Tôi đã thành thật với chính mình

NHẬT ĐĂNG 07/08/2023 08:26

Không hiểu sao, tháng 7 về, tôi lại nhớ đến đạo diễn Đặng Nhật Minh. À, có lý do, là bởi chợt nhớ tới bộ phim “Đừng đốt” đạo diễn Đặng Nhật Minh đã làm, từ câu chuyện xoay quanh cuốn nhật ký nổi tiếng của bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh.

“Đừng đốt” cũng là một trong những bộ phim về Hà Nội mà vị đạo diễn sinh năm 1938 này tâm đắc. Ông từng nói: "Chủ đề về Hà Nội chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc đời làm phim của tôi. Tôi đã làm 4 phim về Hà Nội đó là “Hà Nội mùa đông 46”, “Mùa ổi”, “Đừng đốt” và “Hoa nhài”.

Chính là Hà Nội và những con người Hà Nội đã tạo nên nguồn cảm hứng cho tôi khi làm phim này và các phim khác nữa kể cả phim gần nhất là phim “Đừng đốt” về nữ bác sĩ - liệt sĩ người Hà Nội Đặng Thùy Trâm".

* Khi làm phim “Đừng đốt”, tôi chỉ biết làm cho tốt thôi, tôi không biết khán giả Mỹ họ thích cái gì. Làm sao mà biết được. Tôi chỉ cố gắng làm những gì tốt nhất, đúng với tâm trạng của mình nhất. Và bất ngờ là người Mỹ rất cảm động, thậm chí chiếu xong nhiều người còn khóc nghẹn, không phát biểu được.

* Vào giữa năm 2005, cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" xuất hiện lần đầu tiên. Lúc đầu trên báo đăng dần từng kỳ, sau đó được xuất bản thành sách. Tôi cũng háo hức đọc và thấy rất cảm động. Tôi thấy chị Đặng Thùy Trâm rất gần gũi với tôi vì tôi có hai cô em gái cũng trạc tuổi như vậy và tính cách tình cảm cũng rất giống với những gì chị viết trong cuốn nhật ký.

Sau đó tôi có dịp đến thăm gia đình và được bà Doãn Ngọc Trâm (mẹ của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm) tiếp đón rất niềm nở. Tôi cảm tưởng như giữa tôi và gia đình này đã thân quen từ lâu. Và đúng thật, gia đình đó cùng họ Đặng - tuy không phải cùng nhánh của tôi, nhưng cũng là người gốc Huế. Và cụ thân sinh ra tôi - Giáo sư Đặng Văn Ngữ cũng là thầy dạy chị Đặng Thùy Trâm ở trường Y. Tất cả điều đó như những mối dây ràng buộc vô hình nên khi đến với gia đình ấy, tôi thấy như đến với những người thân.

Sau đó, nói thực là tôi cũng chưa có ý định làm phim về cuốn nhật ký này, vì đọc thì thấy chị (Đặng Thùy Trâm) mỗi ngày viết về một chuyện, mỗi ngày một xúc cảm thì làm sao làm phim được. Nếu có làm phim thì chỉ làm được phim truyền hình nhiều tập chứ không thể làm phim truyện được. Phim truyện phải có một kết cấu nào đó.

Cho đến khi tôi đọc được những bài viết về số phận của cuốn nhật ký lưu lạc sang tận bên Mỹ, gặp được viên sĩ quan Mỹ đã từng nhặt được và lưu giữ cuốn nhật ký này suốt 35 năm thì tôi mới xác định được cấu trúc cũng như tư tưởng chủ đạo của bộ phim, và cái mà chị Đặng Thùy Trâm chinh phục được đối phương chính là lòng nhân ái, tình thương yêu con người của chị. Đó mới là sức mạnh của chị chứ không phải chị giết được bao nhiêu lính Mỹ… Trong phim không có cảnh nào chị cầm súng mà chỉ có tình thương là vũ khí, là sức mạnh của chị.

* Có những câu chuyện thật trong cuộc đời đôi khi cảm động hơn cả những gì người ta hư cấu để làm thành phim. “Đừng đốt” là một trường hợp như vậy. Vấn đề là làm sao để chuyển tải được những câu chuyện thật ấy tới người xem một cách có ấn tượng nhất. Một đạo diễn nổi tiếng đã nói: “Điện ảnh là sự đan dệt của thời gian”. Và tôi đã tìm ra một hình thức là đan dệt thời gian và không gian. Những sợi len mà tôi dệt chính là thời gian và không gian, đó là chất liệu để tôi dệt nên bộ phim.

* Tình yêu và sự say mê với điện ảnh trong tôi không bao giờ vơi, thậm chí ngày càng đầy thêm cùng với tuổi tác. Nếu tổng kết về các phim tôi đã làm tôi có thể nói: Đó là những phim làm từ những cảm xúc chân thành của tôi đối với con người, với đất nước, với Hà Nội. Đó là một thứ điện ảnh của cảm xúc…

Cảnh trong phim “Đừng đốt”.

* Tôi không xác định cho mình là một người chuyên làm phim về chiến tranh, hay làm phim về phụ nữ, làm phim về anh hùng…", mà cảm xúc đến với mình thì mình làm. Phim nào tôi làm thì cái quan trọng là Con người, tôi muốn nói về Con người. Con người có lúc trong hoàn cảnh hòa bình, có lúc trong hoàn cảnh chiến tranh. Chiến tranh chỉ là hoàn cảnh bên ngoài thôi, điều quan trọng tôi quan tâm là cái bên trong của con người, của nhân vật.

