhiều, nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn phải duy trì luyện tập. Công lao này không phải của riêng ai mà của cả tập thể, chúng tôi đã giành được tấm vé vào World Cup lần này.

Nhà báo Công Khanh:Còn với Phạm Hải Yến – nữ tiền đạo xuất sắc của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam?

Tiền đạo Hải Yến tại Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Tiền đạo Hải Yến: Lời đầu tiên cho em xin gửi lời chào đến tất cả mọi người có mặt ở tọa đàm và những khán giả đang theo dõi livestream trực tiếp. Bản thân em và các đồng đội rất tự hào khi kết thúc trận đấu. Vì trước khi bước vào trận đấu mọi người đã gặp rất nhiều khó khăn, không một ai nghĩ là có thể đạt được thành công như vậy, khi mọi chuyện có thể thì chúng em chỉ biết ôm nhau vỡ òa, hạnh phúc tột cùng trong phòng thay đồ.

Nhà báo Công Khanh:Chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú có thể bình luận gì về kết quả tuyệt vời của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia?

Chuyên gia Phan Anh Tú tại Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Chuyên gia Phan Anh Tú: Có lẽ nói về thành tích của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, những người làm bóng đá đều cảm thấy vinh dự. Bất cứ ai cũng mong muốn Việt Nam có đội tuyển tham dự các giải đấu quốc tế để mang hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Đây là vinh dự rất lớn.

Phải nói là, mục tiêu giành tấm vé dự World Cup này đã được xuất hiện từ khá sớm. Các vận động viên, Ban huấn luyện cũng xác định rõ. Nếu không được xác định rõ từ sớm thì khó khăn này khó có thể vượt qua.

Điều giỏi nhất của đội tuyển nữ của chúng ta là biến nguy thành cơ. Trước tình huống nhiều vận động viên bị mắc Covid-19 nhưng trong quá trình theo dõi, chúng tôi thấy toàn đội đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng và khéo léo. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có những thuận lợi. Hai trận đấu với đội mạnh, chúng ta lấy lại thể lực, nhịp thi đấu, đồng thời chiến lược tác chiến rất may. Giới chuyên môn chúng tôi nhận thấy chiến lược tác chiến của thầy trò HLV Mai Đức Chung rất phù hợp.

Ngay trận đấu cuối cùng với Đài Bắc Trung Hoa, dù thi đấu với đội mạnh hơn nhưng độ tinh tế, phong độ của đội tuyển nữ chúng ta thể hiện rất mạnh. Chúng ta thấy đi rất đúng hướng cộng sự may mắn đã mang về chiến thắng vinh dự cho chúng ta được dự World Cup. Chiến thắng này cũng thể hiện mục tiêu rõ ràng của cả đội tuyển và tài cầm quân của thầy Mai Đức Chung.

Nhà báo Công Khanh: Thưa HLV Mai Đức Chung, được biết ông đã sụt mất 5 kg, và có nhiều đêm mất ngủ trên hành trình tiến tới World Cup.… ông có thể chia sẻ thêm về giai đoạn khó khăn này?

HLV cho đội tuyển bóng đá quốc gia nữ đã hơn 20 năm. Xin HLV Mai Đức Chung cho biết tham vọng World Cup cho bóng đá nữ của Việt Nam có từ bao giờ? (Ông từng chia sẻ đã có lúc ông cũng không hình dung được vé dự World Cup của bóng đá nữ nó như thế nào?)

HLV Mai Đức Chung tại Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

HLV Mai Đức Chung: Không phải đến bây giờ chúng ta mới có nguyện vọng, cách đây 5, 7 năm, Fifa đã có điều chỉnh các đội nữ tham dự bóng đá nữ thế giới. Lúc đấy chúng tôi cũng bàn bạc và quyết tâm. Thực sự chúng ta nhìn lại những năm trước, tại Jocdan, chúng ta thua vòng loại. Đến lần này chúng ta có 20 vận động viên mắc Covid-19, 2 bác sĩ đi cùng cũng bị. Nhưng chúng tôi cũng cố gắng quyết tâm cao, chúng tôi cũng đã có lộ trình và cố gắng từ trước và chúng ta cũng gặp may mắn rất nhiều.

Có lúc chúng tôi nghĩ, đề nghị xin thua đi, ký biên bản thua 3-0 thôi, hay thua cả 2 trận đi. Thế thì không còn cách nào phải quyết tâm vào đá, hai trận mỗi trận thua 0-3 , chúng ta có lợi hơn Myanma. Đá với Myanma, chúng ta đá hòa 2-2 chúng ta đi tiếp, Myanma bị loại. Chúng ta đã cố gắng và có kết quả.

Nhà báo Công Khanh:Giới chuyên môn đánh giá cầu thủ nữ Việt Nam thua thiệt về thể hình so với cầu thủ châu Á, trình độ kỹ chiến thuật cũng còn ở 1 khoảng cách xa. Vậy khi thi đấu với những đối thủ được đánh giá cao hơn, chúng ta đã “chiến đấu” thế nào? Nhất là trong trường hợp nhiều cầu thủ vừa khỏi Covid-19- Tiền đạo Phạm Hải Yến.

Tiền đạo Hải Yến. Ảnh: Quang Vinh.

Tiền đạo Hải Yến: Trong thời gian chuẩn bị thi đấu, phần lớn các cầu thủ đều mắc Covid, trước ngày thi đấu 1 ngày thì các cầu thủ có dấu hiệu bình phục, tất cả nhận xét nghiệm âm tính.

Trước khi lên đường thi đấu, ban huấn luyện và HLV Mai Đức Chung có hỏi bọn em là: “Có muốn thi đấu hay không để còn xin thua rồi về nước”

Lúc đấy, trong group chat chung của các cầu thủ và đội trưởng Huỳnh Như, câu trả lời của toàn đội là quyết tâm dùng hết sức lực để thi đấu. Ngày đầu tiên bước sang Ấn độ, mọi người đồng lòng quyết tâm có bao nhiêu sức lực đều chơi hết cho trận đấu.

Bên cạnh đó, HLV Mai Đức Chung luôn dành thời gian nhắn nhủ, động viên: “Các em cứ chơi đi, trách nhiệm gì đã có chúng tôi” chính là động lực để Hải Yến và các cầu thủ quyết tâm giành vé bước vào World Cup.

Nhà báo Công Khanh:Từ năm 2017 tới nay là 5 năm. Sau 5 năm Việt Nam đã đạt được mục tiêu đưa đội tuyển bóng đá quốc gia nữ vào vòng Chung kết World Cup. Ông Phan Anh Tú có đánh giá gì về thành tích này?

Chuyên gia Phan Anh Tú tại Tọa đàm. Ảnh: Công Vinh.

Chuyên gia Phan Anh Tú: Chúng ta có khá nhiều bài học đau đớn khi tiến vào các vòng loại của các giải đấu quốc tế. Tại vòng play-off tranh vé đi World Cup diễn ra năm 2014, tuyển nữ Việt Nam đã thua 1-2 trước Thái Lan ngay trên sân nhà Thống Nhất. 4 năm sau, Việt Nam dự Asian Cup 2018 với hy vọng tiếp tục cạnh tranh suất play-off, nhưng không may nằm ở bảng gặp các đội mạnh châu Á như Australia, Nhật Bản, Trung Quốc.

Trên bóng đá châu Á, các đội tuyển khu vực Đông Bắc Á có khoảng cách xa với đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Trong bóng đá, việc bốc thăm cũng sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho đội tuyển. Chúng tôi cũng từng bốc thăm gặp các đội mạnh như Hàn Quốc, Nhật Bản. Năm nay, chúng ta có may mắn hơn khi rơi vào 1 bảng đấu có Myanmar, chúng ta đã vượt qua được.

Như tôi đã nói ở trên, phong độ của đội tuyển Việt Nam càng đá các trận về sau càng hay, thể hiện tài tính toán điểm rơi của thầy Mai Đức Chung. Nhưng trong bóng đá, ngoài sự nỗ lực của toàn đội thì sự may mắn cũng quyết định rất lớn. May mắn từ bảng thi đấu, với đội tuyển Úc bị loại, Bắc Triều tiên không tham gia được nên chúng ta cũng bớt đi một đối thủ. Ngoài thời cơ như vậy, chúng ta đã biết tận dụng cơ hội tốt nên đã có được kết quả xứng đáng và đầy xúc động.

Tôi thấy rằng, nếu không có dịch Covid-19, thì giải đấu này không thêm ấn tượng. Thi đấu trong điều kiện toàn đội có nhiều vận động viên mắc Covid-19 nhưng sau mỗi trận đấu có thể thấy chúng ta chơi càng ngày càng hay hơn, phong độ hơn. Việc sử dụng 3 thế hệ cầu thủ trong đội tuyển của HLV Mai Đức Chung rất hay: cầu thủ trẻ thì có sự mạnh mẽ, thi đấu tốt, cầu thủ có kinh nghiệm thể hiện sự tinh tế. Chuyên gia bóng đá như chúng tôi xem các trận đấu cũng thấy rất tự tin với lực lượng và cách dùng người của đội tuyển. Với chiến lược tốt chúng ta đã có chiến thắng tự hào như vậy.

Nhà báo Công Khanh:Đạt được thành tích tham dự World Cup bóng đá nữ đã là điều rất tuyệt vời rồi. Nhưng người hâm mộ cũng lo lắng về hành trang của đội nữ Việt Nam đến với World Cup. Họ đang có những gì và đang cần bổ sung những điều gì thưa HLV Mai Đức Chung?

HLV Mai Đức Chung. Ảnh: Quang Vinh.

HLV Mai Đức Chung: Vâng để đạt được thành tích đã có rồi để giữ được thành quả càng khó hơn. Chúng tôi tạm thời quên đi, trước mắt chúng tôi củng cố lực lượng, duy trì. Trên bàn cờ, chỉ có tốt với tượng với tướng thì khó chống đỡ mà phải có quân.

Trước mắt chúng tôi tổ chức lại lực lượng, chúng tôi đang đi tìm lực lượng vận động viên Việt kiều về tập uyện, kiểm tra, rà soát. Cái khó khăn trước mắt là phải giải quyết là nhập tịch. Ngoài ra, chúng tôi bổ sung lực lượng trẻ của Hà Nội và Quảng Ninh. Có chế độ ăn hồi phục tốt để thi đấu. Trong năm nay chúng tôi sẽ tham dự 3 giải lớn vào tháng 5, tháng 7 và tháng 9. Đó là tiền đề để sang năm chúng tôi tham dự World Cup.

Nhà báo Lê Anh Đạt phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Quanh Vinh.

Nhà báo Lê Anh Đạt: Trước khi toạ đàm diễn ra, tôi đã tìm hiểu rất nhiều về đội tuyển chúng ta, nhưng hôm nay ngồi đây, qua ý kiến của HLV Mai Đức Chung, chuyên gia Anh Tú, cầu thủ Hải yến thì có nhiều câu chuyện truyền cảm hứng. Ví dụ, chuyện HLV Mai Đức Chung biến nguy thành cơ, chuyện này không hoàn toàn lý thuyết nữa, từ cái nguy rất lớn gần như bỏ cuộc biến thành cơ, và rồi vượt qua khó khăn, chúng ta đã vào World cup.

Hay như cầu thủ Hải Yến, Hải Yến nói câu mà tôi rất thích, đó là có sức bao nhiêu thì đá bấy nhiêu. Câu nói của Hải Yến làm tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng của chị Út Tịch: “còn cái lai quần cũng đánh”. Qua tâm sự của Hải Yến, tôi thấy rất xúc cảm, có sức bao nhiêu đá bấy nhiêu, đấy là sức mạnh tinh thần.Một ý kiến của Yến nữa cũng là bài học, đó là câu chuyện vào sân chơi World cup, sau khi hoàn thành ước mơ của mình thì ước mơ của dân tộc cũng được thực hiện

Nghe qua trao đổi của người trong cuộc, đúng là chuyện thể thao luôn là chuyện truyền cảm hứng. Qua câu chuyện Thủ tướng đón đội tuyển, chúng ta hay nói đội tuyển nữ là các cô gái vàng nhưng Thủ tướng nói là các cô gái kim cương. Đúng là không có mài dũa thì không có kim cương.

Sau đây, qua phần trao đổi phía sau chúng ta sẽ nghe góc khuất, góc kín sau ánh hào quang nhưng qua phần đầu buổi toạ đàm chúng ta cũng học được rất nhiều điều.

Nhà báo Công Khanh:Thưa HLV Mai Đức Chung, được biết đã có CLB của V-League mời ông về làm HLV với mức lương hàng trăm triệu/tháng. Vì sao ông lại không nhận lời mà vẫn ở lại làm HLV đội tuyển Quốc gia nữ với lương do Liên đoàn bóng đá trả theo hợp đồng được mấy chục triệu/tháng. Vì sao ông giữ quyết định đó?

HLV Mai Đức Chung: Cuộc sống của tôi chưa phải là sung sướng dư giả, tôi cũng như mọi người dân phải biết tiết kiệm chi tiêu. Tôi nghĩ thế này, đã làm việc gì phải làm hết sức mình, đừng đứng núi này trông núi nọ. Tiền rất quý, nhưng cảm thì ko mua được. Các cháu nó gọi tôi bằng bác, tôi rất tôn trọng các cháu. Có bóng đá nữ mới có tôi, có tên tuổi tôi. Có những đội V-League mời tôi ko đi, CLB Bồ Đào Nha mời tôi không đi nhưng vì tình cảm với các cháu, với đam mê tôi không thể đi đâu được nữa, gắn liền với các cháu. Nhiều nhà hảo tâm, mức lương tốt nhưng tôi cũng phải suy nghĩ nhưng không được bền lâu và áp lực lớn. Tôi trót dành tình cảm cho các em, các cháu rồi.

Nhà báo Công Khanh:Khi người con gái đá bóng sẽ hy sinh rất nhiều như mái tóc, làn da, những va chạm, chấn thương để lại sẹo… Người ta thường nói con gái dẫu gì vẫn phải đẹp… Vậy làm sao để các nữ cầu thủ vượt qua những khó khăn đó? Hải Yến?

Cầu thủ Hải Yến. Ảnh: Quang Vinh.

Tiền đạo Hải Yến: Bóng đá là bộ môn đối kháng trực tiếp vì vậy những va chạm, chấn thương là điều không tránh khỏi.

Những cầu thủ nữ cũng phải đối mặt với việc tập luyện khắc nghiệp như những cầu thủ nam. Nếu gặp chấn thương nặng cũng phải tự chịu còn nếu may mắn gặp chấn thương nhẹ thì không sao. Các cầu thủ nữ đặc biệt là đối với bóng đá thì phải đối mặt với muôn vàn nỗi vất vả.

Tuy nhiên, điều khiến Yến và các đồng đội hi sinh cho mỗi trận đấu đấy chính là đam mê. Và động lực của đam mê xuất phát chính từ gia đình, từ những người hâm mộ.

Nhà báo Công Khanh:Cuộc sống của cầu thủ nam có thể “đổi đời” chỉ mỗi trận thắng thậm chí là một bàn thắng. Còn các cầu thủ nữ, để có 1 đời sống khá giả thôi cũng không hề dễ dàng, góc độ chuyên gia bóng đá, nhà quản lý, theo sát đội ông Phan Anh Tú có thể cắt nghĩa thêm về câu chuyện này?

Chuyên gia Phan Anh Tú. Ảnh: Quang Vinh.

Chuyên gia Phan Anh Tú: Chơi thể thao phải xuất phát từ sự đam mê dù nam hay nữ. Với nam giới chơi thể thao vốn đã vất rồi nhưng với nữ giới còn vất vả gấp bội, đặc biệt là các môn thể thao ngoài trời. Đối với bóng đá nữ là môn mới xuất hiện không phải môn truyền thống nên vất vả lớn hơn rất nhiều.

Tôi cho rằng kể cả bóng đá nam hay nữ, cầu thủ trở thành ngôi sao, đổi đời sau các trận đấu rất ít. Số cầu thủ thành công không phải là mẫu số chung mà chỉ có người may mắn, theo đuổi đến cùng đam mê mới có thể mang lại vinh quang cho họ.

Bên cạnh đó, tác động của báo chí như buổi toạ đàm hôm nay của Báo Đại Đoàn Kết cũng là một yếu tố, mang vai trò lớn tạo cú hích cho các vận động viên và như một bài học để họ thấy rằng, trong thể thao muốn thành công phải có năng khiếu, sự ủng hộ gia đình của gia đình, sự chung tay đồng hành của nhiều đơn vị .

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, bóng đá nữ hay bóng đá nam đều được đầu tư bình đẳng. Tuy nhiên, bóng đá nam thu hút người xem hơn, tính cạnh tranh mạnh hơn, thu hút nhà tài trợ hơn nên thu hút truyền thông lớn hơn nên có lợi thế hơn bóng đá nữ. Chúng ta cũng được xem nhiều trận bóng đá nam hay, trong khi trận đấu hay của bóng đá nữ không nhiều.

Câu hỏi của bạn rất hay. Việc lo tương lai cho các em có nhiều cách thức và để làm được điều đó chúng ta cần sự quan tâm nhiều hơn nữa. Khi sang Nhật gặp các cầu thủ nữ của Nhật, chúng tôi có đặt câu hỏi với các em rằng, sau khi tập luyện thể thao nếu không thành tài thì các em sẽ làm gì. Các em đều trả lời rằng: “các em sẽ trở thành 1 công dân tốt”.

Tôi kể ra câu chuyện này để muốn gửi thông điệp rằng, những cầu thủ Việt Nam nếu không may mắn chưa có thành tích tốt thì hãy nghĩ như những cầu thủ của Nhật.

Hiện nay, chúng ta thấy ở TP HCM họ rất năng động, đối với các cầu thủ thực sự xuất sắc họ sẽ có những huân chương lao động hạng Nhất, hạng Nhì, đã có các nhà tài trợ, doanh nghiệp chăm lo cho cuộc sống của các cầu thủ. Tôi nghĩ đây là bước chuyển lớn. Và sau bước chuyển này, tôi cho rằng, bóng đá các tỉnh sẽ có những nghiên cứu, chăm lo theo từng cấp độ cho tương lai các cầu thủ.

Một số câu hỏi của độc giả dành cho các khách mời:

HLV Mai Đức Chung trả lời độc giả. Ảnh: Quang Vinh.

HLV Mai Đức Chung: Cảm ơn mọi người đã quan tâm đến đội tuyển bóng đá nữ. Bản thân chúng tôi trong cuộc không có bì tị gì với bóng đá nam. Giới nữ các bạn đã vượt qua rào cản để có những hình ảnh đẹp trong lòng người hâm mộ. Kỳ tích vừa rồi là cú hích để cho các bạn trẻ nữ tham dự bóng đá nữ nhiều hơn. Cần sự chung tay của tất cả mọi người trong đất nước cho chúng ta.

Tôi vẫn còn hợp đồng với đội tuyển bóng đá nữ VN. Năm 2023 còn tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe, năm nào làm biết năm ấy.

Nhà báo Công Khanh:Nhiều độc giả quan tâm đến những việc rất nhỏ của các nữ cầu thủ, như việc chị em có đánh son khi ra sân cỏ không?

Tiền đạo Hải Yến tại Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Tiền đạo Hải Yến: Bóng đá là môn thể thao của phái mạnh, khi tham gia bộ môn này, bản thân Yến và đồng đội của mình đối mặt với rất nhiều khó khăn. Mỗi buổi sáng cả đội sẽ tăng cường việc tập luyện, đối với những chị em chưa đủ tuổi, vẫn còn phải đi học thì buổi tối sẽ tranh thủ để ôn bài. Còn đối với những người không phải đi học sẽ có nhiều thời gian cho gia đình.

Khi thi đấu, có những chị em vẫn rất đẹp vì vậy mới có danh xưng “hot girl sân cỏ”. Điều này cho thấy, bóng đá nữ cũng rất thoải mái, không áp đặt việc có được trang điểm hay không. Điều quan trọng là có thời gian để làm đẹp hay không mà thôi (cười).

Nhà báo Công Khanh:40 năm làm HLV và suốt 25 năm qua ông huấn luyện các cầu thủ nữ. Phải quản lý một tập thể hơn 20 cầu thủ nữ - sẽ có những phức tạp riêng. Vậy ông phải xử lý những tình huống như thế nào?

Đội tuyển quốc gia có chuyên gia tâm lý dành cho các nữ cầu thủ không? Có điều gì khó khăn hay những tình huống khó nói mà ông có thể chia sẻ?

HLV Mai Đức Chung: Trong cuộc đời huấn luyện của tôi, đối với bóng đá nữ hết sức khó khăn và phức tạp so với nam giới. Nữ giới hay bì tỵ, có những bạn mắc khuyết điểm, tôi đứng ở sân phê bình nhẹ nhàng, sau buổi tập luyện gọi bạn ấy ra nhắc nhở, không dùng quyền của HLV mạt sát VĐV. Từng buổi tập luyện tôi cũng học hỏi chuyên gia để đúc kết áp dụng cho công việc của mình, tôi cũng chăm lo từng tí như con như cháu tôi.

Nhà báo Công Khanh:Thưa HLV Mai Đức Chung, trong quá trình chuẩn bị cho buổi tọa đàm này, tôi đã tìm thấy 1 bức ảnh ông đứng chỉ đạo một buổi tập luyện của đội tuyển bóng đá Nam dưới mưa. Bức ảnh đó rất ấn tượng - ấn tượng về một người thầy tận tụy.

Nhưng ấn tượng hơn cả là hoàn cảnh của bức ảnh đó… Sau thất bại ở Sea Games năm 2017, HLV Hữu Thắng từ chức, tuy nhiên lúc ấy VFF vẫn chưa tìm được HLV mới, mà lại vướng 2 trận đấu với Campuchia ở vòng loại Asian Cup 2019. Gọi khắp làng bóng đá nội chẳng ai dám nhận ghế, thứ nhất là vì sợ thất bại, thứ hai là vì tự ái. Ai lại đi cầm tạm trận rồi phải đi như vậy? Duy chỉ có HLV Mai Đức Chung là dám nhận ghế. Và ông lao vào giữa mưa để huấn luyện và rèn quân như bức ảnh mà bạn thấy đây. Năm đó ông 68 tuổi, và giữa mưa giữa gió rèn chiến thuật cùng các học trò.

“Trong lúc dầu sôi lửa bỏng này, chẳng ai nhận thì tôi nhận thôi. Thắng tôi nhận, thua tôi chịu trách nhiệm, đánh đổi bằng danh tiếng, tôi cũng chấp nhận. Cả đời tôi sống thế rồi, xá gì chỉ một trận đấu này”.

Chiến thắng 2-1 trước Campuchia hôm đó giúp Việt Nam tiến một bước dài đến tấm vé dự Asian Cup 2019. Xong nhiệm vụ thì ông Mai Đức Chung rời ghế, quay lại với bóng đá nữ.

Xin HLV Mai Đức Chung chia sẻ thêm về điều này.

HLV Mai Đức Chugn và Tiền đạo Hải Yến tại Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

HLV Mai Đức Chung: Cái khoảnh khắc đó tôi nhớ cách đây 5 năm, năm 2017. Năm đó chúng tôi vô địch, vừa chân ướt chân ráo về thì CT liên đoàn gọi điện về cho tôi, đội tuyển nam không có HLV, tôi mời anh làm HLV nốt cho 2 trận. Nói thật lúc í tôi cũng mệt và phải đắn đo suy nghĩ. Trước mắt tôi cũng là 1 đảng viên, luôn luôn nhận những trách nhiệm mà đảng giao phó, tôi cũng nghĩ đến thành quả. Tôi xem video, tôi thấy cũng hơi sợ. Mình phải cầm quân nếu không đưa được đội tuyển vào vòng trong thì mình cũng bị ảnh hưởng. Nhiều thứ làm tâm trạng tôi phải suy nghĩ và tôi quyết định nhận. Bóng đá có thua có thắng không sao cả, mình cứ làm tôi suy nghĩ vậy. Tại sân Mỹ Đình mình thắng 5-0. Ông Park đã xuống bắt tay cảm ơn tôi. Thành công của tôi là tôi đã mời được Anh Đức về đá và ghi được bàn thắng quyết định vào AFF Cup. Đó vẫn là niềm đam mê của tôi với bóng đá

Nhà báo Công Khanh:Bạn đã chuẩn bị gì cho thời kỳ từ giã sự nghiệp, Hải Yến?

Tiền đạo Hải Yến: Đây là câu hỏi chung không chỉ riêng bản thân Yến mà của cả những đồng đội của mình. Bản thân Yến là cầu thủ thuộc trung tâm TP Hà Nội, được tạo điều kiện cho học hết cấp 3, vì vậy khi kết thúc thời kỳ đỉnh cao của mình, Yến có thể dễ dàng xin việc hơn.

Còn đối với những đồng đội khác, họ không đủ điều kiện để học hết cấp 3, hay vì một lý do gì đó không thể đi học thì sẽ gặp khó khăn trong thời kỳ từ giã sự nghiệp? Làm gì, đi đâu sau khi từ giã với bóng đá vẫn luôn là dấu hỏi lớn đối với mỗi tuyển thủ nữ?

Nhà báo Công Khanh:Xin được hỏi HLV Mai Đức Chung, sau khi đưa đội tuyển nữ 4 lần vô địch SEA Game, và lần này là vào VCK World Cup, ông đã xin nghỉ để nhường vị trí cho người khác. Ông có thể chia sẻ thêm về quyết định này?

HLV Mai Đức Chung: Mọi người rất quan tâm đến công việc của tôi sau này, đúng tuổi của tôi là 73 chứ không phải 71. Mỗi một năm sức yếu đi. Hết tháng 12/2022 tôi hết hợp đồng, chưa biết năm sau như nào

Nhà báo Công Khanh:40 năm làm HLV và suốt 25 năm qua ông huấn luyện các cầu thủ nữ. Phải quản lý một tập thể hơn 20 cầu thủ nữ - sẽ có những phức tạp riêng. Vậy ông phải xử lý những tình huống như thế nào?

HLV Mai Đức Chung tại Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

HLV Mai Đức Chung: Đội tuyển quốc gia có chuyên gia tâm lý dành cho các nữ cầu thủ không? Có điều gì khó khăn hay những tình huống khó nói mà ông có thể chia sẻ

Trong cuộc đời huấn luyện của tôi, đối với bóng đá nữ hết sức khó khăn và phức tạp so với nam giới. Nữ giới hay bì tỵ, có những bạn mắc khuyết điểm, tôi đứng ở sân phê bình nhẹ nhàng, sau buổi tập luyện gọi bạn ấy ra nhắc nhở, không dùng quyền của HLV mạt sát VĐV. Từng buổi tập luyện tôi cũng học hỏi chuyên gia để đúc kết áp dụng cho công việc của mình, tôi cũng chăm lo từng tí như con như cháu tôi

Nhà báo Công Khanh:Lớp học trò sau khi giải nghệ thường làm gì, thưa ông Mai Đức Chung?

HLV Mai Đức Chung: Có những học trò đi làm những ngành nghề khác nhau. Có những vận động viên không theo nghề, cũng do ý thích và ý muốn của từng người. VĐV Hải Yến học tại chức ĐH TTDTT sau ra sẽ làm HLV, chúng ta không bắt buộc được, mà chỉ hướng dẫn. Các bạn đi theo ý muốn của bản thân và gia đình. Xã hội, cơ quan ban ngành cũng nên hỗ trợ để các bạn có một công ăn việc làm. Tôi mong muốn các bạn có gia đình êm ấm. Các bạn đã phải hy sinh, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho bóng đá và các bạn xứng đáng được hưởng cuộc sống trọn vẹn.

Nhà báo Công Khanh:Thưa ông Phan Anh Tú, từ chia sẻ của tiền đạo Hải Yến và HLV Mai Đức Chung, chúng ta thấy phát triển bóng đá nữ không chỉ thành tích, huy chương mà còn phải có đầu ra khi cầu thủ giải nghệ. Như đào tạo, lập nghiệp, bảo hiểm cho cầu thù sau giải nghệ… Ông có nhận định gì về việc này?

Chuyên gia Phan Anh Tú. Ảnh: Quang Vinh.

Chuyên gia Phan Anh Tú: Có lẽ chúng ta đều biết rằng khi một cầu thủ trở thành chuyên nghiệp, có thành tích xuất sắc phải trải qua, được tập luyện từ độ tuổi rất nhỏ. Muốn tham gia đội bóng, các cháu ở độ tuổi thiếu niên đã được tiếp nhận, đào tạo năng khiếu và được lo học đến hết phổ thông rồi đại học. Bên cạnh đó, các vận động viên cũng được tạo điều kiện học các lớp tại chức.

Nói như vậy để thấy Nhà nước chăm lo nhiều điều kiện cho các vận động viên nhưng chúng ta cũng biết rằng, số vận động viên tham gia bóng đá không ít nhưng cuối cùng để có vận động viên trưởng thành, trở thành ngôi sao không phải nhiều chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu chăm lo cho tất cả các vận động viên thì rất khó khăn.

Như tôi nói ở trên từ bài học của Nhật, chúng ta cũng nên nghĩ như họ. Đối với những vận động viên xuất sắc chúng tôi có định hướng và đầu tư cho họ trở thành các huấn luyện viên sau này. Chúng tôi cũng tận dụng các mối quan hệ để giới thiệu việc làm cho các vận động viên. Nhà nước cũng dành những việc làm biên chế, ưu tiên, tạo điều kiện cho các vận động viên. Sự quan tâm rất lớn nhưng để chăm lo cho tất cả các vận động viên là bài toán lớn.

Mong muốn nhất hiện nay của chúng tôi là các trường đại học có các chính sách tuyển dụng các vận động viên trở thành giáo viên giáo dục thể chất. Hiện nay, hầu hết các vận động viên của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều trông vào nguồn tài trợ của các đơn vị tài trợ. Còn một số đội bóng ở các tỉnh không có nhà tài trợ họ rất dễ bỏ cuộc giữa chừng.

Vì vậy muốn bóng đá nữ Việt Nam phát triển, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, cần có sự chung tay của các đơn vị, doanh nghiệp.

Rõ ràng, tiềm năng của chúng ta rất nhiều. Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều đợt tuyển chọn cả nước. Tiền năng hiện nay của chúng ta ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên nhưng không khai thác được vì không có nhà tài trợ, đơn vị đồng hành.

Rất mong qua buổi toạ đàm này, một số địa phương tiềm năng, doanh nghiệp sẽ có sự quan tâm hơn cho bóng đá Việt Nam.

Nhà báo Công Khanh:So với bóng đá nam thì kinh phí nuôi một đội tuyển bóng đá nữ không quá lớn. Vậy cái khó khăn là gì thưa HLV Mai Đức Chung?

HLV Mai Đức Chung: Như mọi người đã biết kinh phí cho bóng đá nữ không phải là lớn, nhưng làm sao để có kinh phí cho bóng đá nữ càng khó. Bóng đá nữ vẫn phải bao cấp, các nhà tài trợ phải đầu tư thêm. Muốn đội tuyển có lực lượng tốt phải có các CLB đào tạo lên, ngay từ trường lớp năng khiếu chúng ta phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng. Nhưng chúng ta phải có điều kiện tốt về sân bãi.

Ở nước ngoài nam nữ tập trung tập luyện cùng nhau, ở chúng ta thì chưa đủ điều kiện để làm được việc đó. Thành tích vừa rồi cũng là một cú hích để các gia đình nhìn thấy được để cho con em tham gia, cả xã hội cùng chung tay đầu tư thì sẽ có nguồn tài trợ tốt để dồn cho bóng đá nhiều hơn.

Nhà báo Công Khanh:Vai trò VFF cho việc đào tạo các tuyển thủ nữ trẻ như thế nào, thưa ông Phan Anh Tú?

Chuyên gia Phan Anh Tú: Kế hoạch đào tạo đội tuyển bóng đá nữ hiện nay của Liên đoàn Bóng đá nữ Việt Nam rất đúng. Khi khảo sát cơ sở vật chất của các địa phương họ rất thiếu thốn. Bên cạnh đó, huấn luận viên nữ rất ít, kỹ lưỡng cho vận động viên từ bé rất khó khăn. Trong khi tiềm năng lớn nhưng sự chăm lo, đầu tư, đào tạo các vận động viên trở thành ngôi sao của các địa phương không đều tay.

Chỉ có 2 môi trường tốt là Hà Nội , TP Hồ Chí Minh là làm tốt việc đào tạo. Nên hiện nay, theo chủ trương của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, tập trung vận động viên đào tạo tại liên đoàn, như vậy mới bảo đảm cơ sở vật chất, chế độ dinh dưỡng huấn luyện viên có chuyên môn, điều kiện về chuyên gia. Sau đó trở về tham gia đội tuyển ở các địa phương tăng cơ hội cọ sát. Đây là mô hình đào tạo gà nòi mà các nước hiện nay đang làm.

Nhà báo Lê Anh Đạt. Ảnh: Quang Vinh.

Kết thúc Tọa đàm, nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết bày tỏ: "Tôi thật sự rất ấn tượng với thành tích của Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam và đó cũng là một trong những nguyên nhân hôm nay chúng ta ngồi đây nói chuyện về bóng đá nữ".

Nhà báo Lê Anh Đạt cho biết, trước khi diễn ra buổi tọa đàm hôm nay, Ban tổ chức và cá nhân ông dành sự kính trọng cho HLV ông Mai Đức Chung, khi ở tuổi 68 – người đã đóng thế rất nhiều lần, có một câu nói trước khi nhận đội tuyển bóng đá nam trong tình cảnh ngặt nghèo,khó khăn là: “Tôi là Đảng viên, cả đời đã sống như thế, đã nhận những việc mới, việc khó, đã đứng trước cờ Đảng thề sẽ nhận sự phân công của tổ chức, nhận việc khó, việc mới, Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Đúng như câu nói của HLV Mai Đức Chung: “Cả đời sống như thế thì xá gì một vài trận đấu” đã phần nào làm toát lên vẻ đẹp không chỉ ở trên sân cỏ mà đó là thành công, câu chuyện truyền cảm hứng cho các cầu thủ. Bên cạnh đó, với tư cách của một người Đảng viên, tôi thấy rất hay, tôi đọc cảm thấy như có nguồn năng lượng mới. Xin cảm ơn ông, cảm ơn câu hỏi của MC.

Báo Đại Đoàn Kết trân trọng cảm ơn Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á đã đồng hành cùng chương trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tọa đàm trực tuyến: Bóng đá nữ - Phía sau hào quang