Ngày 11/9, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức tọa đàm, trưng bày chuyên đề về nhà báo Trương Vĩnh Ký.
Nhà báo Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898) còn có tên là Petrus Ký, là một người có kiến thức uyên bác về nhiều mặt, trong lĩnh vực văn hóa lẫn trong lĩnh vực xã hội, khoa học. Ông dịch sách chữ Hán, phiên âm ra chữ Quốc ngữ những bản cổ văn Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Phan Trần, Lục súc tranh công, Gia huấn ca… và biên soạn Chuyện khôi hài, Chuyện đời xưa…
Ông để lại cho hậu thế một gia tài khổng lồ với 118 tác phẩm, gồm sách nghiên cứu, sưu tầm, phiên âm, dịch thuật trong đó có cả chục tác phẩm bằng Pháp văn. Ông được cho là thông thạo 27 ngoại ngữ, được tấn phong Giáo sư Viện sĩ Pháp, được ghi tên trong Bách khoa Tự điển Larousse. Sự nghiệp của ông thật là phi thường và hiếm có nhất là trong giai đoạn giao thời giữa văn hóa Đông - Tây ở cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Ông luôn tìm cách cổ vũ cho sự sử dụng chữ Quốc ngữ. Ông viết trên Gia Định Báo ngày 15/4/1867 “Chữ ấy chẳng khó đâu, ra công học một đôi tháng thì thuộc hết”.
Nhiều ý kiến tại tọa đàm nhấn mạnh, cuộc đời nhà báo Trương Vĩnh Ký gắn liền với sự phát triển của chữ Quốc ngữ, với việc quảng bá trên báo chí, trên sách vở, trong đó đặc biệt là việc biên soạn sách giáo khoa Văn - Sử - Địa bằng chữ Quốc ngữ. Đó cũng là cuộc đời của một người làm báo Việt Nam trong bối cảnh một phần đất nước được coi là nhượng địa của người Pháp vào cuối thế kỷ XIX.
Cũng tại tọa đàm, Ban tổ chức trưng bày một số hiện vật, ấn phẩm báo chí, tài liệu gốc về nhà báo Trương Vĩnh Ký.