* Tôi vẫn luôn cho mình là người gặp nhiều may mắn trong điện ảnh. Những người ủng hộ giúp đỡ tôi nhiều hơn những người vì ghen ghét đố kỵ mà tìm mọi cách để hãm hại tôi. Tôi chỉ có một vũ khí để tự vệ, đó là sự im lặng.

* Tôi nghiệm ra rằng, nghệ thuật là phải khác. Khác với chính mình và với những người khác. Dĩ nhiên, cùng với tuổi tác thì sức khỏe không còn như xưa, nhưng may thay, việc làm phim của người đạo diễn bây giờ không cần đòi hỏi nhiều sức lực của cơ bắp. Ra hiện trường, người đạo diễn ngồi một chỗ giám sát hình ảnh qua màn hình monitor. Cần điều chỉnh gì thì nhờ đội ngũ phó đạo diễn và trợ lý giúp. Bao giờ ưng ý hoàn toàn mới hô bấm máy. Quan trọng là cái đầu người đạo diễn phải tỉnh táo.

* Nhà văn Nguyễn Minh Châu, không lâu trước khi qua đời có nói một câu chí lý: “Hãy đi đến tận cùng cái của ta, ta sẽ gặp được nhân loại”. Cái tận cùng của ta ấy là bản sắc văn hóa dân tộc, và cái nhân loại ấy chính là cộng đồng thế giới mà chúng ta đang cố gắng hội nhập.

* Tôi đến với điện ảnh bằng sự tình cờ, không có sự chuẩn bị trước. Do đó, tôi phải vừa làm vừa tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết của nghề đạo diễn điện ảnh. Tôi cố tìm hiểu để trả lời cho mình câu hỏi: Điện ảnh là gì?

* Mỗi một phim do tôi tự viết kịch bản rồi tự làm đạo diễn phải là những lời tâm sự với người xem về những vấn đề mà tôi quan tâm, về những nỗi niềm mà tôi xúc động trong cuộc sống. Nếu những lời tâm sự đó được người xem đồng cảm thì tôi thấy hạnh phúc. Còn nếu không đành chịu, nhưng dẫu sao tôi cũng đã thành thật với chính mình.

* Tôi rất tâm đắc với câu nói của một đạo diễn châu Âu: “Đạo diễn không phải là một nghề. Đó là một nhân sinh quan, một cách nhìn sự vật”. Càng ngày tôi càng nghiệm thấy ý nghĩa sâu sắc của câu nói đó.

* Phim là người. Tôi sống như thế nào thì phim tôi như thế, không khác được. Nhưng nhìn vẻ bên ngoài thì ít ai biết được những gì đang sôi sục bên trong con người tôi. Trong cuộc sống tôi cố ghìm những cảm xúc của mình để chỉ bùng ra trong phim mà thôi. Có thể nói trong tôi có một thế giới riêng ít khi hé lộ ra bên ngoài. Thế giới đó chỉ bộc lộ qua phim ảnh.

* Để phim Việt bước ra thế giới, nội dung, câu chuyện cần chạm được đến những vấn đề phổ quát, được nhân loại quan tâm. Con người dù ở thời đại nào, chiến tuyến nào thì cũng đều có khát vọng hạnh phúc, những cung bậc cảm xúc hỉ-nộ-ái-ố và đều là nạn nhân của vòng xoáy đạn bom…

Tất nhiên, ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố quan trọng khác như sự đầu tư kinh phí đúng mức, sự thay đổi tâm lý của chính những người làm phim, nếu lúc nào cũng là “khó làm” để rồi không dám thử sức thì không thể tạo ra sự thay đổi mang tính bước ngoặt cho sự phát triển của dòng phim này…

* Đất nước suy cho cùng ở giai đoạn nào thì trí thức cũng là “vàng ròng”, hiền tài cũng là nguyên khí quốc gia cả. Điều cốt lõi là sử dụng những giá trị đó như thế nào. Như thế hệ Giáo sư Đặng Văn Ngữ, Giáo sư Hồ Đắc Di, Giáo sư Tôn Thất Tùng, ba người sáng lập Trường Đại học Y khoa kháng chiến tại Việt Bắc. Người Pháp, người Nhật, người Mỹ đều muốn sử dụng tài năng của họ, nhưng trong tâm niệm của mỗi người, mình là người Việt Nam, cần phải làm điều gì đó cho Tổ quốc Việt Nam. Họ đã từ bỏ cuộc sống cá nhân để đi theo Cách mạng như một lẽ tự nhiên, chỉ vì một động cơ duy nhất: Lòng yêu nước...

Phim là người. Tôi sống như thế nào thì phim tôi như thế, không khác được. Nhưng nhìn vẻ bên ngoài thì ít ai biết được những gì đang sôi sục bên trong con người tôi. Trong cuộc sống tôi cố ghìm những cảm xúc của mình để chỉ bùng ra trong phim mà thôi. Có thể nói trong tôi có một thế giới riêng ít khi hé lộ ra bên ngoài. Thế giới đó chỉ bộc lộ qua phim ảnh.

ĐẶNG NHẬT MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tôi đã thành thật với chính mình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO